Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Phương pháp vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Hiện nay trên phạm vi khu vực nông thôn của tỉnh Quảng Bình còn hơn 50.000 hộ gia đình chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế, nhiều hộ gia đình phóng uế bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và là nguồn lây lan dịch bệnh. Hậu quả rất nguy hiểm vì phân người là nguồn lây nhiễm các mầm bệnh như bệnh tả, tay chân miệng, bại liệt, thương hàn, kiết ly, giun sán... Biện pháp duy nhất để ngăn chặn tình trạng này và bảo vệ sức khỏe cộng đồng là phải có 100% gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và mọi người rửa tay bằng xà phòng. Phương pháp vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ là một trong những vũ khí sắc bén nhất để cộng đồng đạt được mục tiêu vệ sinh môi trường.

 CLTS là từ viết tắt của tiếng Anh từ cụm từ “Community – led total sanitation” nghĩa là vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ. CLTS được Tiến sĩ Kamal Kar giới thiệu đầu tiên tại ấn Độ và hiện nó đã được triển khai tại gần 30 quốc gia trên thế giới. Phương pháp này giúp người dân tự nhận thức được vấn đề của việc đi vệ sinh ngoài trời và tự lựa chọn cho mình phương thức phù hợp để giải quyết vấn đề trên. Không giống các cách tiếp cận khác trợ cấp bằng tiền mặt hoặc vật tư cho hộ gia đình và chú trọng vào xây dựng nhà vệ sinh, CLTS tập trung vào động cơ làm thay đổi hành vi vệ sinh của cộng đồng.
Nội dung chính của CLTS là “kích hoạt” - “ Triggering”, tại đây, những cộng tác viên sẽ thuyết phục cộng đồng thông qua việc hướng dẫn cộng đồng vẽ sơ đồ về vị trí nhà ở và vị trí mà họ hay đi vệ sinh ngoài trời, sau đó thực hiện các tính toán đơn giản để tính số lượng phân mà cộng đồng thải ra môi trường sống và phân tích con đường lây nhiễm từ phân đến miệng. Nhờ các hoạt động trên mà vấn đề về đi vệ sinh ngoài trời được trực quan một cách rõ ràng và sinh động, tạo cho người dân có cảm giác sốc, ghê sợ, kinh tởm và xấu hổ từ đó tự nguyện tìm cách từ bỏ thói quen đi vệ sinh ngoài trời bằng việc xây dựng và sử dụng nhà tiêu.
Để góp phần thực hiện chiến lược và mục tiêu quốc gia về Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020, Cục Quản lý Môi trường Bộ Y tế và Tổ chức UNICEF đã có sáng kiến biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn “Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ (CLTS)”. Tài liệu này nhằm cung cấp cho các cộng tác viên cộng đồng kiến thức, kỹ năng và phương pháp để hỗ trợ cộng đồng thực hiện “kích hoạt” - “ Triggering”, nhằm đảm bảo thực hiện bền vững mô hình CLTS.
Trong khuôn khổ thực hiện các hoạt động vệ sinh, từ năm 2011 đến nay, tổ chức Plan Quảng Bình đã phối hợp với Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Ban dự án các địa phương tổ chức 05 lớp tập huấn "Hướng dẫn mô hình vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ (CLTS)" và đã kích hoạt tại các xã dự án với sự hỗ trợ giảng viên từ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, riêng cuối năm 2017 tổ chức 03 lớp tập huấn tại 03 xã Ngân Thủy, Kim Thủy và Sen Thủy – huyện Lệ Thủy, sau tập huấn các học viên tổ chức kích hoạt tại các thôn, bản trên địa bàn toàn xã, hoạt động này đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh ở các xã dự án rất cao (ví dụ xã Trường Xuân năm 2011 tỷ lệ hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh chỉ đạt 7,22%, năm 2017 đã tăng lên 76,4%; xã Vạn Ninh năm 2011 chỉ 27%, năm 2017 tăng lên 77%), đặc biệt là giúp người dân chấm dứt tình trạng đi tiêu bừa bãi. Hy vọng rằng trong thời gian tới, mô hình được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các xã cùng sâu, vùng xa, miền núi.

Đỗ Thị Oánh
Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn

 

Các tin khác