Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Xây dựng thương hiệu gà đồi Tuyên Hóa

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Với lợi thế của vùng gò đồi, vì vậy, huyện Tuyên Hóa đã lấy chăn nuôi làm thế mạnh trong phát triển nông nghiệp. Trong đó, mô hình nuôi gà đồi được đánh giá là hướng đi bền vững cho người dân nông thôn.  

 Nắm bắt cơ hội, một số hộ dân ở xã Sơn Hóa đã tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi gà an toàn, vệ sinh môi trường chăn nuôi, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại đây, các hộ cũng được hỗ trợ thành lập HTX để hỗ trợ nhau sản xuất. Chính vì vậy mà HTX chăn nuôi gà đồi và dịch vụ nông lâm nghiệp Sơn Hóa ra đời năm 2018.
Qua gần 2 năm hoạt động, nhờ được nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu về dinh dưỡng, vệ sinh, phòng dịch... gà thương phẩm chăn nuôi an toàn VietGAP của HTX cho sản lượng tăng, chất lượng thịt tốt, giá bán cũng cao hơn so với gà nuôi thông thường. Tổng đàn gà của các thành viên HTX khoảng 3.000 con. Mỗi hộ chăn nuôi từ 200-300 con, với giá bán 120.000 đồng/kg gà thịt, thu nhập bình quân của mỗi hộ là 60 - 70 triệu đồng/năm. Ngoài ra, công tác vệ sinh chuồng trại chăn nuôi thực hiện đúng quy trình và được kiểm soát chặt chẽ đã hạn chế tối đa ô nhiễm tại khu vực nuôi và vùng phụ cận, góp phần bảo vệ môi trường
Ông Phan Đình Chính, Giám đốc HTX chăn nuôi gà đồi và dịch vụ nông, lâm nghiệp Sơn Hóa cho hay: Kể từ khi HTX ra đời, những thành viên nhận thấy đây thực sự là hướng đi hiệu quả, không chỉ tạo được mối liên kết trong sản xuất giữa các thành viên, mà còn liên kết với các hộ chăn nuôi gà, giải quyết được các vấn đề về giống, thức ăn cũng như đầu ra cho sản phẩm. Toàn bộ lượng thức ăn hàng ngày cho gà đều đảm bảo chất lượng và đúng hàm lượng quy chuẩn. Nguồn nước được sử dụng luôn là nước sạch, chủ yếu là nước giếng khoan hoặc nước đào dẫn từ khe rừng về. Thức ăn tự nhiên như lúa, ngô, gạo, rau, các loại rau (bản địa) và các loại côn trùng được ưu tiên hàng đầu. Toàn bộ quy trình chăn nuôi đều được thực hiện dưới sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của cán bộ kỹ thuật địa phương.
Hiện, HTX đã được UBND huyện ban hành Quyết định cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Gà đồi Tuyên Hóa” cho sản phẩm gà sống bao gồm gà giống và gà thương phẩm (gà thịt). Đây là một trong những điều kiện cần thiết cho việc phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo cơ hội cho HTX tiếp cận thị trường và đặc biệt là xây dựng thương hiệu “Gà đồi Tuyên Hóa”. Ngoài ra, UBND huyện cũng đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích nhân rộng mô hình này như: hỗ trợ thành lập các THT, HTX, trang trại, gia trại chăn nuôi gà đồi theo quy trình VietGap; tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá giới thiệu thương hiệu “Gà đồi Tuyên Hóa” trên thị trường. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và Thủy sản tỉnh cũng đã hỗ trợ hợp tác xã chăn nuôi gà đồi trên địa bàn huyện mua con giống và thức ăn, hoàn thiện chứng nhận Vietgap, làm tem truy xuất nguồn gốc...
Cũng theo ông Phan Đình Chính, trong thời gian tới, HTX chăn nuôi gà đồi Sơn Hóa tiếp tục đẩy mạnh phát triển đàn gà cả về chất lượng và số lượng, thu hút thêm thành viên tham gia, từng bước khẳng định thương hiệu gà sạch trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, muốn xây dựng sản phẩm gà đồi phát triển thành chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương, bên cạnh việc tuyên truyền, củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với các HTX và doanh nghiệp, còn đòi hỏi việc tổ chức triển khai thực hiện một cách bài bản, có hệ thống từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Đặc biệt, địa phương phải tìm kiếm, kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp có đủ khả năng tham gia vào lĩnh vực phát triển chăn nuôi gà đồi; đầu tư xây dựng khu giết mổ tập trung, kho đông lạnh cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.


Tố Linh
Đài PT-TH QB

Các tin khác