Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

Xem với cỡ chữ : A- A A+

          Trong những năm trở lại đây, tình trạng biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của con người cũng như nền nông nghiệp ở các địa phương, cụ thể với những biểu hiện như mực nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài, bão lũ xảy ra không theo quy luật… Để góp phần giải quyết bài toán đất hoang hoá, nhiễm mặn, kém hiệu quả tại các địa phương, ngành nông nghiệp Quảng Bình đã đưa vào thử nghiệm nhiều giống cây ăn quả thích ứng với thổ nhưỡng và khí hậu của từng vùng. Những tín hiệu ban đầu khi triển khai các mô hình mới đã mở ra kỳ vọng mang lại thu nhập bền vững cho người nông dân.

          Trước đây, trên diện tích đất hơn 1ha của gia đình chị Trần Thị Thương ở thôn La Hà Nam, xã Quảng Văn chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày như khoai, rau màu nhưng hiệu quả mang lại không là bao, chỉ lấy công làm lãi. Qua nhiều lần chuyển đổi, nhưng vì đất bị chua phèn, nhiễm mặn nên khó có cây trồng nào có thể mang lại hiệu quả. Năm 2020, được sự tư vấn và hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, gia đình chị Thương đã đưa vào trồng 200 cây dừa xiêm lùn trên diện tích 0,5 ha. Đây là hộ đầu tiên trồng thử nghiệm cây dừa xiêm trên đất nhiễm mặn tại xã Quảng Văn. Quá trình thực hiện mô hình, gia đình được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư hỗ trợ 50% giống và phân bón, cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật. Mặc dù mới là năm thứ 3 nhưng cây dừa đã cho quả bói. Dự kiến sang năm thứ 4 sẽ cho thu hoạch.

          Cũng như hộ gia đình chị Thương, gia đình anh Phạm Hồng Thanh ở thôn La Hà Tây, xã Quảng Văn cũng đã đầu tư trồng 400 cây dừa xiêm lùn xen ghép nuôi tôm, cua trên diện tích 1,7 ha đất hoang hóa. Đến nay, vườn dừa của gia đình anh đã được 2 năm tuổi. Việc trồng dừa xiêm xung quanh ao nuôi tôm, cua quảng canh vừa tận dụng được nguồn nước tưới cho cây, vừa không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của thủy sản.

          Chỉ trong thời gian 3 năm trở lại đây, từ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, đã có 7 hộ gia đình trên địa bàn xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn chuyển đổi đất nhiễm mặn, chua phèn sang trồng dừa xiêm lùn với diện tích 4,8 ha. Quá trình trồng cho thấy, trồng dừa không tốn nhiều công chăm sóc, đặc biệt trên đất nhiễm mặn thì cây dừa xiêm thể hiện được ưu thế thích nghi rất lớn. Từ khi trồng đến năm thứ 4 trở đi, dừa bắt đầu cho thu hoạch, với giá bình quân khoảng 20 ngàn đồng/quả thì mỗi gốc dừa có thể cho thu nhập từ năm trăm đến vài triệu đồng/năm. Năm 2023, xã Quảng Văn dự định trồng thêm 3ha dừa xiêm để vừa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vừa giải quyết vấn đề đất nhiễm mặn, kém hiệu quả tại địa phương. Ngoài kỳ vọng giải quyết được vấn đề đất bỏ hoang, chính quyền địa phương hướng tới mục tiêu xây dựng khu du lịch sinh thái tại địa phương từ các mô hình trồng dừa.

          Một trong những cách ứng phó với những thất thường của thời tiết, đó là đưa những giống cây trồng phù hợp, có tính thích ứng cao vào sản xuất, từ đó bảo đảm được năng suất và giá trị mang lại. Trên những diện tích cao su bị gãy đổ do bão từ năm 2015, nhiều hộ dân vẫn đắn đo không biết trồng cây gì vừa có thu nhập ổn định lâu dài, vừa có khả năng chống chọi với khí hậu bão lũ triền miên. Qua quá trình nghiên cứu, từ năm 2020 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình đã giao các đơn vị hỗ trợ mô hình trồng mít ruột đỏ ở một số vùng gò đồi trên địa bàn tỉnh.

          Là một trong những hộ dân được Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh hỗ trợ trồng mít ruột đỏ, ông Nguyễn Văn Diệm ở tổ dân phố Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch đã chuyển đổi 3 ha trồng cây cao su kém hiệu quả sang trồng 1.200 cây mít ruột đỏ. Nhờ đầu tư bài bản, chăm sóc tốt, đến nay, vườn mít ruột đỏ của gia đình ông Diệm đã cho lứa quả bói đầu tiên. Dự kiến từ tháng 5 đến tháng 7 sẽ cho thu hoạch với năng suất ước đạt 2.000 quả. Để từng bước tạo thương hiệu mít ruột đỏ Quảng Bình và xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã hướng dẫn gia đình ông Diệm chăm sóc thâm canh mít theo hướng hữu cơ, đồng thời hỗ trợ đăng ký tem truy xuất nguồn gốc, mã quét QR trên sản phẩm.

          Mít ruột đỏ có nguồn gốc từ Malaysia và Indonesia, được du nhập vào Việt Nam vài năm gần đây. Đây là cây ăn quả dễ trồng, kháng bệnh tốt, năng suất cao, sinh trưởng trong điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng khá tương đồng với Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng. Quả thu hoạch có trọng lượng trung bình 6-9kg. Mít sau khi hái được bán tại các cửa hàng nông sản sạch với giá thành 30.000-35.000đ/kg, cao hơn các loại mít khác từ 10.000-15.000đ/kg. Đặc biệt, thời điểm thu hoạch thường trước mùa mưa bão nên năng suất và hiệu quả mang lại tương đối ổn định. Vì là cây trồng cho quả từ gốc nên sau khi tỉa cành, cắt tán vẫn không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của quả.

          Từ năm 2020 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện hỗ trợ một phần cây giống, phân bón, hệ thống tưới tiêu để trồng mít ruột đỏ với diện tích 15 ha tại các địa bàn huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Thông qua việc nhân rộng mô hình mít ruột đỏ nhằm giúp người nông dân cải thiện thu nhập, nâng cao hiệu quả sử dụng đất vùng gò đồi, thích ứng với biến đổi khí hậu

          Đưa những cây trồng mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, đó là cách giúp người nông dân gắn bó và làm giàu một cách bền vững trên đồng đất của mình. Bên cạnh việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, phương pháp canh tác thân thiện với môi trường, thì vấn đề chuỗi liên kết, hay nói cách khác là đầu ra sản phẩm phải được các địa phương và đơn vị tính đến khi nhân rộng thành vùng trồng tập trung.

 

 

Gia đình ông Nguyễn Văn Diệm ở TT NT Việt Trung chuyển đỏi diện tích cao su kém  hiệu quả sang trồng mít ruột đỏ để phát triển kinh tế

                                                                                                          Thùy Trang

Các tin khác