Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Tăng cường phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa Đông Xuân

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Thời tiết thuận lợi, sáng sớm có sương mù dày đặc, ngày nắng ấm, chiều tối và đêm trời lạnh tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn hại lúa phát sinh lây lan nhanh trên diện rộng.

 Vụ Đông xuân, toàn tỉnh gieo cấy 29.571 ha lúa, đạt 100,2 % so với kế hoạch. Trong đó Lệ Thủy 10.200 ha, Quảng Ninh 5.200 ha, Bố Trạch 5.180 ha, Quảng Trạch 3.509 ha, Ba Đồn 2.650 ha, Tuyên Hóa 1.456 ha, Đồng Hới 883,2 ha, Minh Hóa 493 ha. Hiện nay, lúa trà đầu giai đoạn đứng cái, trà chính vụ đẻ nhánh rộ, trà muộn đẻ nhánh, sinh trưởng phát triển tốt.
Theo báo cáo của các địa phương và kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện tại, trên đồng ruộng, bệnh đạo ôn xuất hiện gây hại ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố. Tính đến ngày 17/3/2021, diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn toàn tỉnh là 514 ha, trong đó: Lệ Thủy 169 ha, Ba Đồn 150 ha, Quảng Ninh 55 ha, Bố Trạch 55 ha, Quảng Trạch 45 ha, Tuyên Hóa 18 ha, Minh Hóa 15 ha, Đồng Hới 7 ha. Tỷ lệ bệnh phổ biến 10 - 15%, nơi cao 20 - 30%, cục bộ 70 - 80%, cấp bệnh chủ yếu 1 - 3, cục bộ cấp 5 - 7, nhiều ruộng lúa bị cháy lá do bệnh đạo ôn gây hại nặng. Diện tích lúa bị cháy chòm toàn tỉnh khoảng 2,5 ha (Ba Đồn, Lệ Thủy, Minh Hóa, Tuyên Hóa,... ). Bệnh xuất hiện chủ yếu trên các giống TBR225, TBR1, DV108, P6, Thiên ưu 8, Đài Thơm 8,... và tập trung trên trà lúa đang giai đoạn đẻ nhánh rộ. Thời tiết thuận lợi kết hợp với nông dân bón thúc nên bệnh đã phát sinh lây lan nhanh.
Bệnh đạo ôn lá nếu không phòng trừ sớm và triệt để sẽ gây cháy lá ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, ngoài ra còn tích tụ nguồn nấm bệnh gây hại cổ bông giai đoạn trổ làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lúa.
Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã có công văn chỉ đạo các địa phương tăng cường bám sát cơ sở, tích cực điều tra phát hiện sớm và hướng dẫn nông dân sử dụng đúng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu để phòng trừ đạt hiệu quả cao. Tăng cường tuyên truyền về tình hình bệnh đạo ôn, các biện pháp kỹ thuật phòng trừ trên các phương tiện thông tin đại chúng để bà con nông dân được biết và thực hiện.
Để triển khai tốt công tác phòng trừ bệnh đạo ôn, Ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, các địa phương khẩn trương thông báo tình hình, hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng đặc biệt trên các giống lúa nhiễm, phát hiện sớm và triển khai phòng trừ kịp thời. Ở những ruộng đang bị bệnh ngừng bón đạm, kali, phân bón lá, các chất kích thích sinh trưởng, sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất như: Tryciclazole, Isoprothilane… để phòng trừ.
Bà con nông dân cần chú ý tiến hành phun thuốc khi bệnh mới chớm xuất hiện, lúc cấp bệnh và tỷ lệ hại còn thấp. Nên phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát, phun thuốc ướt đều trên mặt lá, đảm bảo đủ lượng nước thuốc tối thiểu 30 lít/sào. Những ruộng bị bệnh nặng phải phun thuốc 2 - 3 lần (mỗi lần cách nhau 5 - 7 ngày) mới có hiệu quả cao.
Những ruộng bị nặng khả năng cháy lá cao nên cắt bỏ phần lá (từ gốc lên 20 - 25cm), thu gom tàn dư lá bị bệnh tiêu hủy. Sau 3 - 4 ngày lá mới xuất hiện thì sử dụng các thuốc theo hướng dẫn như trên để phun trừ.
Ngoài ra, trên đồng ruộng hiện nay còn có các đối tượng như chuột, bọ trĩ, bệnh đốm nâu, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn,… gây hại làm ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển cây lúa, vì vậy bà con nông dân cần tập trung phun trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Đối với những diện tích lúa chưa nhiễm sâu bệnh, cần làm tốt khâu chăm sóc, bón phân hợp lý nhằm giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh.


Đặng Thảo
Chi cục TT-BVTV

Các tin khác