Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ đê điều và công trình thuỷ lợi

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Theo thống kê trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình hệ thống đê điều có tổng chiều dài 280,2 km đê sông, đê biển; các tuyến đê chạy dọc theo hai bờ các sông chính (sông Roòn, sông Gianh, sông Lý Hòa, sông Lệ kỳ, sông Nhật Lệ, sông Kiến Giang); hệ thống công trình thủy lợi gồm 153 hồ chứa các loại, 193 đập dâng, 299 trạm bơm và gần 2.300 km kênh mương.

 Hiện nay tình hình vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và đê điều trên địa bàn tỉnh tương đối nhiều, tổng số vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đã phát hiện là 301 trường hợp; vi phạm đê điều là 95 trường hợp, các vi phạm chủ yếu xây dựng công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi như việc xây dựng nhà quán, nhà tạm trông coi nuôi trồng thủy sản, trồng cây trong lòng hồ, sát chân tuyến kênh và tuyến đê. Ngoài ra tình trạng đổ rác thải trên mặt, mái đê, mái kè còn phổ biến ở các tuyến đê Hữu Nhật Lệ thuộc huyện Quảng Ninh; kè hữu Lý Hòa Bố Trạch, đê tả Gianh thị xã Ba Đồn... Nguyên nhân chính của tình trạng vi phạm hành lang công trình thủy lợi, đê điều được xác định là do ý thức tự giác, chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi của người dân chưa cao. Các vi phạm chưa được xử lý dứt điểm dẫn đến khó khăn trong việc xử lý, giải tỏa, nhiều trường hợp đơn vị quản lý, khai thác phát hiện vi phạm, lập biên bản, báo cáo kịp thời, nhưng UBND các địa phương chưa quyết liệt ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền nên hiện nay các trường hợp vi phạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Đặc biệt trong năm 2019 đến 2020 với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương đã giải tỏa và trả lại hiện trạng cho công trình được một số trường hợp vi phạm như: 02 hộ tại thôn Minh Trường xã Quảng Minh thuộc tuyến Hữu sông Gianh; 03 hộ tại thôn Phú Ninh xã Duy Ninh thuộc tuyến đê Hữu Nhật Lệ; 14 hộ thuộc tuyến Kè Hữu Lý Hòa; 01 hộ tại Hồ chứa nước Trung Thuần. Qua đây cho thấy nhận thức về trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi của một số người dân còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi với chính quyền cấp huyện, cấp xã thiếu chặt chẽ; chưa thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, xử lý giải tỏa vi phạm dứt điểm dẫn đến vụ việc vi phạm, tái vi phạm vẫn tồn đọng, phát sinh trên địa bàn. Ngoài ra, công tác cắm mốc chỉ giới vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều chưa được thực hiện đầy đủ nên việc vi phạm, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình là khó tránh khỏi.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trong quản lý, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình trong quá trình khai thác vận hành. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản giao các địa phương rà soát đánh giá, thống kê toàn bộ các vi phạm đê điều, công trình thủy lợi đầy đủ, chính xác trên toàn tỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thủy lợi, đê điều để phân công, phân cấp trách nhiệm giữa các cấp chính quyền; ưu tiên nguồn vốn để hoàn thiện cắm mốc hành lang đê điều, hồ chứa nước trên toàn tỉnh, tạo thuận lợi trong công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, đảm bảo tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật. UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Thủy lợi, Luật Đê điều đến các tổ chức, cá nhân để mọi người dân biết thực hiện, từng bước hoàn thiện công tác cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời ngăn chặn, phát hiện những phát sinh mới và kiên quyết xử lý dứt điểm. Trường hợp các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm đề xuất với tỉnh, các cấp, ngành có thẩm quyền kiên quyết xử lý nghiêm, không gia hạn giấy phép hoặc thu hồi giấy phép hoạt động… góp phần bảo đảm an toàn cho các tuyến đê và các công trình thủy lợi.


Lê Tiến Dũng
Chi cục Thuỷ lợi

Các tin khác