Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Ban hành phương án phòng trừ dịch hại trên cây trồng năm 2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Để chủ động phòng trừ dịch hại trên các loại cây trồng, bảo vệ an toàn cho sản xuất, đảm bảo năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2023, ngày 2/12/2022 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã ban hành phương án phòng trừ dịch hại trên cây trồng, bao gồm một số nội dung chính sau:

I. PHÒNG TRỪ CHUỘT

1. Thời điểm diệt chuột

Tổ chức triển khai diệt chuột đồng loạt vào 4 thời điểm quan trọng có tính quyết định.

1.1.Trong mùa mưa lũ, đồng ruộng đang ngập nước

Chuột tập trung trú ngụ ở bờ bụi, cồn bãi và khu dân cư. Tổ chức săn bắt thủ công và đánh bã diệt chuột.

1.2. Trước lúc gieo cấy 5 - 7 ngày

- Đây là thời điểm diệt chuột quan trọng đạt hiệu quả cao vì giai đoạn này đồng trắng nên chuột sống tập trung ở ven đường giao thông, bờ đê, bờ mương, cồn bãi và thiếu nguồn thức ăn.

          - Tổ chức ra quân diệt chuột đồng loạt bằng biện pháp thủ công kết hợp đặt bã diệt chuột ngoài đồng ruộng và trong khu dân cư.

          1.3. Thời kỳ lúa đẻ nhánh

- Đây là thời điểm cây lúa phát triển mạnh về dảnh và lá tạo điều kiện cho chuột ra ruộng lúa trú ẩn và phá hoại.

          - Tiếp tục tổ chức huy động lực lượng diệt chuột bằng biện pháp thủ côngkết hợp đặt bã diệt chuột bằng thuốc.

1.4. Thời kỳ lúa làm đòng đến trỗ

Thời kỳ này quyết định năng suất, sản lượng cây lúa cũng là thời điểm chuột sinh sản mạnh, gây hại làm ảnh hưởng năng suất.

- Giai đoạn này là thời điểm chuột cái vào hang để sinh sản nên tổ chức tìm hang để đào bắt, săn bắt rất có hiệu quả (biện pháp này bắt được nhiều chuột cái và chuột con).

- Dùng hàng rào ni lon bao quanh ruộng, ngăn chuột di cư vào ruộng lúa và đặt bẫy, đào hố quanh hàng rào để bắt chuột. Đối với chuột di cư trong vụ Hè thu thực hiện biện pháp này rất hiệu quả.

- Thời kỳ này chuột thường ít ăn bã nên việc sử dụng thuốc hiệu quả không cao.

          2. Các biện pháp phòng trừ

          (Tùy từng thời điểm chuột gây hại mà lựa chọn và phối hợp các biện pháp cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả).

          2.1. Biện pháp thủ công(Đây là biện pháp quan trọng)

          - Tổ chức lực lượng đào hang, săn bắt chuột.

          - Sử dụng các loại bẫy thủ công như: Bẫy lồng, bẫy bán nguyệt, bẫy keo dính…triển khai ngoài đồng ruộng và trong khu dân cư (đặt bẫy trên đường đi lại và trước cửa hang của chuột).

          - Làm hàng rào nilon (hàng rào cao 90 cm, cách xa bờ ruộng 30 - 40 cm, mép dưới chôn sâu vào đất) bao quanh ruộng kết hợp đặt bẫy lồng và đào hố để bắt chuột.

          - Thời gian thực hiện: Trước và trong vụ sản xuất lúa.

          2.2. Biện pháp sử dụng thuốc

          - Sử dụng các loại thuốc sau để phòng trừ:

+ Thuốc Gimlet 0,2GB:  Dùng bã thuốc đã được pha chế sẵn (1 bã 25 - 50g thuốc).

+ Thuốc Racumin 0,75TP: Trộn đều 1 phần thuốc với 19 phần thức ăn chuột ưa thích như thóc mầm, thóc luộc… (mỗi bã dùng 20 - 25 g).

+ Thuốc Cat 0,25WP: Dùng 10g thuốc trộn với 0,5kg thóc luộc (hoặc thóc mộng) để làm bã chuột (mỗi bã dùng 20 - 25g).

