Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Các địa phương chủ động phòng, chống bão Noru

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Nhằm chủ động ứng phó với bão số 4, các địa phương đang gấp rút triển khai các phương án phòng, chống bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

 * Tại huyện Minh Hóa, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự huyện đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng, chống bão Noru.

 
Người dân xã Tân Hóa buộc nắp giếng, đề phòng nước lũ tràn vào gây ô nhiễm nguồn nước.
 
Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: "Huyện đã thành lập nhiều đoàn đến kiểm tra công tác phòng, chống bão Noru và mưa lớn ở những vùng xung yếu, vùng có nguy cơ bị ngập lũ sâu, sạt lở đất; đồng thời chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị khẩn trương kiểm tra, rà soát lại số lượng nhà dân có khả năng chống chịu bão yếu, thiếu an toàn, khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất... để xây dựng kế hoạch sơ tán, di dân đến nơi an toàn. Huyện cũng yêu cầu các địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng thường xuyên bị chia cắt do mưa lũ khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ các trường học, trạm y tế... tiến hành giằng chống trụ sở làm việc, di dời trang thiết bị phục vụ công tác để tránh hư hỏng do bão, lũ; bố trí lực lượng để kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, tạm dừng lưu thông trong những trường hợp mất an toàn...".
 
Người dân trên huyện Minh Hóa kiểm tra nhà phao để sử dụng trong thời điểm bão lũ.
 
UBND huyện Minh Hóa đã cấp 6 tấn gạo cho hai xã Thượng Hóa và Trọng Hóa nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số không bị thiếu đói trong những ngày bão, lũ xảy ra. Huyện cũng đã tiến hành công tác rà soát lại các điểm sạt lở và những nơi có nguy cơ sạt lở cao để xây dựng phương án, giải pháp bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa bão năm 2022.
Toàn huyện Minh Hóa có 2.286 hộ/10.454 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ bị ngập lụt sâu; 364 hộ/1.590 khẩu có nguy cơ nằm trong vùng bị sạt lở cao; 92 hộ/367 nhân khẩu nằm trong khu vực có nguy cơ bị lũ quét, lũ ống cao. Các địa phương có số hộ nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở cao, gồm: Minh Hóa, Hồng Hóa, Hóa Sơn, Hóa Tiến, thị trấn Quy Đạt...
Hiện trên địa bàn huyện có 33 công trình thủy lợi (gồm 9 hồ chứa vừa và nhỏ, đều có tràn tự do; 24 đập dâng). Để giúp các công trình thủy lợi nâng cao khả năng phòng chống thiên tai, thời gian qua huyện Minh Hóa đã nâng cấp sửa chữa, cải tạo nhiều hạng mục, công trình thủy lợi. Tuy nhiên, hiện Minh Hóa vẫn còn 4 công trình thủy lợi chưa bảo đảm an toàn và xuống cấp (3 đập dâng nhỏ và 1 hồ chứa nước).
 
Phương tiện phục vụ cho công tác phòng, chống lụt bão được người dân chuẩn bị sẵn sàng.
 
Có mặt tại hai vùng "rốn lũ" xã Minh Hóa và Tân Hóa trong sáng 26/9/2022, chúng tôi đã ghi nhận hầu hết người dân nơi đây đã chủ động di dời đồ đạc cùng nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu, như: Gạo, thịt, cá, dầu ăn, muối, chất đốt... lên nhà phao đề phòng mưa lớn gây ngập lụt dài ngày.
Ông Trương Xuân Hóa, thôn 2 Yên Thọ, xã Tân Hóa cho hay: "Bà con trong thôn đã khẩn trương hỗ trợ nhau giằng chống lại nhà cửa, chặt tỉa cây xanh, di dời những vật dụng nặng, có giá trị lên nhà phao để tránh hư hỏng do bão lũ. Cùng với đó, hầu hết các gia đình ở đây cũng đã chủ động mua sắm lương thực, thực phẩm, xay xát lúa gạo để dự trữ thức ăn trong nhiều ngày; đồng thời tự kiểm tra lại nhà phao để khắc phục những hư hỏng, đề phòng khi lũ về...".
Ông Trần Xuân Tình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, nhằm chủ động ứng phó với bão số 4, huyện đang tích cực triển khai các phương án phòng, chống bão.
 
Người dâm xã Hải Ninh đã đưa tàu thuyền vào bờ tránh trú bão an toàn.
 
