Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Chủ động phòng trừ sâu bệnhhại cây trồng vụ Đông xuân 2022-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Hiện tại nông dân các địa phương trong tỉnh đang xuống giống cây trồng vụ Đông xuân 2022 -2023.

Theo kế hoạch, diện tích gieo trồng lúa vụ Đông xuân là 29.500 ha, rau 6.200 ha, sắn 6.500 ha, lạc 4300 ha, ngô 4.000 ha, khoai 3.800 ha. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng hơn 20.000 ha lúa, rau 2.500 ha, ngô 2.000 ha, khoai lang 1.000 ha... Dự kiến khoảng 10/2 sẽ hoàn thành gieo cấy.

Theo kết quả điều tra của các địa phương, sâu bệnh đã phát sinh gây hại trên các loại cây trồng, như chuột, ốc bươu vàng hại lúa, sâu ăn lá hại rau, sâu ăn lá ngô... Dự báo trong thời gian tới, trên các loại cây trồng các đối tượng sâu bệnh gia tăng gây hại trên diện rộng, làm ảnh hưởng đến năng suất chất lượng nếu bà con nông dân không thực hiện các biện pháp phòng trừ.

Để chủ động phòng trừ dịch hại trên các loại cây trồng, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng. Ngay từ đầu vụ sản xuất, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã xây dựng phương án hướng dẫn các địa phương biện pháp phòng trừ cho từng đối tượng trên từng cây trồng cụ thể để nông dân chủ động phòng trừ. Thường xuyên phối hợp với các địa phương điều tra, dự tính, dự báo tình hình, mức độ gây hại của dịch bệnh, từ đó đề ra các biện pháp kỹ thuật và hướng dẫn bà con nông dân chủ động thực hiện có hiệu quả.

Đối với cây lúa, cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh ta, trong vụ Đông xuân thời tiết thuận lợi cho sâu bệnh gây hại, đặc biệt như bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông... Để phòng trừ bệnh, cần thường xuyên theo dõi sự phát sinh của bệnh đồng thời theo dõi tình hình thời tiết để dự báo chính xác, phát hiện sớm, triển khai phòng trừ ngay khi bệnh mới xuất hiện. Khi ruộng đã bị nhiễm bệnh, cần giữ nước trong ruộng từ 1-3cm, ngừng ngay việc sử dụng phân đạm, kali, các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá để bón hoặc phun cho ruộng đang bị nhiễm bệnh. Sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất Tryciclazole, Isoprothilane… để phòng trừ. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, cần phun thuốc phòng bệnh ở các chân ruộng đã bị đạo ôn lá, các giống nhiễm đạo ôn, đặc biệt vào giai đoạn lúa trổ gặp ẩm độ cao, thời tiết âm u, có mưa.

Đối tượng cũng thường phát sinh gây hại nặng trên lúa là rầy nâu, rầy lưng trắng. Trong vụ, các lứa rầy gối nhau tạo nên sự tích lũy về mật độ và dễ dàng bùng phát thành dịch ở lứa thứ 3 vào lúc lúa ở giai đoạn đòng già đến trổ - chín; do đó công tác điều tra phát hiện cần triển khai sớm sau khi gieo 3-5 ngày. Cần nắm chắc thời điểm phát sinh từng lứa rầy để thông báo, hướng dẫn phòng trừ khi rầy tuổi còn nhỏ, mật độ thấp. Đặc biệt điều tra phát hiện và phòng trừ kịp thời rầy lứa 2, khống chế bùng phát rầy lứa 3 vào giai đoạn lúa trổ-chín, hạn chế sử dụng thuốc có phổ tác động rộng để bảo vệ thiên địch.

Đối với bệnh khô vằn thường phát sinh gây hại trên các chân ruộng bón thừa đạm, mật độ dày, ngập nước thường xuyên. thời gian gây hại dài, tỷ lệ và cấp bệnh tăng nhanh ở cuối vụ. Bệnh thường hại nặng vào giai đoạn lúa kết thúc đẻ nhánh đến chín, đặc biệt bệnh phát triển và lây lan nhanh trong điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ, vì vậy cần chú ý theo dõi để chủ động phòng trừ kịp thời.

Theo ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật dự báo thời gian tới, chuột, bệnh đạo ôn, rầy, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn... sẽ phát sinh gây hại lúa trên diện rộng. Bệnh vàng lá chết chậm gây hại cục bộ trên các vườn tiêu. Sâu xám, sâu đục nõn, sâu keo mùa thu hại ngô, sâu ăn lá hại rau có chiều hướng gia tăng tại một số địa phương. Để bảo vệ các loại cây trồng vụ Đông xuân, Chi cục TT-BVTVđề nghị các địa phương chỉ đạo nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Để hạn chế sâu bệnh hại, bà con nông dân cần phải thực hiện tốt các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM, thường xuyên chăm sóc, bón phân đúng kỹ thuật, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng để cây khoẻ, chống chịu sâu bệnh. Trong trường hợp dịch hại đến ngưỡng phòng trừ, lựa chọn sử dụng các loại thuốc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng nồng độ và đúng cách) để đạt hiệu quả cao.

Với sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của các cấp, các ngành, sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương và sự tích cực của bà con nông dân, hy vọng vụ Đông xuân 2022-2023 cây trồng sẽ phát triển tốt, đạt năng suất, sản lượng cao.

                                                                             Đặng Thảo

                                                                   Chi cục Trồng trọt và BVTV

Các tin khác