Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Phát huy vai trò của công tác khuyến nông trong phát triển nông nghiệp nông thôn tỉnh Quảng Bình

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Xác định việc xây dựng các mô hình sản xuất mới và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện nhiều mô hình trình diễn và nhân rộng đa dạng về các giống cây trồng, vật nuôi, giúp hình thành và lan tỏa nhiều phương thức sản xuất tiến bộ, từ đó tạo diện mạo mới cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh...

Trong nhiều năm qua, với chức năng, nhiệm vụ của mình, đội ngũ những người làm công tác khuyến nông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã luôn đồng hành, sát cánh cùng với các địa phương trong việc xây dựng những mô hình điển hình và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân trong sản xuất. Mặc dù còn nhiều khó khăn do nhân lực ít, hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn vừa ít vừa xuống cấp, kinh phí hoạt động hạn chế… nhưng những người làm công tác khuyến nông vẫn vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều mô hình, đề án đã được triển khai thực hiện hiệu quả, được bà con đánh giá cao và từng bước nhân rộng trong sản xuất. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật sau khi được chuyển giao, bà con tiếp tục áp dụng vào sản xuất sau khi kết thúc mô hình, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao đời sống, kinh tế phát triển bền vững.

          Với bà con nông dân ở tỉnh Quảng Bình, Đề án cải tạo đàn bò được xem là “điểm sáng” giúp bà con từng bước thoát nghèo. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã triển khai thực hiện công tác thụ tinh nhân tạo (TTNT) bò, góp phần nâng tỷ lệ đàn bò lai trên toàn tỉnh. Nhiều giống bò chuyên thịt như Sind, Brahman đỏ, Brahman trắng, BBB, Droughtmaster… được đưa vào phối giống đã góp phần nâng cao chất lượng đàn bò địa phương. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, công tác TTNT bò được xã hội hóa, cán bộ Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư luôn tích cực phối hợp với các dẫn tinh viên tại địa phương để thực hiện công tác TTNT đảm bảo kế hoạch đề ra. Nhờ đó, năm 2010, tỷ lệ bò lai toàn tỉnh chỉ dưới 11% thì năm 2016 đã tăng lên 33% và đến cuối năm 2021, tỷ lệ bò lai toàn tỉnh đạt 63%, trong đó Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch, Quảng Ninh… là các địa phương có tỷ lệ đàn bò lai đạt cao. 

          Cùng với đề án cải tạo đàn bò, chương trình trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc (chương trình 327) và Dự án trồng 5 triệu ha rừng (Dự án 661) cũng là hoạt động lớn của tỉnh Quảng Bình. Trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Dự án JICA2 triển khai thực hiện nhiều mô hình trồng rừng tại các địa phương trong tỉnh như Quảng Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa… nhằm góp phần nâng cao diện tích rừng cũng như giúp bà con hưởng lợi ích từ rừng. Nhiều mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời mang lại hiệu quả về xã hội-môi trường. Trung bình mỗi năm, tỉnh Quảng Bình thực hiện trồng mới rừng tập trung từ 5.000-8.000ha rừng, rừng sản xuất gỗ lớn 620ha. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình đã có khoảng 4.000ha diện tích rừng gỗ lớn; năng suất rừng trồng dần được cải thiện, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC toàn tỉnh đạt trên 4.300ha; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đứng thứ 2 trong toàn quốc.

          Bám sát đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất. Là “cầu nối” giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đội ngũ cán bộ Khuyến nông-Khuyến ngư đã đã trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, giúp đỡ bà con xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm đã triển khai thực hiện trên 50 mô hình, chương trình, dự án từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Các mô hình khuyến nông đã tập trung phát triển các sản phẩm chiến lược, có lợi thế cạnh tranh, thị trường tốt để tạo ra nhiều chuyển biến, bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, các mô hình sinh kế cho các hộ dân thuộc đồng bào dân tộc thiểu số do Trung tâm triển khai thực hiện bước đầu mang lại kết quả tích cực, góp phần tạo sinh kế bền vững cho bà con.

