Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Một số biện pháp xử lý nước phục vụ cho trại sản xuất tôm giống

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Trong nuôi trồng thủy sản nói chung và ngành sản xuất tôm giống nói riêng, vấn đề xử lý nước luôn được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng , chi phối đến sự thành công của vụ nuôi hay quy trình sản xuất giống.

 Môi trường sản xuất giống cần đảm bảo tính tiêu chuẩn cao, do đó xử lý nước trước khi lấy vào bể nuôi là yêu cầu rất cơ bản trong quy trình sản xuất. Nguồn nước được xử lý tốt sẽ không bị ô nhiễm, loại bỏ được tạp chất, kim loại nặng và hạn chế tối đa các tác nhân gây bệnh trong nước. Một số biện pháp cơ bản xử lý nước phục vụ cho trại sản xuất tôm giống như sau:
Phương pháp cơ học: Đưa nước vào bể chứa để lắng lọc, hay cho nước chảy qua các bể lọc xuôi hoặc ngược, có thể loại bỏ các chất vẩn hữu cơ lơ lửng có trong nước, bám trên các chất vẩn đó là nhiều tác nhân khác nhau thuộc vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật. Thông thường bể lọc cát có thể tích 2m3 sử dụng 300kg cát có đường kính 0,5 – 1mm, 100kg đá 1 – 2. Đây là hình thức lọc thô, nên không thể tiêu diệt triệt để các loại tác nhân gây bệnh…
Phương pháp vật lý: Thực chất của phương pháp vật lý là dùng đèn cực tím để sát trùng nước. Đèn cực tím ở bước sóng từ 240-280nm, có thể tiệt trùng nước biển dùng trong nuôi trồng thủy sản nhưng không làm cho nước hoàn toàn vô trùng, tia cực tím có tác dụng kìm hãm khả năng sinh sản của vi khuẩn và nấm. Do đó, dùng đèn cực tím để kìm hãm vi khuẩn và nấm tốt hơn so với dùng các loại hóa chất diệt khuẩn và diệt nấm.
Phương pháp hóa học: Đây là phương pháp dùng các loại thuốc sát trùng khác nhau cho vào nguồn nước để tiêu diệt mầm bệnh thông qua các phản ứng oxy hóa - khử, như dùng Iodine, chlorine, thuốc tím, xanh methylen, formol…
Thuốc tím (KMnO4)
Thuốc tím có tác dụng loại bỏ các chất hữu cơ và kim loại nặng.
Đối với nguồn nước biển có hàm lượng phù sa nhiều, độ đục cao, có nhiều chất, hàm lượng kim loại nặng cao. Cần phải loại bỏ chúng trước khi đưa vào xử lý diệt trùng.
Dựa trên các nguyên lý sử dụng thuốc tím theo phương trình (1) và (2) như sau:
(1) 3Fe(HC03)2+ KMnO4+ 7H2O → MnO2+ 3Fe(OH)3↓+ KHCO3+ 5H2CO3
1mg Fe2+/lit ≈ 0,94 mg KMnO4
(2) 3H2S + 2KMnO4→ 2H2O + 2KOH + 2MnO2↓ + 3S↓1mg H2S/lit ≈ 6,19 mg KMnO4/lit
Nước biển sau khi dùng thuốc tím để xử lý sẽ có màu tím hồng nhưng nhanh chóng mất màu và tạo kết tủa. Nếu lượng thuốc tím vừa đủ thì sau 24h thì nước sẽ trong.
Xử lý nước bằng Ethylene Diamine Tetra Acetic Acid (EDTA)
Ngoài ra có thể sử dụng EDTA với nồng độ 5-10 ppm để xử lý nước ngay trong bể nuôi ấu trùng.
Khử trùng nước bằng Clorin
Chlorine Ca(OCl)2 khi hòa tan vào nước sẽ tồn tại dưới dạng Cl2.HOCl.OCl.Cl2 có tác dụng diệt trùng cao.
Thường Clorine thương mại 70% có nghĩa là 1gram Clorine đó có chứa 0,392 g Cl2. Sau khi xử lý Clorine, lượng Cl2 vẫn còn dư thừa trong nước, lượng Cl2 dư thừa trong nước cũng sẽ gây độc đối với tảo và ấu trùng tôm, do vậy trước khi đưa nước vào bể nuôi tôm giống phải loại bỏ lượng Cl2 dư thừa bằng Natri thiosulfate:
Cl2+ 2Na2CO3.5H2O → Na2S2O6+ 2NaCl + 10H2O
Cách kiểm tra Cl2 tự do dư thừa trong nước:Lấy 10-20 ml nước đã xử lý Chlorine nhỏ 1-2 giọt thuốc thử Orthotolidin 1% nếu nước xuất hiện màu vàng là còn dư Cl2, nếu nước không màu chứng tỏ đã không còn dư Cl2.
Theo kinh nghiệm, sau 24h xử lý Chlorine, người ta dùng một lượng Natri thiosulfate tương đương với lượng Chlorine đã sử dụng để khử lượng Cl2 dư thừa trong nước.


Trình tự các bước xử lý nước trong trại sản xuất tôm giống
Bước 1: Bơm nước từ biển lên bể lắng.
Bước 2: Xử lý thuốc tím (trong thời gian 24h).
Bước 3: Bơm nứơc từ bể lắng sang bể xử lý.
Bước 4: Xử lý Chlorin trong bể xử lý (trong thời gian 24h).
Bước 5: Bơm nước từ bể lắng sang bể lọc.
Bước 6: Nước từ bể lọc chảy tự động sang các bể nuôi theo yêu cầu.
Xử lý nước trước khi đưa vào bể là yêu cầu rất cơ bản trong quy trình sản xuất tôm giống. Nước được xử lý tốt sẽ hạn chế được các mầm bệnh tồn lưu trong môi trường, kết hợp với kỹ thuật sản xuất, chất lượng tôm bố mẹ… tạo ra đàn giống có chất lượng tốt, khỏe mạnh, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng suất, hiệu quả của vụ sản xuất, tránh cho người sản xuất những thiệt hại không đáng có.

Văn Thùy Trang - Trung tâm Giống Thủy sản

Các tin khác