- Các loại thuốc trên mỗi bã cho vào 01 túi nilon nhỏ màu đen buộc chặt, đặt bã ngay cửa hang, trên đường mòn chuột qua lại, đặt thuốc vào buổi chiều tối. Đánh bã vào lúc chiều tối, sáng sớm phải tiến hành thu gom bã và chuột để đảm bảo an toàn.

            -Thời gian thực hiện: Thời điểm sử dụng thuốc tiến hành trước lúc gieo cấy đến giai đoạn lúa làm đòng.

          2.3. Biện pháp sinh học

          - Khuyến khích và hỗ trợ nông dân nuôi mèo để diệt chuột.

          - Nghiêm cấm săn bắt các loại động vật là thiên địch của chuột như: Rắn, chim cú mèo, chim diều,….

- Tuyệt đối không được sử dụng dòng điện để diệt chuột.

  II. PHÒNG TRỪ ỐC BƯƠU VÀNG

1. Biện pháp thủ công

- Khi gieo đánh rãnh thoát nước ở giữa và xung quanh ruộng, sử dụng phương pháp tưới tiêu hợp lý, rút nước khô ốc tập trung về các rãnh đọng nước để tiện lợi thu gom bắt ốc dễ dàng.

- Huy động nguồn nhân lực, thu gom ốc, ổ trứng bằng tay trên ruộng lúa, dùng vợt bắt ốc ở các ao hồ, rãnh sâu.

2. Biện pháp dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)

Trên đồng ruộng, ốc có đường kính 1- 2cm xuất hiện với mật độ cao việc thu gom bằng tay hiệu quả thấp cần phải sử dụng thuốc BVTV. Sử dụng thuốc có hoạt chất như: Metaldehyde, Niclosamideđể diệt trừ.

Liều lượng: Theo như hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.

* Lưu ý: Sau khi gieo xong dùng thuốc phun diệt ốc ngay (khi mặt ruộng còn nước) để làm tăng hiệu quả của thuốc. Các loại thuốc BVTV phòng trừ ốc thường độc đối với động vật thủy sinh, nên chỉ sử dụng thuốc khi mật độ ốc cao, tránh sử dụng trên ruộng lúa cá.

            III. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI LÚA

  1. Rầy nâu, rầy lưng trắng
    1. Công tác điều tra phát hiện

          Rầy phát sinh và gây hại trên cả 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu, đặc biệt thườnggây hại nặng ở những vùng ruộngmà các năm trướcđây thường bị hại, lúa gieo cấy dày, bón nhiều đạm trên các giống nhiễm. Trong vụ, các lứa rầy gối nhau tạo nên sự tích lũy về mật độ và dễ dàng bùng phát thành dịch vào giai đoạn lúa ôm đòngđến trổ - chín. Công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo cần triển khai thường xuyên và liên tục từ đầu vụ đến cuối vụ. Điều tra phát hiện sớm các ổ rầy, theo dõi diễn biến từng lứa trên đồng ruộng về sự gia tăng mật độ của rầy để tổ chức triển khai phòng trừ kịp thời khi rầy tuổi còn nhỏ, mật độ thấp, không để rầy bùng phát trên diện rộng. 

          1.2. Biện pháp phòng trừ

- Biện pháp canh tác

+ Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn các tàn dư cây trồng trước khi làm đất.

+ Sử dụng các giống lúa ít nhiễm rầy.

+ Lượng giống gieo cần thực hiện theo chương trình SRI, tuỳ loại giống và điều kiện thâm canh, không gieo quá dày, không để ngập nước trong ruộng thường xuyên.

+ Trong cùng một vùng phải gieo tập trung và nên cơ cấu 1 loại giống để hạn chế sâu bệnh hại và thuận lợi cho việc điều tra phát hiện, phòng trừ sâu bệnh. Những vùng thường có rầy gây hại thường xuyên nên thay đổi giống sản xuất.

+ Đầu tư thâm canh cân đối ngay từ đầu vụ (bón lót đầy đủ lượng phân cần thiết như: phân chuồng, N, P, K…), để cây lúa sinh trưởng phát triển khoẻ, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, không bón thừa phân đạm.

