Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Hướng dẫn một số biện pháp xử lý nước hộ gia đình trong vùng lũ lụt

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Quảng Bình là một tỉnh miền trung hầu như năm nào cũng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, đặc biệt là lũ lụt. Mỗi khi lũ lụt xảy ra, người dân vùng ngập lũ thường sử dụng nước nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn cho ăn uống và sinh hoạt hàng ngày, hành vi này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và đời sống của người dân. Vì vậy, xử lý nước ngay tại chỗ để đảm bảo cho người dân vùng ngập lũ có nước sạch dùng cho ăn uống và sinh hoạt hàng ngày là điều rất cần thiết.

 Sau đây là một số biện pháp xử lý nước sinh hoạt và ăn uống trong vùng lũ lụt.

*Một số biện pháp làm trong nước:
Cách 1: Làm trong nước bằng phèn chua
Chuẩn bị xô (thùng) nhựa đựng nước, phèn chua
Lấy một cục phèn chua bằng nửa đốt ngón tay trỏ hòa tan vào một ca nước rồi đổ vào xô nước 25 lít đã chuẩn bị sẵn, khuấy đều (01 gam phèn chua cho 25 lít nước). Đợi khoảng 30 phút để các chất lơ lửng hòa tan trong nước bị keo tụ lại ở đáy xô, sau đó gạn lấy nước trong để sử dụng. Tác dụng của phèn chua là làm keo tụ toàn bộ các chất lơ lửng có trong nước, làm nước đục chuyển sang trong sử dụng cho sinh hoạt.
Lưu ý: Nước đã được làm trong bằng phèn chua chỉ sử dụng để tắm rửa. Nếu dùng để ăn uống thì phải khử trùng hoặc đun sôi.
Cách 2: Làm trong nước bằng cát, sỏi
Chuẩn bị vật liệu: Xô nhựa hoặc thùng nhựa; một đoạn ống nhựa fi 21 (ống thu nước), có đục lỗ ở hai bên, đục lỗ có tác dụng để thu nước vào trong ống dẫn ra vòi chảy ra ngoài để sử dụng. Đục lỗ làm sao cho cát, sỏi không chui được vào ống; một cái van fi 21 bằng nhựa hoặc bằng đồng; sỏi, cát thạch anh được rửa sạch trước khi sử dụng (nếu không có cát thạch anh thì sử dụng cát vàng hoặc cát đen); dụng cụ chứa nước sau khi lọc.
Cách tiến hành: Lắp van fi 21 vào ống nhựa fi 21. Đục lỗ ở đáy xô nhựa hoặc thùng nhựa có đường kính khoảng 21mm, lắp ống nhựa và van vào lỗ ở đáy xô, vặn kín. Sau đó đổ lớp sỏi dày 5 - 10cm (Lưu ý: Lớp sỏi phải phủ kín ống thu nước). Tiếp theo, đổ lớp cát vào xô nhựa dày khoảng 20 - 30cm lên phía trên lớp sỏi, san phẳng bề mặt của cát.
Sau khi hoàn tất công đoạn chuẩn bị vật liệu và dụng cụ để lọc nước, chúng ta tiến hành đổ nước cần lọc vào xô, khi nước chảy ra dụng cụ chứa nước nếu thấy nước vẫn chưa trong thì tiến hành lọc lại lần nữa cho đến lúc nước trong mới sử dụng.
Nước sau khi lọc sử dụng để tắm rửa, nếu sử dụng cho ăn uống thì phải được khử trùng hoặc đun sôi trước khi dùng.
Cách 3: Làm trong nước bằng vải sạch
Nếu không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi thấy nước trong (chú ý vải lọc bằng coton để lọc nước đi qua được, cần thay vải khi thấy cặn trên vải lọc nhiều).
Lưu ý: Trong trường hợp phải sử dụng nguồn nước bề mặt quá đục hoặc nhiều phù sa cần lọc bỏ bớt phù sa bằng các lớp vải màn trước khi làm trong nước.
Với một số biện pháp lọc nước bằng phèn chua hoặc lọc qua cát, sỏi, vải sạch chỉ có tác dụng loại bỏ cặn bẩn và những tạp chất có trong nước chứ chưa loại bỏ được các vi khuẩn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, chúng ta cần phải khử trùng nước trước khi sử dụng.
* Một số biện pháp khử trùng nước:
Nước sau khi đã được làm trong bằng phèn chua và lọc qua cát sỏi, vải sạch cần tiến hành khử trùng bằng các biện pháp sau:
