Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2023.

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Nhằm thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, Sở Nông nghiệp và PTNT vừa ban hành kế hoạch163/SNN-KH ngày 02/02/2023 về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2023.

           Cơ cấu nông lâm ngư nghiệp chiếm 20% GRDP toàn tỉnh. Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng bình quân 3,5 - 4%. Sản lượng lương thực ổn định trên 28,5 vạn tấn.  Tỷ trọng chăn nuôi chiếm 52 - 53% giá trị sản xuất nông nghiệp. Tổng sản lượng thủy sản 95.500 tấn. Tỷ lệ tưới tiêu chủ động 97%. Độ che phủ rừng ổn định trên 68%. Dân số nông thôn được cấp nước sạch, hợp vệ sinh 98%. Phấn đấu 7 xã đạt chuẩn NTM.

          Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với thị trường tiêu thụ. Chú trọng triển khai thực hiện các mô hình khảo nghiệm, trình diễn về giống mới để bổ sung vào cơ cấu; nâng cao giống chất lượng cao chiếm 75% diện tích; hỗ trợ, mở rộng diện tích sản xuất lạc. Điều chỉnh cơ cấu giống cây trồng kết hợp với bố trí thời vụ hợp lý. Tiếp tục thực hiện các chính sách đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất, quản lý nghiêm ngặt và sử dụng hiệu quả đất chuyên trồng lúa, đặc biệt là đất sản xuất 2 vụ lúa. Tích cực tìm kiếm, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo chuỗi. Xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh gắn với cấp mã vùng trồng. Tận dụng lợi thế vùng gò đồi để xây dựng các mô hình kinh tế vườn đồi hiệu quả; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

          Triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của “Chiến lược phát triển chăn nuôi tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045”, Kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2025 của tỉnh. Phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo hướng công nghiệp, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao; nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo hướng áp dụng kỹ thuật tiên tiến, có kiểm soát, đảm bảo an toàn dịch bệnh và môi trường. Khuyến khích sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị. Phát triển một số vật nuôi đặc sản, có giá trị phù hợp thị hiếu tiêu dùng gắn với mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại theo lợi thế của từng địa phương.

          Đẩy mạnh phát triển đàn, đặc biệt là đàn lợn; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm khác để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Tập trung nâng cao chất lượng giống bò, lợn, gia cầm và một số vật nuôi khác phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Giám sát chặt chẽ, chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt các bệnh nguy hiểm như Viêm da nổi cục trâu bò, dịch tả lợn Châu Phi, LMLM, Cúm gia cầm. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc thú ý và chất cấm trong chăn nuôi.

          Phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Đẩy mạnh khai thác thủy sản vùng khơi bền vững trên cơ sở trữ lượng nguồn lợi thủy sản; tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản vùng lộng, ven bờ và khai thác nội địa hợp lý, gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái. Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả khai thác IUU, tháo gỡ thẻ vàng của EC. Nâng cao năng lực hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ tốt cho khai thác thủy sản. Đẩy mạnh áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận. Phát triển các vùng nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường sinh thái; hỗ trợ nông dân phát triển nuôi quảng canh tiên tiến, nhân rộng các mô hình kết hợp lúa – thủy sản hiệu quả; phát triển mạnh nuôi trồng trên biển ở những vùng đủ điều kiện với các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình quản lý cộng đồng trong nuôi trồng, khai thác thủy sản.

          Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, tiếp tục tập trung phát triển lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Triển khai tốt các hoạt động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định; quản lý chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ rừng tại gốc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Tăng cường ứng dụng các giống cây trồng chất lượng cao vào sản xuất, đẩy mạnh trồng rừng sản xuất, rừng trồng gỗ lớn nhằm nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng; xây dựng phương án quản lý rừng trồng bền vững và đẩy mạnh cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) cho rừng trồng.        Triển khai thực hiện thí điểm về chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng theo Thỏa thuận chi trả giảm phát thải giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với Ngân hàng thế giới (WB) về mua kết quả giảm phát thải từ rừng (tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ). Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định khung giá rừng trên địa bàn tỉnh vào Quý IV/2023.

          Tiếp tục thực hiện Kế hoạch trồng mới 10,1 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025 phù hợp với Đề án trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường chủ động công tác QLBVR, PCCCR, kiên quyết không để xảy ra các vụ việc phá rừng, cháy rừng lớn, góp phần ổn định độ che phủ rừng trên 68%.

