Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Trên cơ sở Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Bình, Ban QLDA Phục hồi tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Bình thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lệ Thuỷ, UBND các xã Ngư Thuỷ Bắc, Ngư Thuỷ vận động ngư dân tham gia thực hiện đồng quản lý trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định tại Luật Thủy sản 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, UBND huyện Lệ Thủy có Quyết định công nhận và giao quyền cho 02 Tổ Đồng quản lý (Tổ ĐQL) khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy để thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực vùng biển ven bờ thuộc xã Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy. Vị trí, ranh giới khu vực biển giao cho 02 Tổ ĐQL tính từ vị trí đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của xã và kéo vuông góc với bờ biển ra phía ngoài 3 hải lý. Đây là mô hình tổ chức đồng quản lý trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầu tiên của tỉnh Quảng Bình.

          Các thành viên Tổ ĐQL khai thác thủy sản trong khu vực biển được giao thực hiện đồng quản lý theo quy định của Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn và các quy định của pháp luật có liên quan như sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12m hoặc khai thác thủ công không có tàu; Nghề được phép khai thác: lưới rê, câu, lưới vây ban ngày không sử dụng ánh sáng, lưới kéo moi/ruốc, lồng bẫy; Đối tượng khai thác là các loài thủy sản không thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Phụ lục II Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ.

          Các cá nhân không phải là thành viên Tổ ĐQL được phép hoạt động khai thác thủy sản đối với các nghề không thuộc các nghề cấm mà thành viên Tổ ĐQL không hoạt động khi được Ban đại diện Tổ ĐQL cho phép và phải nộp phí theo Quy chế đã được phê duyệt.

          Các hoạt động khai thác thủy sản bị cấm trong khu vực biển được giao thực hiện đồng quản lý gồm: sử dụng các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên khai thác thủy sản; sử dung chất nổ, xung điện, chất độc hại để khai thác thủy sản; sử dụng các nghề, ngư cụ cấm khai thác theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT bao gồm nghề lưới kéo; nghề lồng xếp (lờ dây, bát quái, dớn, lừ); nghề  kết hợp ánh sáng; các nghề: đăng, xăm, chấn, xiệp, xịch, te, xẻo kết hợp với tàu có gắn động cơ; nghề cào đáy bằng khung sắt có kết hợp với tàu, máy kéo, bơm  thổi (cào lươn, cào nhuyễn thể, banh lông).

          Việc thành lập, đi vào hoạt động của 02 Tổ ĐQL tại huyện Lệ Thuỷ có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao vai trò của cộng đồng ngư dân trong việc quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU, bảo vệ môi trường hệ sinh thái biển và giúp ngư dân có sinh kế bền vững.

          Để cho 02 Tổ ĐQL hoạt động có hiệu quả làm cơ sở để phát triển, nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh, ngoài sự nỗ lực nắm bắt và thực hiện theo Phương án và Quy chế đã được công nhận của các thành viên tổ Tổ ĐQL, cần có sự đồng thuận, hỗ trợ của cộng đồng người dân, sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các địa phương, cơ quan ban ngành có liên quan.

                                                                                          Bùi Văn Thọ

                                                                                      Chi cục Thủy sản

Các tin khác