Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Sử dụng thuốc trừ cỏ hiệu quả trên ruộng lúa

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Ngày nay việc trừ cỏ bằng thuốc hóa học đã trở nên phổ biến do khả năng diệt trừ cỏ tận gốc, nhanh chóng và không tốn quá nhiều công lao động. Tuy nhiên hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc trừ cỏ cho cây lúa có nhiều hoạt chất với rất nhiều tên thương mại khác nhau. Mỗi loại thuốc có tính năng, tác dụng và cách sử dụng khác nhau. Việc sử dụng thuốc trừ cỏ sẽ không an toàn cho cây lúa, hiệu quả thấp nếu không sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn. Vì vậy, vấn đề sử dụng thuốc và các biện pháp phòng trừ cỏ dại có hiệu quả là yêu cầu hết sức quan trọng trong sản xuất lúa.

 Cỏ dại được xếp vào loại đối tượng dịch hại nguy hiểm, là một trong những đối tượng thường xuất hiện trên đồng ruộng, sinh trưởng mạnh cạnh tranh dinh dưỡng và nước làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển cây lúa; đồng thời là nơi trú ẩn của chuột và các loại sâu bệnh hại gây khác như rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá… Cỏ dại là đối tượng dịch hại đa dạng về loài và tùy theo điều kiện ngoại cảnh như ẩm độ, nhiệt độ, ánh sáng mà chúng sẽ nảy mầm và sinh trưởng khác nhau. Có nhiều loại cỏ trên ruộng lúa như cỏ cháo, cỏ chác, cỏ lác, cỏ lồng vực, cỏ đuôi phụng, cỏ gạo…
Nhiều bà con nông dân gặp khó khăn trong việc trừ cỏ, phải sử dụng thuốc trừ cỏ nào và cách dùng như thế nào để diệt cỏ tốt, an toàn cho cây lúa. Việc phòng trừ cỏ dại là bước hết sức quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, phòng trừ cỏ dại là một trong những việc cần chú ý ngay từ đầu vụ sản xuất để người nông dân sử dụng thuốc trừ cỏ có hiệu quả, đảm bảo an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Bà Trương Thị Như Hà, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Để phòng trừ cỏ dại có hiệu quả, bà con nông dân phải kết hợp biện pháp canh tác và biện pháp sử dụng thuốc hóa học.
Về biện pháp canh tác, cần cày lật đất trước khi gieo sạ khoảng 15-20 ngày để vùi lấp tàn dư cỏ dại, lúa chét và hạn chế mầm mống sinh vật gây hại. Với cỏ trên bờ mương, bờ thửa là nơi trú ấn của chuột, sâu bệnh hại nên cần làm sạch cỏ trước khi gieo bằng các biện pháp thủ công.
Làm đất kỹ, mặt ruộng bằng phẳng, thoát nước tốt và bón lót theo qui trình, bón phân lân từ 20-25 kg/sào (500m2) để tạo điều kiện cho cây lúa sau khi bén rễ hồi xanh và có đủ chất dinh dưỡng để cây lúa phát triển nhanh lấn át cỏ dại, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu cho lúa khi gặp điều kiện ngoại cảnh không thuận lợi như mưa, rét.
Sử dụng giống xác nhận để gieo sạ, có tỷ lệ nảy mầm cao đạt trên 90% nhằm hạn chế khả năng lẫn tạp hạt cỏ từ nguồn giống. Trước khi ngâm ủ cần sàng sẩy loại bỏ hạt lép, lững và hạt cỏ dại.
Sau khi gieo sạ tùy theo điều kiện thời tiết và giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, cần điều tiết mực nước thích hợp, giữ đủ nước trong ruộng có tác dụng hạn chế cỏ dại rất tốt. Ruộng bị khô nước hoặc mặt ruộng không bằng phẳng thì chỗ đất cao cạn nước cỏ mọc nhiều, có phun thuốc trừ cỏ cũng kém hiệu quả.
Đối với biện pháp sử dụng thuốc, đây là biện pháp trừ cỏ hữu hiệu nhất, được hầu hết bà con sử dụng. Thuốc trừ cỏ cho lúa hiện nay có nhiều loại với nhiều tên thương mại khác nhau, khi sử dụng cần căn cứ vào thời gian, loại cỏ trên ruộng để lựa chọn thuốc trừ cỏ phù hợp.
Từ khi gieo đến khoảng 03 ngày sau gieo, sử dụng thuốc tiền nảy mầm có hoạt chất Pretilachlor hoặc Butachlor như các thuốc Sofit 300EC, Prefit 300EC, Prefit 342WP, Dibuta 60EC, Butan 60EC, Sonic 300EC, Map Famix 30EC,… Sau khi phun thuốc 2-3 ngày cho nước vào ruộng.
Sau khi gieo 7-10 ngày đối với vụ Đông xuân, 5-7 ngày đối với vụ Hè thu, sử dụng các loại thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm sớm có hoạt chất Pyrazosulfuron Ethyl, Bensulfuron Methyl… như các thuốc: Sirius 10WP, Sontra 10WP, Star 10WP, Beron 10WP,… Sau khi gieo 15-30 ngày đối với vụ Đông xuân, 10-20 ngày đối với vụ Hè thu, sử dụng các loại thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm muộn có hoạt chất Bispyribac-sodium, Ethoxysulfuron, Cyhalofop-butyl… như các thuốc: Nominee 10SC, Clincher 10EC, Sunrice 15WDG, Topgun 700WP,…
Chú ý khi sử dụng các nhóm thuốc trừ cỏ trên: Làm đất bằng phẳng, đủ ẩm, đảm bảo lượng nước thuốc theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất và phun đúng thời gian theo hướng dẫn. Không được sử dụng tất cả các loại thuốc trừ cỏ khi nhiệt độ dưới 18oC. Đối với thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm, phải giữ nước trong ruộng 1-3 cm ít nhất 3 ngày sau khi phun thuốc.
Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc trừ cỏ dùng cho cây trồng khác như ngô, lạc, cây công nghiệp,… để trừ cỏ cho cây lúa.
Để phòng trừ cỏ dại đạt hiệu quả cao, bà con nông dân cần tích cực, chủ động phòng trừ theo các biện pháp đã hướng dẫn, đúng nguyên tắc gồm: đúng loại thuốc, đúng liều lượng - nồng độ, đúng lúc, đúng cách nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc, giảm thiểu chi phí công lao động và đảm bảo an toàn sức khỏe.


Đặng Thị Thảo
Chi cục TT-BVTV

Các tin khác