- Biện pháp sử dụng thuốc

+ Giai đoạn lúa từ gieo -  đứng cái làm đòng

Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng thuốc hoá học để ngăn ngừa rầy gây hại và truyền bệnh ở giai đoạn từ khi gieo đến 10 - 15 ngày (đặc biệt những vùng trước đây bị bệnh lùn sọc đen). Xử lý hạt giống bằng thuốc Cruiser Plus 312,5FS.

Cách sử dụng: Hạt giống sau khi ủ đã nứt nanh, rải thành lớp mỏng trên bạt, nilon. Pha 20 - 25 ml thuốc với 2 lít nước, khuấy đều rồi phun cho 50 kg giống, sau đó trộn cho hạt dính đều thuốc. Ủ tiếp khoảng 10 - 12 giờ rồi đem gieo bình thường.

          Sau khi gieo 7 - 10 ngày, thường xuyên chủ động điều tra phát hiện sớm rầy lưng trắng di trú,nếu rầy xuất hiện với mật độ 7- 10 con/m2, giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ trên 300 - 500 con/m2 phải tổ chức phòng trừ.

          Sử dụng các loại  thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ: Pymetrozine, Thiamethoxam, Imidacloprid...

+Giai đoạn lúa từ phân hoá đòng trở đi

Thường xuyên điều tra phát hiện rầy, khi có rầy xuất hiện với mật độ 2.000-3.000con/m2 chỉ đạo nông dân phòng trừ kịp thời theo nguyên tắc 4 đúng. Phòng trừ rầy triệt để ở giai đoạn này sẽ không có hiện tượng bùng phát gây cháy ở thời kỳ lúa trổ - chín.

          Sử dụng các loại  thuốccó hoạt chất sau để phòng trừ: Pymetrozine, Thiamethoxam, Imidacloprid….

          Liều lượng sử dụng: Theo hướng dẫn đã ghi trên nhãn mác, bao bì của nhà sản xuất. Đảm bảo lượng nước thuốc như hướng dẫn, phun thuốc vào gốc lúa nơi rầy tập trung cư trú.

          2. Sâu cuốn lá nhỏ

          2.1.Công tác điều tra phát hiện

          Sâu cuốn lá nhỏ phát sinh gây hại ở cả 2 vụ trong năm, sâu thường gây hại nặng trên các trà lúa gieo cấydày,ruộng bón thừa đạm,thời tiết nắng mưa xen kẽ. Cầnđiều tra phát hiện sớm, dự tính dự báo chính xác các lứa sâu xuất hiệnđể chỉđạo phòng trừ kịp thời, có hiệu quả. Đặc biệt chú trọng sâu lứa 2 vụĐông Xuân và lứa 6 vụ Hè Thu, vào giai đoạn đòng trổ làmảnh hưởngđến năng suất.

          2.2. Biện pháp phòng trừ

- Biện pháp canh tác

+ Không gieo cấy với mật độ dày, áp dụng thực hiện thâm canh lúa theo phương thức cải tiến SRI.

+ Bón phân cân đối hợp lý, không bón thừa đạm đặc biệt là ở giai đoạn lúa làm đòng - trổ.

+ Không nên phun thuốc trừ sâu cuốn lá khi cây lúa ở giai đoạn đẻ nhánh và mật độ sâu còn thấp nhằm bảo vệ thiên địch trên đồng ruộng.

-  Biện pháp sử dụng thuốc: Sâu cuốn lá nhỏ có khả năng kháng thuốc cao vì vậy cần sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ: Emamectin, Indoxacarb, Chlorfenapyr…

Chú ý

Phải sử dụng đúng loại thuốc và liều lượng theo hướng dẫnđã ghi trên bao bì của nhà sản xuất. Phun thuốc vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, cần đi chậm, phun ướt đều mặt lá.

          3. Bệnh đạo ôn hại lúa

3.1.Công tác điều tra phát hiện

          Nắm chắc cơ cấu giống của cácđịa phương, đặc biệt là các chân ruộng bố trí giống nhiễm bệnhđạoôn như P6, TBR1, Thiên Ưu 8, Đài Thơm 8,... Thường xuyên theo dõi sự phát sinh của bệnh, nắm bắt tình hình thời tiếtđể có dự báo chính xác, triển khai phòng trừ ngay khi bệnh mới xuất hiện.

