Chi tiết tin - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
"Trái ngọt" dừa xiêm lùn
Sau hơn 3 năm được đưa vào trồng thử nghiệm, cây dừa xiêm lùn đã được nhiều hộ dân trên địa bàn TX. Ba Đồn lựa chọn đưa vào sản xuất và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Những tín hiệu vui ban đầu của các vườn dừa xiêm lùn trên đất nhiễm phèn mặn kỳ vọng mở ra nguồn thu nhập bền vững cho nông dân nơi đây.
Mặc dù, năm nay, vườn dừa xiêm lùn hơn 1ha mới bước vào vụ thu “hoạch bói”, nhưng anh Trần Sơn ở thôn La Hà Tây, xã Quảng Văn đã đặt nhiều niềm hy vọng về loại cây trồng mới này, mang lại hiệu quả kinh tế. Anh Sơn cho biết, khu vực đồng Phú Cồn là vùng đất “tử địa”, mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ các loại cây màu như các loại đậu, khoai lang. Còn về mùa lũ lụt, không thể làm gì khác vì địa hình thấp trũng và nhiễm phèn mặn. Có năm hạn hán xâm nhập mặn, cánh đồng phải bỏ hoang. Sau nhiều lần chuyển đổi, nhưng anh chưa tìm được cây trồng phù hợp có thể mang lại hiệu quả và thu nhập.
Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn đưa vào trồng giống dừa xiêm lùn, anh mạnh dạn nhận giống về trồng. Quá trình trồng và chăm sóc, anh thấy cây dừa phát triển tốt và không mất nhiều công chăm sóc. Đặc biệt, giống dừa xiêm lùn có khả năng thích ứng với đất nhiễm mặn, lại chống chịu được mưa bão, ngập lụt. Sau hơn 3 năm chăm sóc, vườn dừa hơn 120 gốc của anh sinh trưởng và phát triển rất tốt. Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vừa rồi, vườn dừa nhà anh ra hoa đậu quả rất nhiều. Theo hướng dẫn kỹ thuật, cây dừa phải được trên 4 năm mới khai thác, thế nhưng vườn dừa nhà anh đã có cây đậu trên 100 quả. Anh chỉ khai thác một ít quả bói để bán vào dịp Tết.
Anh Trần Sơn (ở thôn La Hà Tây, xã Quảng Văn) bên vườn dừa xiêm trĩu quả.
Tương tự, năm 2020, gia đình ông Mai Văn Thuận ở thôn La Hà Nam cũng trồng được 1,1ha với 250 gốc dừa xiêm lùn. Ông Thuận cho biết, trước đây ông cũng sản xuất các loại cây màu và gieo trồng lúa, nhưng có làm mà không có ăn. Sản xuất lúa thì bị hạn, không có nước tưới tiêu, trồng cây màu thì bị xâm nhập mặn, nên chủ yếu bỏ hoang. Thấy cây dừa xiêm lùn phát triển tốt trên vùng đất nhiễm phèn mặn, trong lòng ông cũng khấp khởi mừng vui. Vui vì giờ đây, những vùng đất “tử địa” đã tìm được loại cây mới đưa vào sản xuất. Hơn nữa, cây dừa có tuổi thọ khai thác khá dài, với gần 30 năm, nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Văn Trần Thanh Nam cho biết, sau gần 4 năm triển khai thí điểm, đến nay xã Quảng Văn đã có 8ha diện tích trồng dừa xiêm lùn, trong đó có nhiều hộ gia đình đã khai thác bói. Hiệu quả bước đầu cho thấy, cây dừa xiêm lùn phát triển tốt, thích ứng với một số xứ đồng bị nhiễm phèn mặn. Đây cũng là diện tích trước đây, người nông dân thường bỏ ruộng hoang không sản xuất. Loại cây này đã mở ra cho người dân trên địa bàn hướng đi mới trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để tiếp tục mở rộng diện tích trồng dừa xiêm lùn xây dựng sản phẩm dừa xiêm thành sản phẩm OCOP. Ngoài kỳ vọng giải quyết được vấn đề đất sản xuất bỏ hoang, chính quyền địa phương đang hướng tới mục tiêu xây dựng khu du lịch sinh thái các mô hình trồng dừa.
Theo Báo Quảng Bình
- Công tác khuyến nông phải theo hướng tích hợp đa giá trị, gắn với thị trường (19/02/2025)
- Khuyến nông Quảng Bình: Chuyển đổi số nâng tầm nông nghiệp (06/01/2025)
- Khuyến nông Quảng Bình tích cực chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả sản xuất (05/11/2024)
- Tổ chức tham quan mô hình tôm sú 2 giai đoạn tại một số tỉnh ven biển miền Trung (27/08/2024)
- Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao lót bạt gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm (14/08/2024)
- Tập huấn hiện trường chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp (23/07/2024)
- Hội nghị đầu bờ mô hình mít ruột đỏ theo hướng hữu cơ (07/07/2023)
- Cấp con giống và thức ăn cho các mô hình sinh kế tại xã Kim Thủy, Lâm Thủy (26/04/2023)
- Đa dạng mô hình sinh kế khuyến nông (02/03/2023)
- Khuyến nông và hành trình đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp (02/03/2023)