Theo đó, huyện đã chỉ đạo các địa phương, phòng ban, đơn vị trên địa bàn triển khai các phương án chủ động ứng phó với bão và mưa lớn; kiểm tra, rà soát nắm chắc số lượng nhà yếu, không an toàn, các địa điểm, khu vực có nguy cơ cao ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, số lượng người cần sơ tán (đặc biệt là những khu vực có nguy cơ sạt lở cao tại xã Trường Sơn, Trường Xuân); sẵn sàng triển khai phương án sơ tán, di dời người dân đến nơi an toàn theo từng kịch bản, cấp độ thiên tai; chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, huy động lực lượng hỗ trợ các trường học, trạm y tế... giằng chống nhà cửa, di dời trang thiết bị.
Các địa phương, đơn vị bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, đặc biệt là khu vực ngập sâu, chảy xiết; chủ động dừng các hoạt động cầu phao, đò ngang…khi có mưa lũ lớn; bố trí lực lượng canh trực, theo dõi sát sao tình hình mưa lũ để vận hành, điều tiết nước trong hồ thuỷ lợi, có phương án sơ tán dân cư vùng hạ lưu trong tình huống mất an toàn xảy ra.
Cùng với đó, huyện cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả của bão và mưa lũ sau bão. Riêng tại xã Hải Ninh, địa phương tiếp tục chủ động rà soát, kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên biển, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, triển khai công tác bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú, không để tàu thuyền hư hỏng do va chạm, cháy nổ trong khu neo đậu… Đến thời điểm hiện tại, tất cả tàu thuyền của ngư dân xã Hải Ninh (22 tàu đánh bắt xa bờ và 800 tàu thuyền đánh bắt vùng lộng) đã vào bờ tránh trú bão an toàn.
Hiện trên địa bàn huyện còn hơn 480ha thuỷ sản chưa thu hoạch. Để chủ động phòng, chống mưa bão và giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản, các địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân khẩn trương thu hoạch trước mùa mưa bão, nếu cá, tôm đạt kích cỡ thu hoạch; thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp thu hoạch kịp thời.
* Thông tin từ Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, tính đến 15 giờ 30 phút ngày 26/9, có 6.663 phương tiện tàu thuyền trong tổng số 6.689 phương tiện của tỉnh Quảng Bình đã vào nơi tránh, trú an toàn để phòng, chống bão 4.Tính đến 15 giờ 30 phút ngày 26/9, còn 26 phương tiện với 177 lao động của tỉnh Quảng Bình đang hoạt động trên các vùng biển. Các phương tiện này đã nắm được thông tin về tình hình, diễn biến, hướng đi của bão. 526 phương tiện đã vào nơi tránh, trú an toàn đang neo đậu tại các âu thuyền: Cừa Phú, Cửa Gianh và Cửa Roòn. 6.086 tàu thuyền đang ở các khu neo đậu truyền thống như sông Roòn, sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Lý Hòa và sông Dinh. 78 tàu hàng, 1 tàu Cảnh sát biển, 2 tàu Kiểm ngư, 1 tàu vỏ sắt đang neo đậu tại cảng Hòn La và 98 tàu thuyền đang neo đậu ngoại tỉnh. Tại đảo Yến và cảng La hiện còn 8 lồng, bè, số còn lại đã được kéo lên bờ an toàn.
Tại huyện Bố Trạch, đã có hơn 1.000 tàu, thuyền vào neo đậu an toàn từ ngày 25/9. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN kiêm PTDS) huyện đã có Công điện số 10/CĐ-BCH chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị… đóng trên địa bàn gấp rút triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4.Cụ thể, UBND huyện Bố Trạch chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung, như: Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lớn, kịp thời chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đồn Biên phòng Lý Hòa, Hải đội 2, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Cảng vụ Hàng hải, UBND các xã ven biển tập trung rà soát, kiểm đếm phương tiện hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền, phương tiện; hướng dẫn không đi vào vùng nguy hiểm và kêu gọi về nơi tránh trú an toàn. Các xã, thị trấn rà soát nắm chắc số lượng nhà yếu, không an toàn, các địa điểm, khu vực có nguy cơ cao ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, số lượng người cần sơ tán… sẵn sàng triển khai phương án sơ tán, di dời người dân đến nơi an toàn theo từng kịch bản, cấp độ thiên tai. Các địa phương khuyến cáo, hướng dẫn người dân tổ chức giằng chống nhà cửa, chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò, cầu phao dân sinh…
Đến ngày 25/9, toàn huyện đã kêu gọi được 1.025 chiếc tàu, thuyền, với 3.334 lao động vào neo đậu và trú ẩn an toàn. Còn 100 tàu, thuyền, với 800 lao động đang hoạt động trên biển. UBND, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS huyện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục liên lạc, kêu gọi toàn bộ tàu, thuyền đang ở vùng ảnh hưởng vào bờ trước 16 giờ ngày 26/9/2022. Hiện, các hồ chứa trên địa bàn huyện đạt dung tích khoảng 48% so với dung tích thiết kế. Về cơ bản các hồ chứa bảo đảm an toàn khi mưa bão xảy ra. Tuy nhiên, một số hồ chứa, đập dâng hư hỏng nặng thân đập bị sạt lở phía thượng lưu, hạ lưu, cống lấy nước hư hỏng nặng, như: Hồ Bộ Đội, hồ Cỏ Đắng (xã Phú Định); hồ Khe Lùng (xã Xuân Trạch); đập Khe Vàng (xã Lâm Trạch)… huyện đã chỉ đạo chủ đầu tư, đơn vị thi công và địa phương xây dựng phương án bảo đảm an toàn trong mùa mưa, bão...
                                                                                      BBT Bản tin (TH)

Các tin khác