Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Nuôi chim bồ câu sinh sản đạt hiệu quả cao

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, năm 2022, gia đình ông Trương Quang Tiệu ở thôn Tân Lý, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa đã thực hiện mô hình chăn nuôi chim bồ câu sinh sản. Sau 7 tháng triển khai, mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, được bà con đánh giá cao, mở ra hướng đi mới cho bà con miền núi khó khăn trong việc phát triển đối tượng nuôi có nhiều ưu thế về kỹ thuật nuôi, chi phí đầu tư cũng như ổn định về giá cả và thị trường.

Mô hình chăn nuôi chim bồ câu sinh sản được triển khai từ tháng 5 năm 2022 với quy mô 42 cặp bồ câu bố mẹ, sử dụng giống bồ câu Pháp 3 tháng tuổi, đảm tiêu chuẩn chất lượng, phẩm cấp giống. Quá trình nuôi, hộ thực hiện mô hình được hướng dẫn kỹ thuật theo phương pháp khuyến nông có sự tham gia, bắt tay chỉ việc trước khi giao giống và theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của chim bồ câu. Nhờ đó, mô hình đảm bảo theo yêu cầu tiến độ đề ra.

Ông Trương Quang Tiệu, hộ thực hiện mô hình chia sẻ: Sau khi được lựa chọn là hộ thực hiện mô hình và được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh hướng dẫn kỹ thuật, gia đình bắt tay vào làm chuồng nuôi. Trên diện tích khoảng 30m2, gia đình tổ chức 2 khu vực ổ đẻ và sân chơi có bao lưới xung quanh. Đặc biệt, do là địa hình thường xuyên bị ngập lụt trong mùa mưa bão, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn cho gia đình các cách tổ chức chuồng nuôi phù hợp nhằm linh động di chuyển, che chắn để thiên tai không ảnh hưởng đến môi trường sống và hoạt động sinh sản của chim. Thức ăn của chim bồ câu chủ yếu là lúa và cám gạo từ sản xuất nông nghiệp của gia đình. Sau 1 tháng chăm sóc, đàn chim bồ câu của gia đình đã sinh sản lứa đầu tiên, số lượng chim non thu được tăng dần qua các tháng, trung bình đạt 70% tổng đàn.

Sau 7 tháng nuôi và chăm sóc, mô hình đã cơ bản đạt các chỉ tiêu yêu cầu đề ra như tỷ lệ sống của chim bố mẹ đạt 100%, tuổi đẻ lứa đầu ngắn hơn yêu cầu 30 ngày tuổi, số lứa đẻ/mái/năm đạt 8.5 lứa, tỷ lệ chim non sống nuôi sống đạt 96%. Đến thời điểm này (18/11), gia đình đã thu được 127 cặp chim non, trong đó bán chim non 119 cặp với giá 100.000 đồng/cặp, bán giống 8 cặp với giá 250.000 đồng/cặp. Số chim non thu được là 127 cặp sau 7 tháng nuôi. Hạch toán kinh tế cho thấy, mô hình đã mang lại lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng cho gia đình từ việc bán chim non. Với số lượng đàn bố mẹ giữ ổn định 42 cặp, trong một năm, gia đình có thể thu lợi nhuận trên 27 triệu đồng từ bán chim non, nếu bán chim giống thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.

Từ hiệu quả bước đầu, mô hình nuôi chim bồ câu sinh sản của gia đình ông Trương Quang Tiệu được đánh giá cao, có nhiều người trên địa bàn xã đến học hỏi kinh nghiệm và mua giống về nuôi. Ông Tiệu cũng nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn cho bà con cách làm chuồng và chăm sóc đạt hiệu quả cao. Với nhiều ưu điểm như kỹ thuật nuôi đơn giản, chi phí đầu tư thấp, thị trường và giá cả sản phẩm ổn định, chăn nuôi bồ câu sinh sản đang được xem là mô hình phát triển sinh kế bền vững, hiệu quả cho bà con.

 

 

 

                                                                             Ngọc Lan

Các tin khác