Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp: Cần tăng cường công tác quản lý chất lượng

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Thời gian qua, công tác trồng rừng ở tỉnh ta ngày càng được chú trọng, nhờ vậy độ che phủ rừng đã tăng từ 63,6% (năm 2005) lên 67,6% (năm 2014). Trong đó, công tác sản xuất giống cây lâm nghiệp đã có nhiều đóng góp đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay việc sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp vẫn còn một số bất cập, do đó để bảo đảm được nguồn giống cây lâm nghiệp có chất lượng thì công tác quản lý cần phải được tăng cường. 

 Khó khăn trong quản lý

Kể từ khi Pháp lệnh Giống cây trồng và Quy chế quản lý giống được ban hành đã tạo ra hành lang pháp lý để thực hiện trong lĩnh vực này. Đây là thuận lợi cơ bản giúp các cấp, ngành hữu quan trong tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp hoạt động theo đúng quỹ đạo. Tuy có được những thuận lợi như vậy, nhưng công tác quản lý giống cây trồng ở tỉnh ta hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh (Sở NN&PTNT), khó khăn đầu tiên đó là lực lượng đội ngũ quản lý còn mỏng. Vai trò, trách nhiệm của cấp huyện chưa quy định rõ trong Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; năng lực cơ quan chuyên môn cấp huyện vừa thiếu vừa yếu. Vì vậy, việc hướng dẫn, chỉ đạo phòng chức năng cấp huyện thực hiện kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, một số đơn vị sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh cũng chưa chủ động, tích cực trong công tác xây dựng nguồn giống cây lâm nghiệp. Sự xuất hiện nhiều hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất kinh doanh giống nhưng không thực hiện việc quản lý, giám sát theo chuỗi hành trình quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

Ảnh 2 : Giống cây lâm nghiệp của BQL Rừng phòng hộ Đồng Hới được sản xuất đúng quy trình, bảo đảm chất lượng.
Giống cây lâm nghiệp của BQL Rừng phòng hộ Đồng Hới được sản xuất đúng quy trình, bảo đảm chất lượng.

Đặc biệt, nhiều cơ sở sản xuất cây con từ hom nhưng không có vườn để hái hom mà sử dụng nguồn hom xô bồ mua trôi nổi trên thị trường như trên địa bàn huyện Quảng Trạch (tập trung tại các xã Quảng Liên, Quảng Trường),  đã tạo ra sự lộn xộn về giá và chất lượng giống trên thị trường. Ước tính hiện nay toàn tỉnh có trên 100 cơ sở, cá nhân sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp không thực hiện việc quản lý, gây ra rất nhiều trở ngại và phức tạp trong công tác quản lý và sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Anh Nguyễn Văn Huỳnh, phụ trách vườn ươm BQL Rừng phòng hộ Đồng Hới cho biết: “Đối với những vườn ươm có sự giám sát, quản lý như đơn vị chúng tôi thì chất lượng cây giống rất bảo đảm bởi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được qua thẩm định, do đó tỷ lệ sống của cây đạt trên 90%. Tuy nhiên, đối với những giống cây được sản xuất ở các hộ gia đình thường gieo ươm cây giống lâm nghiệp bằng nguồn vật liệu (hạt, hom,...) xô bồ, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng nên tỷ lệ sống của cây thấp”.

Phương hướng giải quyết

Để nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, việc quản lý, nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp được coi là biện pháp quan trọng nhất nhằm tăng năng suất và hiệu quả rừng trồng, là tiền đề cho sự thành công hay thất bại đối với kinh doanh rừng trồng.

Thực hiện Chỉ thị số 936/CT-BNN-TCLN ngày 18-3-2014 của Bộ NN&PTNT, ngày 31-3-2014, UBND tỉnh có Công văn số 364/UBND-KTN để quán triệt chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp. Sở NN&PTNT đã có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện tốt quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, góp phần thực hiện tốt Kế hoạch tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp cho biết: “Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, kiểm soát chặt chẽ nguồn giống cây trồng lâm nghiệp đưa vào trồng rừng, trước hết phải tuyên truyền, quản lý tốt các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn của từng huyện, thị xã, thành phố”.

Cụ thể, đòi hỏi các địa phương, đơn vị quyết tâm thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu mà tỉnh đề ra như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng, giống có chất lượng để nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng; khuyến khích sử dụng cây giống vô tính chất lượng cao (mô, hom) và áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh trong trồng rừng sản xuất. Hướng dẫn cho những cơ sở, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp phải bảo đảm các điều kiện theo quy định.

Trong sản xuất kinh doanh giống phải tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng như: sử dụng vật liệu giống đưa vào gieo ươm phải có nguồn gốc, lý lịch rõ ràng; cây giống trước khi xuất vườn, chủ vườn ươm phải thông báo kết quả sản xuất đến Chi cục Lâm nghiệp tỉnh để xin cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống của lô cây con.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn; chú trọng kiểm tra tại các vườn ươm của hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ; kiểm soát chặt việc vận chuyển, lưu thông giống trên thị trường. Kiên quyết ngăn chặn, tiêu hủy những lô giống, vườn cung cấp hom khi phát hiện không rõ nguồn gốc.

Thực hiện xử lý vi phạm nếu phát hiện các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân vi phạm về điều kiện sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp chính; sản xuất hạt giống không đúng theo quy trình đã quy định; sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp chính không sử dụng vật liệu nhân giống từ nguồn giống đã được công nhận theo quy định tại Nghị định số 114/2013/NĐ-CP ngày 3-10-2013 của Chính phủ.

Thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tăng cường thực hiện nghiêm khắc hơn nữa việc quản lý giống cây trồng lâm nghiệp nhằm bảo đảm giống đưa vào trồng rừng có chất lượng tốt, được kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng mục tiêu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

Nguồn: Website Báo Quảng Bình

Các tin khác