Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Khuyến nông và hành trình đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Nghị định 23-CP của Chính phủ về công tác Khuyến nông ra đời ngày 02 tháng 3 năm 1993 là chủ trương lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân; là chính sách cụ thể khuyến khích các tổ chức và người dân ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào thực tiễn nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước, ngành nông nghiệp Quảng Bình đã đón nhận, triển khai Nghị định 23 về công tác Khuyến nông một cách kịp thời và đã có tác dụng tích cực đối với sản xuất nông nghiệp địa phương, góp phần gia tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi qua hàng năm, từng bước đảm bảo an ninh lương thực và đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Với Quảng Bình, mặc dù nghị định triển khai vào những năm đầu tái lập tỉnh và thời kỳ đầu chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường, ngân sách địa phương còn hạn hẹp nhưng hàng năm tỉnh vẫn quan tâm phân bổ vốn cho ngành để đối ứng với trung ương, triển khai nhiều hoạt động khuyến nông có tính chiến lược trong phát triển nông nghiệp địa phương. Về công tác tổ chức, ngay từ đầu, Ban Khuyến nông được thành lập bằng sự kiêm nhiệm của một số cán bộ Ty Nông nghiệp Quảng Bình (nay là sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình), sau đó Trung tâm Khuyến nông tỉnh được thành lập. Qua quá trình sát nhập các sở Thủy lợi, Lâm nghiệp và Thủy sản vào Sở Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông lần lượt đổi tên thành Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm và từ năm 2009 đến nay là Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình.

          Trong quá trình phát triển, hình thức hoạt động của công tác khuyến nông ngày một phong phú, đa dạng hơn. Bắt đầu từ việc hỗ trợ, cung cấp, giới thiệu đến người dân các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao để tăng sản lượng nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dung, rồi tiến đến cung cấp các giống mới có năng suất - chất lượng cao nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của đời sống xã hội. Theo nhiệm vụ được giao, đơn vị đã chuyển lĩnh vực hoạt động từ đơn ngành đến đa ngành. Đó là từ việc hỗ trợ, chuyển giao các giống, vật tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Trung tâm đã giới thiệu, hỗ trợ chuyển giao các giống cây lâm nghiệp, cây đặc sản, lâm nghiệp ngoài gỗ, trồng rừng kinh tế. Từ lĩnh vực khuyến nông, khuyến lâm, Trung tâm tiến đến hỗ trợ chuyển giao các giống tiến bộ kỹ thuật trong nuôi cá nước ngọt, nuôi tôm cá mặn lợ và vật tư đánh bắt, khai thác thủy sản xa bờ đến với ngư dân. Đặc biệt, từ việc hỗ trợ thuần túy về giống cây con mới, hoạt động khuyến nông đã tiến lên một bước cao hơn, đó là thực hiện các mô hình trình diễn sản xuất tiên tiến tại các địa phương để tổng kết, đánh giá kết quả, từ đó tổ chức tham quan, tuyên truyền nhân ra diện rộng. Mặt khác, kết hợp triển khai mô hình trình diễn với mở các lớp tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật theo hình thức bắt tay chỉ việc nhằm giúp người dân ứng dụng thành thạo những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất một cách dễ dàng hơn.

          Trong trồng trọt, để tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, thay vì trước đây đưa các giống lúa năng suất cao vào nhằm tăng sản lượng, đảm bảo cân đối lương thực trên địa bàn, các mô hình khuyến nông đã hướng tới chuyển giao các giống lúa mới có năng suất chất lượng cao, đã được bà con nông dân áp dụng, nhờ đó nâng cao hiệu quả kinh tế. Các mô hình trồng lạc, ngô năng suất, chất lượng cao cũng được triển khai thực hiện và phổ biến nhân rộng trên địa bàn, góp phần tăng sản lượng và giá trị thu nhập trong nông nghiệp.

          Trong chăn nuôi, từ chỗ chỉ áp dụng biện pháp “lai kinh tế” tức là dùng lợn nái móng cái nền cho phối tinh lợn ngoại để tạo ra giống lợn nuôi thịt có năng suất và tỷ lệ nạc cao hơn nuôi giống lợn nội, các mô hình khuyến nông cũng đã hướng tới việc trình diễn các giống lợn siêu nạc để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Trong chăn nuôi đại gia súc, để cải tiến chất lượng đàn bò địa phương còi cọc, hiệu quả đầu tư thấp, từ nguồn vốn trung ương và địa phương, các mô hình khuyến nông đã hỗ trợ nông dân thực hiện sind hóa đàn bò. Góp phần nâng cao chất lượng đàn bò vàng địa phương và tăng thu nhập trong chăn nuôi bò thịt ở địa phương. Trong chăn nuôi gia cầm, nhiều mô hình nuôi gà lai, vịt siêu thịt, siêu trứng, bồ câu Pháp… được triển khai thực hiện, khuyến cáo nhân rộng và được bà con áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn.

          Để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, hoạt động khuyến nông không kết hợp việc giới thiệu các giống cây trồng, vật nuôi, thực hiện mô hình trình diễn sản xuất và tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới với công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đó là việc Trung tâm phối hợp với Báo Quảng Bình và Đài PTTH Quảng Bình để thực hiện trang báo và chuyên mục bạn của nhà nông hàng tháng, liên tục hàng chục năm qua. Đồng thời ngành đã cho phát hành Bản tin Nông nghiệp và phát triển nông thôn, góp phần chuyển tải những thông tin cần thiết đến với nông dân trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, cùng với sự phát triển không ngừng của hệ thống Khuyến nông Việt Nam, bằng những hình thức hoạt động phong phú của mình, trong những năm qua, công tác trong khuyến nông Quảng Bình đã làm tốt vai trò cầu nối chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến với sản xuất; góp phần quan trọng vào sự phát triển của nông nghiệp tỉnh nhà.

Lãnh đạo Trung tâm KN-KN thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo việc triển khai thực hiện các mô hình do đơn vị hỗ trợ

 

 

                                                                                                Đặng Văn Huế

Các tin khác