Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Hiệu quả từ các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung sau đầu tư

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Từ khi tái lập tỉnh đến nay đã có 110 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư xây dựng để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân nông thôn, tuy nhiên số lượng công trình kém hiệu quả hoặc không hoạt động chiếm tỷ lệ đến 38%, nguyên nhân là do các mô hình quản lý vận hành bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Thời gian gần đây, mô hình Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý công trình được áp dụng đã có hiệu quả tích cực, đem lại luồng gió mới cho công tác quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước sạch nông thôn sau đầu tư trên địa bàn tỉnh.

 Trong những năm trước đây, các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh sau khi đầu tư xây dựng đều được bàn giao lại cho ủy ban nhân dân xã tổ chức quản lý theo các mô hình như thành lập tổ quản lý vận hành hoặc giao cho Hợp tác xã dịch vụ hoặc cộng đồng quản lý. Tuy nhiên những mô hình này đã bộc lộ nhiều hạn chế như: công tác quản lý, bảo vệ công trình bị buông lỏng; phân công trách nhiệm không rõ ràng; năng lực chuyên môn nghiệp vụ của những người trực tiếp quản lý vận hành công trình chưa đáp ứng yêu cầu, chưa qua đào tạo chuyên môn, thiếu kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp; thiếu công cụ và phương tiện kiểm tra, xử lý các sự cố xảy ra trong quá trình vận hành; kinh phí hoạt động không được hạch toán độc lập và quyền tự chủ về tài chính không rõ ràng; không được xét nghiệm, kiểm tra và giám sát của cơ quan chuyên môn về chất lượng nước; mức lương của người tham gia quản lý vận hành công trình thấp nên không gắn bó trách nhiệm với công trình… khiến cho nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả, nhanh xuống cấp thậm chí hư hỏng không còn sử dụng được, làm lãng phí nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tạo ra dư luận xấu trong nhân dân.

Vận hành cấp nước tại Trạm cấp nước sạch nông thôn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa


Để khắc phục những hạn chế đó, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình nước sạch cho khu vực nông thôn, tỉnh ta đã từng bước tiến hành chuyển đổi mô hình quản lý vận hành với việc giao một số công trình cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý. Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm đã được UBND tỉnh giao quản lý 3 công trình cấp nước, bao gồm: Công trình cấp nước xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch; Công trình cấp nước sạch cụm xã Tiến Hóa, Châu Hóa, Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa; Công trình cấp nước sạch cụm xã Ngân Thủy, Sơn Thủy và thị trấn nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy với tổng số 6.597 đồng hồ đã lắp đặt, cấp nước sinh hoạt cho khoảng 30.000 người dân. Ngay sau khi được giao quản lý, Trung tâm đã thành lập các trạm cấp nước để vận hành, khai thác công trình. Hiện các trạm đang hoạt động ổn định, đảm bảo cung cấp nước sạch 24/24h cho người dân. Nhiều hộ dân ban đầu còn lo ngại, hoài nghi về tính hiệu quả của công trình nhưng giờ đây đã hoàn toàn tin tưởng và ngày càng có nhiều hộ dân đăng ký đấu nối để được sử dụng nước sạch.
Mô hình Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý công trình cấp nước nông thôn tập trung có nhiều ưu điểm như: tính ổn định, chuyên nghiệp; được trang bị đầy đủ công cụ và phương tiện kiểm tra, xử lý kịp thời sự cố xảy ra trong quá trình vận hành; chất lượng nước được xét nghiệm định kỳ tại Phòng xét nghiệm nước của Trung tâm, chịu sự giám sát của người dân và các cơ quan chuyên môn; công tác duy tu bảo dưỡng được thực hiện thường xuyên, máy móc, thiết bị được bảo dưỡng định kỳ; có nhiều điều kiện thuận lợi để cải tiến công nghệ, nâng cấp thiết bị…
Trong giai đoạn tiếp theo, Trung tâm sẽ tập trung thực hiện các mục tiêu: cấp nước sinh hoạt đảm bảo lưu lượng và chất lượng cho người dân; giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch; mở rộng mạng lưới tuyến ống phân phối đến các địa bàn lân cận nhằm gia tăng số lượng đấu nối; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm, tham gia bảo vệ công trình, bảo vệ nguồn nước; tích cực tìm kiếm, huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước nông thôn tập trung quy mô lớn, liên xã do Trung tâm quản lý; xây dựng Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn ngày càng lớn mạnh, áp dụng công nghệ thông tin, chuyên môn hóa về lĩnh vực dịch vụ cấp nước nông thôn.


Lê Tuấn Phong
(TT Nước sạch & VSMTNT)

 

Các tin khác