          3.2. Biện pháp phòng trừ

-  Biện pháp canh tác

+ Hạn chế sử dụng các giống nhiễm bệnh.

+ Không gieo cấy với mật độ dày, áp dụng thực hiện thâm canh lúa theo phương thức canh tác lúa cải tiến SRI.

+ Bón phân cân đối hợp lý không bón thừa đạm.

Khi ruộng đã bị nhiễm bệnh cần thực hiện các biện pháp sau:

+ Giữ nước trong ruộng từ 1- 3 cm.

+ Ngừng ngay việc sử dụng phân đạm, kali, các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá.

+ Đối với những giống nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông không nên bón thừa đạm ở giai đoạn đòng - trổ.

- Biện pháp sử dụng thuốc

          + Sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất sau đây để phòng trừ: Tryciclazole, Isoprothilane…

+ Đối với bệnh đạo ôn cổ bông: Phun thuốc phòng bệnh ở các chân ruộng đã bị đạo ôn lá, các giống nhiễm đạo ôn, đặc biệt vào giai đoạn lúa trổ gặp ẩm độ cao, thời tiết âm u, có mưa.

Chú ý: Đối với những ruộng đã bị bệnh đạo ôn cần phải phun thuốc 2 lần, lần sau cách lần trước 5 - 7 ngày. Các ruộng lúa bón thừa đạm, các giống nhiễm phải tiến hành phun phòng bệnh kịp thời. Đảm bảo lượng nước thuốc theo hướng dẫn đã ghi trên bao bì của nhà sản xuất.

          4. Bệnh khô vằn

4.1. Công tác điều tra phát hiện

          Bệnh khô vằn thường phát sinh gây hại trên các chân ruộng bón thừa đạm, mật độ gieo dày, ngập nước thường xuyên. Bệnh thường hại nặng vào giai đoạn lúa kết thúc đẻ nhánh đến chín, đặc biệt bệnh phát triển và lây lan nhanh trong điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ, vì vậy cần chú ý theo dõi để chỉ đạo phòng trừ kịp thời.

          4.2. Biện pháp phòng trừ

-  Biện pháp canh tác

+ Không gieo cấy với mật độ dày, áp dụng thực hiện thâm canh lúa theo phương thức canh tác lúa cải tiến SRI.

+ Bón phân cân đối hợp lý không bón thừa đạm.

          - Biện pháp sử dụng thuốc: Sử dụng một trong các loại thuốc có các hoạt chất sau đây để phòng trừ: Validamycin, Hexaconazole, Propiconazole...

            Chú ý: Khi lúa bị bệnh khô vằn không để nước trong ruộng cao. Phun thuốc trực tiếp vào thân cây lúa nơi xuất hiện bệnh, không phun trên lá. Đảm bảo lượng nước thuốc theo hướng dẫn đã ghi trên bao bì của nhà sản xuất.

          IV. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI NGÔ

  1. Sâu keo mùa thu

Sâu keo mùa thu có thể ăn hơn 300 loài thực vật, bao gồm cả ngô, bông, đậu tương, lúa, mía, cây rau, cà, ... Tuy nhiên, sâu ưa thích nhất cây ngô, nhất là ngô ngọt, ngô nếp và ngô rau.

          1.1.Con đường xâm nhập lây lan

Sâu keo mùa thu có thể xâm nhập qua các con đường chính gồm: Sâu non di chuyển ở khoảng cách gần (cây này sang cây khác; ruộng này sang ruộng khác). Sâu non, nhộng, trứng thậm chí là trưởng thành di chuyền theo sản phẩm, phế phụ phẩm của cây ký chủ (ngô, cỏ thức ăn chăn nuôi, cỏ sân golf...) trong quá trình vận chuyển cây ký chủ qua biên giới hoặc theo hàng hóa thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc giữa các địa phương trong nước. Trưởng thành tự bay tìm nơi đẻ trứng ở khoảng cách vài trăm mét đến hàng chục km. Trưởng thành di trú có thể bay theo gió xa hàng trăm km.  

1.2.Biện pháp phòng chống

Để phòng chống sâu keo mùa thu có hiệu quả cần thực hiện biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp, bao gồm:

- Biện pháp canh tác

 Làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng ngô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu. Làm đất rồi phơi đất khô để nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt. Luân canh ngô và cây trồng khác ngay sau vụ ngô để diệt nhộng trong đất.