Cách 1: Sử dụng thuốc khử trùng Cloramin B, thuốc này có 2 dạng: dạng viên và dạng bột.
-Đối với dạng viên: Ta dùng 01 viên Cloramin B 0,25g hòa vào một ca nước, sau đó đổ vào thùng nước (1 viên cho 25 lít nước) đã được làm trong, khuấy đều.
-Đối với dạng bột: Dùng 01 gam Cloramin B 25% cho 100 lít nước đã được làm trong.
Nước sau khi xử lý bằng Cloramin B thì đợi sau 30 phút mới được sử dụng cho ăn uống và tắm rửa.
Cách 2: Sử dụng Viên Aquatab 67mg
Cho 1 viên Aquatabs 67mg vào thùng đựng 20 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp chờ 30 phút có thể sử dụng được.
Với các phương pháp khử trùng này, cần lưu ý:
+Thuốc khử trùng phải được cất giữ cẩn thận, tránh xa tầm tay trẻ em, bảo quản nơi khô ráo thoáng mát, không sử dụng thuốc đã hết hạn sử dụng ghi trên bao bì.
+Nước dùng để khử trùng không được lấy nước trực tiếp từ sông, suối, ao hồ mà phải sử dụng nguồn nước đã được làm trong.
+ Nước đã được khử trùng có thể dùng để nấu ăn và uống trực tiếp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cần đun sôi trước khi uống.
Cách 3: Khử trùng nước bằng phương pháp SODIS (Hay còn gọi là khử trùng nước bằng ánh sáng mặt trời)
Nước sau khi làm trong đựng vào những chai nhựa màu trắng (có thể sử dụng chai nhựa đã dùng rồi) rửa sạch, sau đó đem phơi dưới ánh nắng mặt trời.
-Trong trường hợp có nắng liên tục và nhiệt độ ngoài trời lên trên 31oC thì sau 6 tiếng đồng hồ, chúng ta có thể sử dụng nước này để nấu ăn và uống trực tiếp.
-Nếu trường hợp trong 6 tiếng đồng hồ không có nắng liên tục và nhiệt độ ngoài trời dưới 31oC thì chúng ta phải phơi nước trong 2 ngày mới có thể sử dụng.
-Nếu trời không có nắng và mưa thất thường thì nước sau khi được làm trong phải đun sôi trước khi uống.
Cách tốt nhất là phơi những chai nước này trên mâm nhôm để hấp thụ ánh nắng mặt trời hoặc phơi trên mái ngói, mái Fibroximăng.
Lưu ý: Không được phơi nước trên mái nhà lợp bằng tranh, nứa, lá,.v.v. vì chai nước trắng thường xảy ra hiện tượng hội tụ ánh sáng có thể gây hỏa hoạn.
Cách 4: Đun sôi nước
- Chỉ sử dụng nước để uống trực tiếp sau khi đã đun sôi.
- Nước sau khi đun sôi không được để quá lâu, nên thường xuyên đun nước mới hàng ngày để uống.
- Trong trường hợp không có hóa chất khử trùng, chỉ ăn uống nước đã đun sôi kỹ, không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.
Cách 5. Sử dụng các thiết bị lọc nước
Ngoài các biện pháp xử lý nước như trên, hộ gia đình có thể sử dụng thêm thiết bị lọc để xử lý nước. Hiệu quả lọc nước của thiết bị phụ thuộc vào chất lượng nước đầu vào, công nghệ lọc, tình trạng và chất lượng của thiết bị lọc, thời gian sử dụng… Hiện nay có nhiều loại thiết bị lọc nước như bình lọc nước, máy lọc nước Nano, máy lọc nước RO của nhiều hãng với các loại công nghệ khác nhau. Nên sử dụng những thiết bị đã được kiểm định, cấp phép của các cơ quan chức năng, đồng thời tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để đảm bảo hiệu quả lọc nước.
Những biện pháp làm trong và khử trùng nước như trên giúp bà con có được nguồn nước ăn uống và sinh hoạt hợp vệ sinh tại chỗ trong mùa mưa lũ, đảm bảo sức khỏe gia đình và cộng đồng thôn xóm, góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân.
                                                                             Đỗ Thị Oánh
                                                          Trung tâm Nước sạch-VSMTNT
 

Các tin khác