          Trên lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai, cần phát triển hệ thống thủy lợi đảm bảo chủ động cấp nước cho diện tích trồng lúa 2 vụ, diện tích các cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao, nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình thủy lợi lớn, đa mục tiêu, vùng khó khăn về nguồn nước, các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

          Hoàn thiện Dự án xây dựng bản đồ ngập lụt và phần mềm cảnh báo lũ sớm phục vụ công tác PCTT cho 03 lưu vực sông lớn trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện cơ sở sở dữ liệu đập, hồ chứa nước thủy lợi. Củng cố tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi nhỏ do các địa phương quản lý; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ quản lý khai thác công trình thủy lợi, nhất là cấp cơ sở. Ưu tiên nguồn lực đầu tư sửa chữa các hồ, đập hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn; chú trọng quy trình vận hành an toàn đập, hồ chứa thủy lợi đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

          Theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, đặc biệt là bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn. Chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; kịp thời ứng phó, khắc phục hiệu quả các sự cố, thiên tai; triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án di dân, nhà ở chống lụt, thực hiện các giải pháp chống ngập úng, chia cắt trong mùa mưa bão. Tập trung ưu tiên nguồn lực sửa chữa các hồ, đập, đê điều có nguy cơ mất an toàn. Quyết liệt triển khai các Chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Triển khai các biện pháp quán lý phương tiện, tàu thuyền, đặc biệt theo dõi quản lý chặt chẽ tàu thuyền và ngư dân hoạt động đánh bắt vùng biển xa, nhất là trong mùa mưa bão. Rà soát các khâu còn yếu, thiếu trong phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời bổ sung, đảm bảo ứng phó hiệu quả sự cố thiên tai. Nâng cao năng lực tham mưu phòng chống thiên tai, đẩy mạnh áp dụng các giải pháp khoa học, kỹ thuật, nâng cao công tác dự báo, cảnh báo trong phòng chống thiên tai, đảm bảo bảo an toàn đập và phòng chống lũ cho hạ lưu, quản lý khai thác công trình thủy lợi. Triển khai có hiệu quả các hoạt động của Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Quảng Bình.

          Triển khai có hiệu quả Kế hoạch phát triển Hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2022-2025. Tiếp tục phát triển hợp tác xã cả về số lượng và chất lượng, đồng đều giữa các vùng miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp; coi trọng mở rộng quy mô thành viên và nâng cao vai trò chủ thể của các thành viên tham gia; tạo điều kiện để hợp tác xã phát triển bền vững. Chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ gia đình sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn. Nhân rộng các mô hình hợp tác xã tiên tiến, thành công, hiệu quả. Ưu tiên các mô hình HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.

          Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, phát huy sự tham gia của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và cộng đồng, đặc biệt là vai trò của cấp xã trong triển khai Chương trình OCOP. Tiếp tục chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, xúc tiến thương mại về chương trình OCOP. Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, chú trọng quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các kênh thương mại điện tử.

          Chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất và bền vững, nâng cao chất lượng của các tiêu chí; chú trọng đến hiệu quả sản xuất, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở nông thôn. Tích cực huy động, đa dạng hóa nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới ; phát huy vai trò của chính quyền cấp huyện, xã trong việc huy động, lồng ghép hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu năm 2023 có 07 xã đạt chuẩn NTM, tăng bình quân 0,5-1 tiêu chí/xã; khuyến khích xây dựng thôn, bản đạt chuẩn NTM, tại các xã đặc biệt khó khăn, khu cân dư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu nông thôn mới.

          Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Xác định năm 2023 là “Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”; triển khai kế hoạch chuyển đổi số của ngành; phối hợp các đơn vị sớm hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu chuyên ngành phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ có hiệu quả các nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả để phục tốt cho người dân, doanh nghiệp.

          Tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội, tranh thủ các nguồn vốn ngân sách của Trung ương, các chương trình, dự án, doanh nghiệp và các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư hạ tầng, kỹ thuật phát triển sản xuất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp; triển khai có hiệu quả chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và nông nghiệp nông thôn; hỗ trợ tiếp cận thông tin khoa học, kỹ thuật, thị trường; hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, bền vững…

Ban biên tập

Các tin khác