- Biện pháp thủ công

+ Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn ngô 3-6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy. Sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô diệt sâu non.

+ Bẫy bả, bẫy đèn bằng cách sử dụng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy đèn để diệt trưởng thành. Hoặc bẫy cây trồng bằng cách trên cánh đồng trồng ngô, cần trồng xen một số diện tích cỏ voi, ngô nếp sớm hơn so thời vụ chung để dẫn dụ trưởng thành đến đẻ trứng. Sử dụng bẫy diệt trưởng thành, ngắt ổ trứng và phun trừ sâu non trên các diện tích bẫy cây trồng.

- Biện pháp sinh học

Hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học để bảo vệ thiên địch của sâu keo mùa thu. Sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ. Nhân thả ong ký sinh trứng (ong mắt đỏ, ...), các loài bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kìm để kiểm soát sâu non mới nở - tuổi nhỏ.

- Biện pháp hóa học

Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất như: Emamectin, Spinetoram, Indoxacarb… để phun trừ khi sâu tuổi 1-3 với liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất, phun sáng sớm hoặc chiều mát. Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng.

Lưu ý: Sâu keo mùa thu có tính kháng thuốc cao vì vậy cần sử dụng đúng thuốc và phòng trừ khi sâu tuổi 1 - 3 mới đạt hiệu quả cao.

V. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI SẮN

1. Bệnh khảm lá sắn: Do virus Sri Lanka Cassava Mosaic Virus gây ra thông qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng có tên khoa học Bemisia tabaci Genn.

          1.1. Công tác điều tra phát hiện

Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lỗ trên lá. Mức độ hại nhẹ là không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm. Thông qua việc quan sát đồng ruộng và nắm bắt thông tin từ cơ sở để phát hiện bệnh sớm, từ đó đề xuất các biện pháp phòng chống kịp thời, có hiệu quả.

1.2. Biện pháp phòng chống

          - Biện pháp canh tác

+ Chọn giống gieo trồng: Chọn giống kháng bệnh, không trồng các giống nhiễm bệnh nặng.

+ Biện pháp luân canh: không trồng sắn hoặc cây ký chủ của bọ phấn (cây thuốc lá, cà chua, cà pháo, cà bát, bầu bí, ớt, …) ở những vùng đã bị bệnh khảm lá ít nhất một vụ.

- Phòng trừ môi giới truyền bệnh

+ Sử dụng bẫy dính vàng treo trên đồng ruộng diệt bọ phấn trắng.

+ Những vùng có nguy cơ bùng phát bệnh cần phun trừ bọ phấn bằng thuốc BVTVcó hoạt chất như Pymetrozine, Thiamethoxam, Imidacloprid... phun khi bọ phấn giai đoạn ấu trùng hiệu quả cao hơn.

- Tiêu hủy nguồn bệnh

+ Bước 1: Xác định ruộng bị bệnh khảm lá

Điều tra xác định ruộng bị bệnh khảm lá sắn, mức độ bệnh và giai đoạn sinh trưởng để áp dụng biện pháp tiêu hủy phù hợp.

+ Bước 2: Phun trừ môi giới truyền bệnh

Điều tra nếu có bọ phấn phải phun thuốc trừ bọ phấn trên ruộng sắn nhiễm bệnh và những ruộng xung quanh để ngăn chặn bọ phấn di chuyển sang nơi khác truyền bệnh. Phun trước khi tiêu hủy cây sắn từ 2-3 ngày để đảm bảo an toàn.

+ Bước 3: Tiến hành tiêu hủy

- Tiêu hủy một phần: áp dụng với các ruộng sắn tỷ lệ bệnh < 70% số cây bị nhiễm bệnh, tiến hành nhổ cây bị bệnh (bao gồm cả củ), thu gom và đốt.

- Tiêu hủy toàn bộ ruộng: áp dụng với các ruộng sắn tỷ lệ bệnh > 70% số cây bị nhiễm bệnh thì nhổ toàn bộ ruộng, thu gom và đốt.

Các ruộng sắn có khả năng thu hoạch thì nhổ toàn bộ cây sắn, tận thu củ còn thân lá phải đem tiêu hủy.

