Trạm Kiểm lâm Hóa Sơn (Minh Hóa): Điểm sáng bảo vệ và phát triển rừng
Cách đây hơn 2 năm về trước, xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa) được biết đến là một điểm nóng với nhiều vụ phá rừng; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV và PTR) rất khó khăn, nan giải. Nhưng giờ đây, khi người dân trên địa bàn đã đồng thuận, nhận thức về tầm quan trọng của rừng được nâng lên, công tác BV và PTR nơi đây trở thành điểm sáng cần được nhân rộng.
Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hóa Sơn Trần An Chung cho biết, Trạm quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn hai xã Hóa Sơn và Hóa Hợp với tổng diện tích trên 21.500 ha; trong đó, xã Hóa Sơn gần 17.300 ha, xã Hóa Hợp trên 4.200 ha. Do thời tiết biến đổi khắc nghiệt, người dân ở vùng sâu, vùng xa đời sống khó khăn, thiếu đất sản xuất, nên tình trạng phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp để trồng rừng trái pháp luật trên địa bàn thường xuyên xảy ra.
Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng lâm sản ngày càng lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ quản lý BV và PTR trên địa bàn. Năm 2016 và những năm trở về trước, Hóa Sơn là điểm nóng về vi phạm lâm luật trên toàn tỉnh. Năm 2017, tuy có giảm nhưng toàn xã vẫn có 13 vụ vi phạm với khối lượng gỗ khá lớn. Đến 6 tháng đầu năm 2018, các vụ vi phạm trên địa bàn cơ bản giảm trên tất cả các tiêu chí. Từ năm 2017, Trạm đã chủ động phối hợp với chính quyền xã tổ chức tuyên truyền kết hợp công tác giao khoán thực địa BVR ngay từ những ngày đầu mùa nắng nóng với 5 lượt tập trung tại 5 thôn, bản xã Hóa Sơn và 9 lượt tại 9 thôn xã Hóa Hợp, thu hút đông đảo người dân tham gia. Trạm cũng đã phối kết hợp với các lực lượng đứng chân trên địa bàn tuyên truyền, vận động người dân xã Hóa Sơn giao nộp 20 khẩu súng tự chế trong năm 2017 và 23 khẩu súng trong 6 tháng đầu năm 2018. Tại đây, các tổ, đội luôn duy trì bảo vệ, quản lý, PCCCR để kịp thời phát hiện các hành vi phá rừng trái phép, vận động và nhắc nhở, hướng dẫn người dân sản xuất trên nương bảo đảm quy định, không lấn chiếm đất rừng để trồng rừng; đốt nương, xử lý thực bì không để cháy lan vào rừng, đường băng cản lửa cho các khu rừng có nguy cơ cháy cao… Nhờ đó, trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, trên địa bàn Trạm Kiểm lâm Hóa Sơn quản lý không để xảy ra các vụ cháy rừng. Người dân có thêm hiểu biết và chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý BVR, không tự ý phá, đốt rừng làm nương. Các tổ bảo vệ quản lý rừng của bản tăng cường tuần tra khu rừng được giao, hạn chế thấp nhất các hành vi chặt phá rừng trái phép. Đặc biệt, từ khi được giao quản lý bảo vệ rừng, ý thức của người dân được nâng lên, bà con không phá rừng như trước. Diện tích rừng được giao cho bản đều được chăm sóc, bảo vệ nên phát triển tốt. Bản cũng thành lập tổ BVR trên tinh thần tự nguyện, thường xuyên tuyên truyền tới bà con để BVR tốt, không để xảy ra cháy rừng. Trường hợp xảy ra các đám cháy nhỏ, tổ huy động nhân dân tổ chức dập tắt kịp thời”.
Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả hơn công tác quản lý và phát triển diện tích rừng trên địa bàn hai xã Hóa Sơn và Hóa Hợp, theo ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thời gian tới, Trạm Kiểm lâm Hóa Sơn cần tiếp tục phối hợp với UBND các xã tổ chức tuyên truyền, ký các cam kết BVR và PCCCR trên các xã; hướng dẫn người dân xử lý thực bì, khai thác rừng trồng trong mùa khô; ngăn chặn việc phát đốt rừng làm nương rẫy. Đồng thời, Trạm cũng cần tăng cường công tác phối hợp tổ liên ngành và các đơn vị liên quan, UBND các xã, các trạm kiểm lâm liền kề để kiểm tra, kiểm soát lâm sản và các hành vi lấn chiếm rừng, phá rừng, không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn quản lý. Đặc biệt, Trạm tiếp tục thực hiện tốt Thông tư số 21/2016/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 6 năm 2016 về quy định khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản; kiểm tra bấm điểm bằng máy GPS các điểm khai thác rừng trồng nhằm cập nhật kịp thời diễn biến và ngăn chặn việc lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp. Cùng với đó, cần thường xuyên kiểm tra và tiến hành làm cam kết, kịp thời ngăn chặn những trường hợp cưa xẻ gỗ trái phép và ổn định trật tự về an ninh lâm nghiệp; tham mưu và kết hợp các tổ kiểm tra kiểm soát cây giống, thực hiện tốt công tác quản lý lưu thông giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn quản lý; thực hiện tốt công tác giao khoán bảo vệ rừng cho các cộng đồng thôn bản, hướng dẫn các cộng đồng thực hiện đúng các quy chế đã xây dựng tại các thôn bản. Nguồn: Website Báo Quảng Bình
Các tin đã đăng
|