Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Phòng trừ ốc bươu vàng hại lúa Hè Thu

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Theo kế hoạch, vụ Hè thu năm nay, huyện Quảng Ninh sản xuất 3.200ha lúa. Các bộ giống chủ lực được sử dụng là PC6, HT1, HN6,KD18.QR1,SV181, P6 đột biến... Hiện nay, lúa đã gieo gần 1500ha, đạt khoảng 47% diện tích. Tuy nhiên, những ngày này, trên nhiều cánh đồng huyện Quảng Ninh, ốc bươu vàng xuất hiện với mật độ rất cao khiến bà con nông dân rất lo lắng.

 Thời gian này, các địa phương đang lấy nước tưới cho lúa, kết hợp với thời tiết có mưa vào ngày 5 và 6/6/2017 đã tạo điều kiện thuận lợi cho ốc bươu vàng phát sinh lan nhanh ra diện rộng.
Đây cũng là thời điểm ốc bươu vàng hoạt động mạnh, khả năng gây hại lúa non là rất cao. Đặc biệt khi trời có mưa, ốc bị vùi dưới lớp bùn đất sẽ lên gây hại mạnh, thậm chí nhiều diện tích lúa không thể tiếp tục sinh trưởng.
ốc bươu vàng là loại phàm ăn, ăn khỏe, ăn liên tục cả ngày đêm. Trên ruộng lúa chúng ăn từng đám, tập trung ăn nhiều ở ruộng trũng, ruộng lúa non, lúa mới gieo... Trường hợp ruộng bị hạn, nước trong ruộng khô kiệt, ốc có thể sống vùi mình xuống lớp đất sâu, sống tiềm sinh hàng tháng vẫn không chết.
Trên địa bàn huyện, ốc bươu vàng phát sinh gây hại với 250 ha, tập trung ở các xã An Ninh, Vạn Ninh, Hàm Ninh, Tân Ninh, Vĩnh Ninh, Võ Ninh..., mật độ ốc phổ biến 10 - 15 con/m2, nơi cao 20 - 30 con/m2, cục bộ có nơi 50 - 60 con/m2.
Trước tình hình ốc bươu vàng phát triển mạnh gây hại trên các cánh đồng lúa, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Quảng Ninh đã thông báo hướng dẫn cho các địa phương biện pháp phòng trừ cũng như phân công cán bộ phụ trách địa bàn, thường xuyên bám sát đồng ruộng, hướng dẫn bà con cách diệt trừ, hạn chế thiệt hại do ốc gây ra. Trạm khuyến khích người dân sử dụng các biện pháp canh tác, biện pháp thủ công, biện pháp sinh học. Đây là những biện pháp có hiệu quả và không gây ô nhiễm môi trường.
Ông Trương Vĩnh Quân, Trưởng trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Quảng Ninh cho biết: “Để chủ động phòng trừ ốc bươu vàng, trước khi gieo lúa, bà con nông dân phải làm đất bằng phẳng, đánh rãnh thoát nước ở giữa và xung quanh ruộng, tưới tiêu hợp lý, tháo cạn nước trên mặt ruộng để ốc tập trung về các rãnh, vùng đọng nước thuận tiện bắt ốc; thường xuyên thu gom ốc, ổ trứng bằng tay, dùng vợt bắt ốc ở ruộng lúa, kênh mương; cắm cọc rải rác trên ruộng để ốc lên đẻ rồi thu gom trứng”. Những nơi ốc có mật độ cao, kích thước nhỏ cần phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, như: Map passion 10GR , Molluska 700WP... để phòng trừ mới đạt hiệu quả.
Đối với thuốc Map passion 10GR, dùng 150 g (1/2 gói) thuốc rải cho 1 sào, thuốc có thể trộn với cát để dễ rải đều. Đối với Molluska 700WP, dùng 17g thuốc (1/2 gói) pha với 12 lít nước phun cho 1 sào (500m2). Khi sử dụng thuốc phải duy trì mực nước trên ruộng khoảng 0,5 - 1 cm để làm tăng hiệu quả của thuốc. Các loại thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ ốc thường độc đối với động vật thủy sinh nên chỉ sử dụng thuốc khi mật độ ốc cao, tránh sử dụng trên ruộng lúa cá.
Để diệt trừ ốc bươu vàng hiệu quả và lâu dài, nhất thiết phải áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp, cần phải làm sớm từ đầu vụ., thực hiện thường xuyên, liên tục và rộng khắp. Các địa phương cần phát động phong trào bắt ốc bươu vàng, trích ngân sách để thu mua nhằm khuyến khích người dân tham gia bắt ốc, thu lấy trứng để tiêu hủy bảo vệ đồng ruộng.


Đặng Thảo

Các tin khác