Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Kiểm lâm Quảng Bình - Hành trình gần 50 năm phát triển

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Tỉnh Quảng Bình có diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng trên 590.000 ha; trong đó diện tích rừng tự nhiên gần 470.000 ha, rừng trồng trên 80.000 ha, rừng trồng chưa thành rừng trên 40.000 ha. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 đạt 68,69%. Thực vật ở Quảng Bình đa dạng về giống loài: có 138 họ, 401 chi, 640 loài khác nhau. Rừng Quảng Bình có nhiều loại gỗ quý như lim, gụ, mun, huỵnh, thông và nhiều loại mây tre, lâm sản quý khác. Quảng Bình là một trong những tỉnh có trữ lượng gỗ cao trong toàn quốc. Hiện nay trữ lượng gỗ khoảng 31 triệu m3.

Khi cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ kết thúc, để nhanh chóng khôi phục và bảo vệ những cánh rừng bị bom đạn tàn phá, ngày 9-10-1974, Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam đã ký quyết định số 1369-QĐ về việc thành lập Chi cục Kiểm lâm Nhân dân tỉnh Quảng Bình. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự hình thành và phát triển của lực lượng Kiểm lâm tỉnh nhà.

Tháng 7-1976, thực hiện chủ trương hợp nhất 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, thành tỉnh Bình- Trị- Thiên. Chi cục Kiểm lâm Nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập. Lực lượng Kiểm lâm Quảng Bình được chọn làm đơn vị nòng cốt trong việc xây dựng bộ máy lực lượng Kiểm lâm nhân dân Bình Trị Thiên; gồm 80 cán bộ được điều động từ cơ quan Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình, các Hạt Kiểm lâm huyện, thị xã được bổ nhiệm giữ các chức danh từ Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng, trưởng phó các phòng, cán bộ trạm trưởng, hạt trưởng, phó hạt trưởng Kiểm lâm trên địa bàn Quảng Trị, Thừa Thiên. Thời kỳ này kiểm lâm Bình Trị Thiên có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên 895.000 ha rừng tự nhiên và trên 120.000 ha rừng trồng trên địa bàn.

Năm 1989, tỉnh Quảng Bình được tái lập lại; đồng thời Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng được thành lập lại. Thời điểm đó, lực lượng Kiểm lâm Quảng Bình được chọn lọc 120 cán bộ từ biên chế phòng Lâm nghiệp các huyện, thị xã để tổ chức bộ máy và biên chế gồm 7 Hạt Kiểm lâm và 01 đội Kiểm lâm cơ động trực thuộc Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật lúc bấy giờ chỉ có 15 đồng chí trong đó 01 kỹ sư lâm nghiệp và 14 trung cấp lâm nghiệp, 03 trung cấp chính trị, số cán bộ còn lại chủ yếu lực lượng vũ trang chuyển ngành và tuyển dụng từ địa phương, làm việc chủ yếu bằng nhiệt tình cách mạng. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ công chức của ngành vừa làm vừa học hỏi bồi dưỡng kiến thức và tích lũy kinh nghiệm động viên nhau khắc phục khó khăn thiếu thốn để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.

Từ năm 1989-1994, Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Sở Lâm nghiệp Quảng Bình. Từ năm 1994-2006, Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Từ năm 2006 đến năm 2016, thực hiện theo Nghị định 119/2006/NĐ-CP, Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT.

Năm 2016, Chi cục Lâm nghiệp hợp nhất với Chi cục Kiểm lâm và được giao thêm nhiệm vụ sử dụng và phát triển rừng. Cơ cấu tổ chức Chi cục Kiểm lâm có lãnh đạo Chi cục; các phòng nghiệp vụ (Phòng Quản lý, BVR và Bảo tồn thiên nhiên, Phòng Sử dụng và PTR, Phòng Thanh tra - pháp chế, Phòng Tổ chức tuyên truyền và XDLL, Phòng Hành chính -Tổng hợp), 08 Hạt Kiểm lâm cấp huyện và 02 Đội kiểm lâm cơ động và PCCCR.

Trong giai đoạn từ năm 1989 đến nay, lực lượng Kiểm lâm Quảng Bình đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Theo đó, lực lượng Kiểm lâm đã thực hiện tốt phương châm bảo vệ rừng tại gốc, thường xuyên chủ động nắm tình hình trong rừng. Phối hợp với các đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương kiểm tra rừng, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm. Tỷ lệ che phủ rừng đã được nâng cao, là một trong những tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất toàn quốc. Lực lượng kiểm lâm viên cũng đã tiếp thu được công nghệ mới, sử dụng các trang thiết bị hiện đại để giám sát tài nguyên rừng, điều tra thực địa và cập nhật Diễn biến rừng theo quy định.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài lãnh đạo Chi cục hết sức quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là ưu tiên đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho số cán bộ có đạo đức phẩm chất, sức khoẻ, tuổi đời còn trẻ. Đến nay, đội ngũ cán bộ công chức Kiểm lâm từ cơ quan Chi cục đến các hạt, trạm Kiểm lâm đã không ngừng phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với biên chế 250 công chức và HĐ 68 gồm 10 đơn vị trực thuộc, 26 Trạm Kiểm lâm trực thuộc các Hạt Kiểm lâm.

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, năm 2013, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; được Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh Quảng Bình tặng thưởng nhiều bằng khen.

Trước thực tế là tài nguyên rừng ngày càng suy giảm, tệ nạn phá rừng, cháy rừng, khai thác và buôn bán trái phép động vật hoang dã vẫn xảy ra, có lúc, có nơi khá nghiêm trọng, chưa kiểm soát được. Trong thời gian tới, lực lượng Kiểm lâm tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ về giáo dục tư tưởng chính trị, làm tốt công tác quy hoạch đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và lý luận chính trị cho cán bộ, công chức Kiểm lâm, xây dựng hình ảnh cán bộ Kiểm lâm “có năng lực, bản lĩnh, lập trường, tận tụy, gương mẫu”; tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng tại gốc; bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và khai thác rừng trái phép; nâng cao năng lực cán bộ quản lý điều hành ở cơ sở, quan tâm chú trọng chất lượng cán bộ Kiểm lâm địa bàn; duy trì phong trào cơ quan Kiểm lâm, trạm Kiểm lâm kiểu mẫu, “xanh, sạch, đẹp” và đẩy mạnh hoạt động văn hoá, thể thao để không ngừng rèn luyện thể chất trong lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành.

Tình hình và nhiệm vụ mới đòi hỏi lực lượng kiểm lâm phải thực sự đổi mới về chất, từ tổ chức và xây dựng lực lượng đến tư duy và phương pháp hoạt động. Tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp, sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân, không ngừng rèn luyện phẩm chất và năng lực để lực lượng Kiểm lâm có thể hoàn thành được những nhiệm vụ nặng nề mà Nhà nước và Nhân dân đã tin cậy giao cho, mãi mãi xứng đáng là người chiến sỹ tiên phong trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

 

Lực lượng kiểm lâm kiểm tra thực địa về tình hình quản lý, bảo vệ rừng

                                                                                                                       

Lê Trung Hiền

                                                                                                                        Chi cục Kiểm lâm

Các tin khác