Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Khó khăn trong công tác hậu cần nghề cá ở cảng Gianh

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tỉnh Quảng Bình hiện có 5.288 tàu đánh bắt thủy sản, trong đó có 1.332 tàu tham gia đánh bắt xa bờ. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, thực hiện chính sách phát triển thủy sản, ngư dân Quảng Bình đã đóng tàu lớn để vươn khơi, trong đó có những con tàu vỏ thép lên đến cả ngàn CV. Thế nhưng, trong khi đội tàu xa bờ ngày càng được đầu tư phát triển về số lượng và công suất thì ngược lại, hạ tầng nghề cá càng bị tụt hậu...

 Những ngày đầu tháng 6 năm nay, cảng cá và khu neo đậu sông Gianh tàu thuyền ra vào tấp nập để bán hải sản và chuẩn bị nguyên vật liệu cho chuyến ra khơi. Trong 5 tháng đầu năm, đã có gần 2.700 lượt tàu thuyền qua cảng, đạt 190,5% so với cùng kỳ, trong đó số lượt tàu từ 200CV trở lên gần 1.500 chiếc. Lượng hàng hóa qua cảng gần 14.800 tấn, giá trị gần 142 triệu đồng, đạt 226% so với cùng kỳ. Tổng giá trị đạt được trong 5 tháng đầu năm gần 490 triệu đồng, đạt 151,5% so với cùng kỳ và 62,4% kế hoạch.
Theo các cán bộ làm việc ở đây, hiện chỉ còn duy nhất cửa sông Gianh là tàu thuyền to có thể ra vào được nên cảng cá sông Gianh thường quá tải mỗi khi lượng tàu về đông. Đặc biệt, trong số năm cửa biển ở Quảng Bình, chỉ còn duy nhất cửa sông Gianh là tàu vỏ thép còn ra vào, neo đậu được nên mỗi khi tàu vỏ sắt về bến là cầu cảng... hết chỗ cho các tàu cá khác. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cảng bị ùn tắc, không phát huy được hiệu quả, thậm chí gây thất thoát nguồn hàng qua cảng cũng như ảnh hưởng đến nguồn thu từ các dịch vụ hậu cần.
Cầu tàu cảng cá sông Gianh được xây dựng gần 20 năm trước, lúc đó thiết kế của cảng chỉ áp dụng cho tàu có công suất từ 150CV trở xuống với cầu cảng dài 104m chia làm 2 cầu với thiết kế hình chữ T để có thể đậu được 2 bên. Đến nay, cũng vẫn cơ sở vật chất đó, cảng lại áp dụng cho tàu từ 300-1.000CV, cầu chữ T không còn sử dụng được vì mặt trong đã bị bồi lấp không thể sử dụng dẫn đến tình trạng quá tải. Có lẽ những nhân viên của cảng cá sông Gianh sẽ không bao giờ quên được hình ảnh con tàu Hoàng Vĩ với công suất 800CV cập cảng, bởi chiều dài con tàu là 30m trong khi cầu cảng chỉ dài 50m, khiến các tàu khác muốn vào cũng không thể vào được, muốn neo cũng không thể neo được. Chính vì thế, rất nhiều tàu thuyền xa bờ của tỉnh ta phải phải vào “tá túc” ở cảng cá Cửa Việt (Quảng Trị) hoặc Thọ Quang (Đà Nẵng).
Theo ông Trần Đăng Thảo, Giám đốc BQL Cảng cá sông Gianh, công tác quản lý, vận hành cảng từ nhiều năm nay đã vượt quá công suất thiết kế ban đầu trên 50%. Không chỉ có vấn đề bến cập, cầu cảng quá tải mà hiện nay, cơ sở vật chất của đơn vị đã xuống cấp nghiêm trọng, điện nước không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của đơn vị và các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại cảng. Hiện BQL cũng đang đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT cấp kinh phí tu dưỡng, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng, làm thêm bến cập tàu đủ 350m để phục vụ cho tàu vào kết hợp bốc dỡ hàng hóa, làm mới khu neo đậu tránh trú bão cửa Gianh 2 để có thêm chỗ neo đậu, cập bến cho tàu cá công suất lớn trên 300CV.
Một vấn đề khiến BQL trăn trở nữa là dù đi vào hoạt động đã lâu nhưng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại âu thuyền của khu neo đậu chưa có đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường xung quanh. Hiện tại, tại âu thuyền của khu neo đậu có 3 cơ sở chế biến hải sản, trong đó có 2 cơ sở sơ chế thô thủy hải sản và 1 cơ sở chế biến thành phẩm chả cá xuất khẩu, với công suất hoạt động vài tấn nguyên liệu một ngày, tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 lao động địa phương. Tuy nhiên, do tại âu thuyền chưa có hệ thống xử lý nước thải nên các cơ sở này phải tự tìm cách xử lý nguồn nước thải ra nên không đảm bảo vệ sinh nhiễm môi trường. Năm nào các cơ quan chuyên môn về môi trường cũng đến kiểm tra, lập biên bản xử lý và yêu cầu khắc phục, nhưng đơn vị cũng “lực bất tòng tâm”, vì đầu tư hệ thống xử lý nước thải cần nguồn vốn rất lớn nên các cơ sở sản xuất cũng chỉ còn cách tự loay hoay tìm cách khắc phục nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường.
Với vai trò quan trọng trong công tác phục vụ hậu cần nghề cá của tỉnh, hi vọng các ban, ngành chức năng sớm xây dựng kế hoạch khắc phục những hạn chế đang tồn tại cũng như đầu tư, phát triển một số hạng mục quan trọng để cảng cá sông Gianh phục vụ tốt hơn công tác hậu cần nghề cá của tỉnh trong thời gian tới.


Trung Sơn
BQL Cảng cá sông Gianh

Các tin khác