Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý rừng, quản lý đất lâm nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 UBND tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức tổng kết đánh giá kết quả 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 19/3/2019 của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý rừng, quản lý đất lâm nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; đồng thời triển khai phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

 Sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 03 trên địa bàn tỉnh đã mang lại kết quả tích cực trong việc tổ chức quản lý rừng và đất lâm nghiệp tại các địa phương, làm cơ sở xác định rõ nguồn gốc đất, rừng và chủ sở hữu rừng, đất rừng, tránh xảy ra tình trạng tranh chấp rừng, đất lâm nghiệp, khiếu kiện, khiếu nại và hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại các địa phương.
Công tác phòng cháy chữa cháy rừng cũng được triển khai hiệu quả, từ năm 2019 đến nay, tuy tình hình thời tiết trong mùa khô diễn biến phức tạp, nắng nóng khô hạn kéo dài, dự báo cháy rừng luôn ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, nên dù số vụ cháy rừng xảy ra tăng 11 vụ, nhưng diện tích thiệt hại lại giảm hơn 30ha so với trước khi có Chỉ thị. Tổng diện tích thiệt hại do cháy rừng trong 3 năm là 41 vụ làm thiệt hại hơn 168ha rừng.
Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật diễn ra tại các huyện, thành phố, thị xã trong thời gian dài và nhiều vụ việc không thể xác định được thời gian vi phạm. Theo kết quả thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 14.600ha rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái pháp luật, chủ yếu tập trung tại các địa phương như Minh Hóa trên 7.247ha, Tuyên Hóa 3.255ha, Bố Trạch 871ha, Lệ Thủy 1.045ha, Quảng Trạch 925ha, Quảng Ninh 924ha... Diện tích bị phá chủ yếu là rừng tự nhiên với 7.547ha, đất trống không có cây gỗ tái sinh 5.767ha, đất trống có cây gỗ tái sinh 1.191ha; diện tích còn lại bao gồm rừng trồng và đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật xảy ra chủ yếu ở khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi người dân thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất. Người dân địa phương sinh sống trên địa bàn đã phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp nằm xen kẽ với rừng tự nhiên, hoặc giáp ranh giữa rừng trồng của người dân với rừng tự nhiên để trồng keo lai và sản xuất nông nghiệp.
Trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp, điều tra, xác minh tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp của đoàn liên ngành cấp huyện, UBND các huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lập hồ sơ, phân loại đối tượng và xử lý các vụ vi phạm. Trong tổng số gần 14.600ha rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, các cơ quan đã lập 1.868 hồ sơ với diện tích 3.098ha, trong đó, số vụ đã xử lý 477 vụ (khởi tố hình sự 11 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 466 vụ) với diện tích đã xử lý là 855ha, diện tích chưa được xử lý là 13.745ha. Kết quả thống kê cho thấy việc xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp được thực hiện còn chậm, số diện tích đã xử lý rất thấp 855ha/14.600ha (6,22%). Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục xác minh, thu thập tài liệu liên quan lập hồ sơ vụ việc, phân loại đối tượng vi phạm đối với số diện tích chưa xử lý để có cơ sở tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tiếp tục phối hợp với UBND các xã, các phòng, cơ quan chức năng tham mưu UBND cấp huyện xử lý các trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ chặt, phá rừng, lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp trái quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo lực lượng Thanh tra chuyên ngành Tài nguyên và Môi trường và Phòng Quản lý Đất đai hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và phối hợp với UBND cấp huyện tăng cường quản lý đất lâm nghiệp. Hướng dẫn việc thu hồi đất, thu hồi rừng và giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ và đúng quy định để lập lại trật tự trong lĩnh vực quản lý rừng và đất lâm nghiệp; không “hợp thức hóa” quyền sử dụng đất đối với những trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.


Lê Trung Hiền
Chi cục Kiểm lâm

Các tin khác