          Nhiều mô hình, chương trình đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng gò đồi sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu; mô hình chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng dừa xiêm, sen bước đầu đánh giá khá phù hợp, cây sinh trưởng, phát triển tốt, trong đó, mô hình chuyển đổi trồng sen cho hiệu quả cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Một số mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất đã khẳng định được hiệu quả kinh tế mang lại, năng suất, chất lượng và giá trị được nâng lên như: mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn đạt năng suất đạt 25 tấn/ha; mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP trong nhà lưới phù hợp để sản xuất rau, quả quanh năm cho thu nhập bình quân 35 triệu đồng/vụ... Các giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như sen, dừa, cây hương thảo, na Thái, chà là, măng Lục Trúc, mít ruột đỏ... cũng đã được đưa vào trồng thử nghiệm, được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế và tính thích nghi, có nhiều triển vọng nhân rộng tại địa phương.

          Công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được hệ thống khuyến nông tỉnh Quảng Bình thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Thông qua các lớp tập huấn, mỗi năm có hàng trăm lượt người lao động được hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ngay tại hiện trường để người lao động tiếp cận nhanh, thành thạo thao tác. Trên cơ sở nhu cầu của người dân, các nghề đào tạo được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình tập trung vào các loại cây, con có lợi thế của địa phương, chú trọng các tiêu chuẩn thực hành tốt, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ như: sản xuất rau, quả an toàn trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi cá đặc sản, cá nước ngọt, trồng và chăm sóc cây ăn quả có múi, chăn nuôi bò, dê sinh sản cho đồng bào dân tộc thiểu số...

          Thông qua các hoạt động đa dạng, công tác khuyến nông của tỉnh Quảng Bình đã có những đóng góp quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Đến nay, tỉnh Quảng Bình đã có gần 7.300ha diện tích liên kết sản xuất cánh đồng lớn với 90% sản lượng sản phẩm được các doanh nghiệp bao tiêu, hiệu quả lợi nhuận tăng 15-20%; giá trị sản xuất bình quân/ha đất trồng trọt đã đạt 50 triệu đồng, tăng 18 triệu đồng/ha so với năm 2005. Toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 26 cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; có 104 trang trại và 36 doanh nghiệp chăn nuôi, trong đó 9 trang trại quy mô lớn. Hoạt động cơ giới hóa được đẩy mạnh, đến cuối năm 2021 toàn tỉnh có trên 24.600 máy được sử dụng trong nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng máy nông nghiệp bình quân đạt 2,4%/năm; các khâu làm đất đạt trên 80%, gieo trồng 15%, tưới tiêu 75%, thu hoạch đạt gần 80%...

          Xác định vai trò của khuyến nông trong phát triển nông nghiệp của tỉnh, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt chương trình khuyến nông của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của chương trình nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi… nhằm nâng cao thu nhập cho người sản xuất, góp phần thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững.

          Theo kế hoạch, mỗi năm, tỉnh Quảng Bình sẽ thực hiện 5-7 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; tổ chức 10-15 lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho khoảng 300 học viên là cán bộ khuyến nông viên cơ sở và nông dân chủ chốt; tổ chức 200 lớp tập huấn kỹ thuật cho 6.000 lượt học viên là nông dân. Đặc biệt, trên cơ sở bám sát mục tiêu của chương trình khuyến nông giai đoạn 2021-2025, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình sẽ xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp… với nguồn kinh phí gần 158,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 66,1 tỷ đồng, vốn đối ứng trên 92,2 tỷ đồng.

          Để thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu khuyến nông đã đề ra, cùng với việc bám sát chủ trương tái cơ cấu ngành của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả và phương pháp khuyến nông; thực hiện rà soát, cập nhật và chọn lọc các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, đối tượng cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường để tổ chức thực hiện; đồng thời áp dụng các phương pháp tiên tiến, có sự tham gia của người dân, nhất là phương pháp lớp học hiện trường FFS, lấy học viên làm trung tâm của hoạt động khuyến nông để nâng cao hiệu quả và tính bền vững. Cùng với đó, tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông các cấp, trong đó ưu tiên đào tạo khuyến nông huyện và xã; xây dựng kế hoạch thành lập tổ khuyến nông cộng đồng, tạo “cầu nối” giữa cán bộ khuyến nông, nông dân, hợp tác xã với nhà quản lý, doanh nghiệp, từ đó giúp gia tăng giá trị nông sản, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững...

 

Mô hình canh tác lúa ST25 theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm thực hiện tại xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn

Mô hình nuôi tôm hai giai đoạn ứng dụng công nghệ cao do Trung tâm KN-KN hỗ trợ

                                                                                                Trần Thanh Hải

                                                                    Giám đốc TT Khuyến nông-Khuyến ngư

Các tin khác