Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Tình hình lấn chiếm phạm vi bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ các tuyến sông có đê

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Thời gian qua, công tác xử lý vi phạm pháp luật đê điều đã được các địa phương quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, không ít tuyến đê vẫn bị xâm hại, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các sự cố đê điều, đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

 Tỉnh Quảng Bình có trên 280km đê; công trình trên đê gồm 116 cống và 10 tràn. Các tuyến đê chủ yếu từ cửa sông chạy dọc theo hai bờ các sông chính (sông Roòn, sông Gianh, sông Lý Hòa, sông Lệ kỳ, sông Nhật Lệ, sông Kiến Giang).
Hệ thống đê điều tỉnh Quảng Bình góp phần quan trọng trong việc ngăn mặn, giữ ngọt, chống lũ sớm, lũ tiểu mãn phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, bảo vệ dân sinh - kinh tế và công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, kết nối giao thông giữa các vùng trong tỉnh. Nhằm tăng cường công tác quản lý và bảo vệ hệ thống đê điều trên địa bàn Sở Nông nghiệp và PTNT đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã; các tổ chức quản lý đê triển khai, thực hiện các nội dung quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Quảng Bình, đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền giáo dục pháp luật. Tuy nhiên qua kiểm tra, thanh tra công tác quản lý, bảo vệ đê điều trên địa bàn toàn tỉnh cho thấy tình trạng lấn chiếm phạm vi bảo vệ đê điều vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều tổ chức, cá nhân đã sử dụng trái phép hành lang phạm vi bảo vệ đê điều, vùng bãi sông cho các mục đích khác nhau trong khi chưa được các cơ quan quản lý cấp phép, chấp thuận; nguy cơ gây mất an toàn công trình đê điều và ảnh hưởng lớn đến hành lang thoát lũ các tuyến sông có đê. Kết quả thanh tra việc thực hiện Luật Đê điều từ ngày 19 tháng 5 đến ngày 18 tháng 6 năm 2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy các địa phương đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm đê điều nhưng vẫn còn nhiều trường hợp chưa được xử lý, hoặc xử lý chưa dứt điểm, các hình thức vi phạm như: xây dựng nhà tạm, quán xá, bãi tập kết vật liệu, nuôi trồng thủy hải sản, chiếm dụng mặt đê, mái kè, làm chuồng trại chăn nuôi...
Nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm lấn chiếm là do công tác quản lý, bảo vệ đê điều của một số địa phương chưa thực sự được quan tâm, chú trọng, còn buông lỏng, xem nhẹ; đa số các xã, phường có đê đến nay vẫn chưa thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân theo quy định tại Quyết định 1381/QĐ-UBND ngày 16/6/2011 của UBND tỉnh (về việc Ban hành Quy định tổ chức, hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân tại các xã có đê trên địa bàn tỉnh Quảng Bình), nên việc phát hiện, ngăn chặn các vi phạm đến đê điều chưa kịp thời; chưa có mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê điều cho các tuyến đê; ngoài ra, nhiều người dân chưa hiểu đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực này….
Để hệ thống đê điều phát huy hết vai trò, nhiệm vụ của nó, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần không nhỏ đến ổn định sản xuất và đời sống nhân dân, cần có một số giải pháp sau:
1. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai đến cộng đồng, nhất là các tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình ven đê;
2. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đê điều, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm, kiến nghị chính quyền các cấp xử lý theo quy định của pháp luật; thường xuyên tổng hợp tình hình vi phạm và chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; lực lượng công an phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, đặc biệt là đối với các vụ việc vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm;
3. Phát huy vai trò trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều.
4. Thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin của các cơ quan liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều.
5. Sớm quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê; quy hoạch hệ thống đê điều trên toàn tỉnh; cắm mốc hành lang đê điều;
6. Sớm thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân đối với những xã chưa thành lập;
7. Hằng năm ưu tiên bố trí kinh phí để tăng cường đầu tư củng cố, nâng cấp, duy tu hệ thống đê điều, nhất là các tuyến đê xung yếu.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về đê điều với các giải pháp cơ bản nêu trên, hy vọng rằng trong thời gian tới việc vi phạm về đê điều sẽ được giảm đáng kể.


Tưởng Đình Tùng
Chi cục Thủy lợi

Các tin khác