+ Bước 4: Kiểm tra sau tiêu hủy

Cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân thực hiện biện pháp tiêu hủy cũng như theo dõi, giám sát toàn bộ các diện tích trồng sắn của tỉnh; sau 15-30 ngày kiểm tra các diện tích đã xử lý, nếu phát hiện còn bệnh hoặc củ sắn còn sót mọc mầm thì tiếp tục tiến hành nhổ tiêu hủy triệt để như hướng dẫn trên.

2. Bệnh chổi rồng: Do dịch khuẩn bào (tên khoa học là Phytoplasma). Đây là một loại dịch hại chuyển tiếp từ virus và vi khuẩn.

2.1. Công tác điều tra phát hiện

Hom giống nhiễm bệnh sau khi trồng lên mầm và sinh trưởng kém, lóng thân ngắn, lá nhỏ. Chồi ngọn rụt ngắn lại, cây thấp lùn, các mầm ngủ trên thân mọc nhiều chồi, cây sinh trưởng kém.

Khi bệnh nặng bên trong thân gỗ của cây và hom sắn thâm đen, phần bấc trong thân cây chuyển màu nâu vàng, sau đó cây héo dần, rụng lá và chết cả cây.

Đối với những cây nhiễm bệnh nhẹ, mặc dù cây sinh trưởng bình thường nhưng đến thời kỳ thu hoạch ngọn cây bị chết khô, phần thân đoạn dưới bị chết, các chồi mọc thành dạng chùm, hình dạng dù, cây sắn ít củ và củ nhỏ hơn cây bình thường.

2.2.Con đường xâm nhập lây lan

Bệnh chổi rồng hại sắn thường phát sinh lây lan qua 2 con đường:

+ Hom giống bị nhiễm bệnh.

+ Do một loài rầy xám (tên khoa học Hishimonus phycitis) là môi giới lan truyền bệnh.

Bệnh thường phát sinh và gây hại trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao. Vì vậy bệnh thường gây hại nặng vào các tháng mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm).

2.3. Biện pháp phòng chống

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh chổi rồng trên cây sắn, vì vậy công tác phòng bệnh là chính.

- Đối với những nương sắn bị nhiễm bệnh gần đến thời kỳ thu hoạch, cần tập trung thu hoạch nhanh, thu gom và tiêu hủy (đốt) triệt để thân và các tàn dư khác như rễ, lá... nhằm tiêu hủy nguồn bệnh.

- Luân canh cây sắn với các cây trồng khác họ như ngô, đậu tương, lạc, rau đậu... từ 1 - 2 năm, sau đó mới trồng lại sắn.

- Đối với những nương sắn mới trồng, cần theo dõi thường xuyên để phát hiện những cây nhiễm bệnh nhằm tiêu hủy kịp thời, sau đó rắc vôi bột vào gốc để hạn chế bệnh lây lan.

- Không được lấy giống (hom) sắn từ những vùng bị bệnh mang trồng.

- Có thể xử lý hom giống trước khi trồng bằng nước nóng 54 độ C trong thời gian từ 60 - 90 phút hoặc một số loại thuốc như Kendal, Bion, Olivis nhằm loại trừ nguồn bệnh.

- Lựa chọn một số giống sắn cho năng suất và chất lượng cao, có khả năng kháng với bệnh chổi rồng như giống KM 140, KM98-5, SM973 - 26... để trồng, hạn chế và không trồng giống sắn KM 94.

- Khi phát hiện rầy xám trên sắn thì sử dụng các loại thuốc có hoạt chất như Pymetrozim, Thiamethoxam…để phun trừ rầy xám./.

VI. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI HỒ TIÊU

1. Bệnh chết nhanh hồ tiêu

1.1. Công tác điều tra phát hiện

Bệnh có thể xâm nhập và gây hại ở tất cả các bộ phận của cây từ thân, lá, hoa, trái cho đến cổ rễ và rễ. Bệnh phát triển, lây lan mạnh trong mùa mưa, nhiệt độ không khí thích hợp từ 15oC đến 30ºC, đặc biệt vào thời gian mưa nhiều, mưa dầm, ẩm độ cao. Vì vậy cần điều tra sớm sự phát sinh bệnh trong mùa mưa để có biện pháp phòng chống kịp thời.

