Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Kiểm soát dịch bệnh cho tôm nuôi mùa nắng nóng

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Nắng nóng trên diện rộng là thời tiết phổ biến tại tỉnh Quảng Bình trong mùa hè, mực nước trong ao nuôi bị nắng nóng làm bay hơi, độ mặn thì tăng cao, lại kết hợp với sự xuất hiện của những cơn mưa thất thường chính là nguyên nhân khiến cho nhiều diện tích nuôi tôm bị ảnh hưởng. Nhằm bảo toàn các đối tượng nuôi trồng thủy sản, người dân tại nhiều địa phương đang tích cực dùng mọi biện pháp để vừa phòng chống nóng vừa kiểm soát dịch bệnh, giúp tôm sinh trưởng tốt.

 Những ngày qua, nền nhiệt trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 35-38oC kéo theo nhiệt độ trong hồ nuôi tăng nhanh. Người nuôi tôm ở Quảng Bình đã phải cấp nước vào ao để làm mát môi trường nước, đảm bảo nguồn thức ăn đầy đủ, bổ sung các khoáng chất cần thiết cho tôm nuôi như: vitamin C, men vi sinh…Thời tiết giữa nắng nóng lại có mưa đan xen làm sức đề kháng của tôm bị giảm sút, rất dễ nhiễm bệnh gan tụy cấp tính, đốm trắng... mức độ thiệt hại từ 30% đến 50% năng suất, đặc biệt là các loại hình nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến.
Tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, địa phương có diện tích nuôi tôm khá lớn trên toàn tỉnh, tại các ao nuôi, người dân cũng đang “căng mình” kiểm tra, chăm sóc, theo dõi tôm sinh trưởng trong điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi.
Hằng ngày, người nuôi phải kiểm tra tất cả các ao nuôi, sục khí thường xuyên để chống nóng cho tôm, khống chế sự sinh sôi và phát triển của các loại tảo, cấp nước thêm vào hồ lúc trời mát (khoảng sau 17h), sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ giúp ổn định môi trường. Tiến hành cấp nước vào ao đủ lưu lượng để làm mát, tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung các chất khoáng, vi sinh đường ruột, beta-glucan, vitamin...
Nhằm kiểm soát tôm nuôi bị rủi ro, thiệt hại trong mùa nắng nóng. Thời gian qua, nhiều hộ nuôi tôm ở Quảng Bình đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để làm ao tròn lót bạt đáy nổi trong nhà lưới, xây dựng bể bằng xi măng có nhà che, lắp hệ thống bạt che nắng, nhân rộng và áp dụng các mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn vào nuôi tôm thương phẩm. Hình thức nuôi này thuận lợi trong việc chăm sóc, quản lý tôm nuôi, chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường mặc dù mật độ nuôi rất dày từ 200-250 con/m3; nguồn nước trong ao luôn ổn định ở mức 30-31oC, đủ điều kiện để tôm phát triển và có thể sử dụng vi sinh định kỳ trong suốt quá trình nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tôm nuôi cho năng suất cao, kích cỡ đồng đều.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương thì năm nay thời tiết thay đổi mưa nắng thất thường, nhiệt độ dao động ngày đêm lớn làm giảm sức đề kháng của tôm, tăng mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh. Nhiệt độ nước tăng cao trong mùa hè còn là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, vi-rút) phát triển. Vì thế, đối với ao nuôi tôm, người dân cần chủ động nâng và duy trì mực nước ở mức cao tối thiểu 1,2-1,5 m trở lên; sử dụng các thiết bị làm giàu ô xy như: máy quạt nước, máy sục khí, máy phun, máy bơm… để tăng cường hàm lượng oxy hoà tan, giảm thiểu lượng khí độc trong ao. Cùng đó, người nuôi định kỳ 7-10 ngày phải dùng vôi bột hòa nước tạt khắp mặt ao với lượng 2-3kg/100 m3 tùy theo pH nước để khử trùng nước ao, tiêu diệt mầm bệnh; chủ động giảm mật độ nuôi phù hợp với điều kiện môi trường nuôi và khả năng quản lý chăm sóc. Thường xuyên thay nước và sử dụng chế phẩm sinh học, kiểm tra các thông số môi trường, đảm bảo các điều kiện môi trường nằm trong giới hạn thích hợp; bổ sung Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa, tinh dầu tỏi... vào thức ăn để tăng sức đề kháng và phòng bệnh.

Người nuôi tôm ở xã Hải Ninh thực hiện sục khí thường xuyên để chống nóng cho tôm nuôi


Đoàn Loan
Trung tâm Giống Thủy sản

 

Các tin khác