1.2. Biện pháp phòng chống

- Biện pháp canh tác

+ Cải tạo, khơi thông hệ thống thoát nước trong mùa mưa, không để nước đọng ở gốc sau khi mưa, chặt phát tán cây choái, vệ sinh vườn thông thoáng, diệt cỏ, thu dọn các cành lá, cây bị bệnh đem đốt tránh lây lan.

+ Cây bị bệnh nặng cần đào bỏ, nhặt hết rễ tập trung tiêu hủy rồi rắc vôi bột vào hố để diệt nguồn nấm bệnh tồn tại trong đất. Để lại cây bệnh trong vườn sẽ làm nguồn nấm lây lan sang các cây còn khỏe.

- Biện pháp sinh học

     + Để hạn chế tuyến trùng, trồng xen cây cúc vạn thọ, hoặc dùng cây cúc vạn thọ băm nhỏ bón vào gốc hồ tiêu.

+ Sử dụng các chế phẩm sinh học có chứa nấm đối kháng như MK8 (chứa vi khuẩn Pseudomonas), Tricoderma… bón vào gốc để hạn chế nấm bệnh hại rễ. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, nhất là phân gà để bổ sung vi sinh vật có ích cho đất, kết hợp bón phân cân đối cho từng giai đoạn của cây hồ tiêu. Liều lượng: Dùng 0,25 kg chế phẩm trộn với 10 kg phân chuồng ủ 10-15 ngày rồi bón.

- Biện pháp hoá học

Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ: Acid phosphonic, Fosetyl-Aluminium, Cuprous oxide + Dimethomorph.

Chú ý: Kết hợp cùng lúc cả biện pháp phun cây và tưới gốc mới có hiệu quả cao. Ở những vườn bị bệnh nặng cần xử lý trừ bệnh 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 10 - 15 ngày. Để phòng bệnh cần xử lý 2 - 3 lần/năm vào đầu, giữa và cuối mùa mưa.

2.Bệnh vàng lá chết chậm

2.1. Công tác điều tra phát hiện

Bệnh chết chậm trên cây tiêu có nhiều tác nhân tham gia:tuyến trùng vùng rễ, rệp sáp, mối, nấmFusarium sp. Nhiều mẫu bệnh thu thập còn có sự hiện diện của nấm Phytophthora và Pythium. Tuy nhiên dựa trên các kết quả phân tích, nguyên nhân chính làm cây tiêu vàng lá chết dây từ từ là do tuyến trùng ký sinh gây tổn thương cho bộ rễ, sau đó nấm Fusarium và các loại nấm khác  ký sinh gây hại.

2.2. Công tác phòng chống

- Biện pháp sinh học

     + Để hạn chế tuyến trùng, trồng xen cây cúc vạn thọ, hoặc dùng cây cúc vạn thọ băm nhỏ bón vào gốc hồ tiêu.

+Dùng nấm Trichoderma spp rất có hiệu quả trong việc phòng trừ tuyến trùng, nên bổ sung Trichoderma spp đầu mùa mưa (1 hoặc 2 lần/năm) kết hợp với phân bón hữu cơ, phân chuồng…

- Biện pháp hoá học

+ Xử lý đất diệt tuyến trùng trước lúc trồng: Dùng thuốc hoá học có các hoạt chất sau để trừ tuyến trùng như Abamectin, Chitosan... Liều lượng sử dụng: đảm bảo lượng nước thuốc theo hướng dẫn đã ghi trên bao bì của nhà sản xuất.

+ Dùng thuốc diệt tuyến trùng (Đối với vườn tiêu ở thời kỳ kiến thiết và thời kỳ kinh doanh): Dùng thuốc hoá học có các hoạt chất sau để trừ tuyến trùng như Abamectin, Chitosan... Cách dùng: Tưới nước thuốc xung quanh cây hồ tiêu, cách gốc 30-50cm. Sau đó vun nhẹ 1 lớp đất lấp phần đã tưới. Thời gian tưới: Trong tháng 2-3 và trong tháng 9-10 hàng năm (mỗi năm xử lý thuốc 2 lần).

          +Dùng thuốc trừ nấm:Thực hiện các biện pháp phòng trừ như bệnh chết nhanh.

BBT Bản tin

Các tin khác