Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Đẩy mạnh công tác quản lý sản xuất, kinh doanh và lưu thông giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Trong công tác trồng rừng, giống có vai trò rất quan trọng, giống tốt là tiền đề phát huy kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, là biện pháp mũi nhọn làm tăng sản lượng, chất lượng và hiệu quả trồng rừng, nhất là đối với rừng sản xuất.

 Trong những năm gần đây, công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có những chuyển biến tích cực, sản xuất giống tràn lan, thiếu kiểm soát đã dần được khắc phục; giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ từng bước được hạn chế. Một số loại giống mới có năng suất và chất lượng cao đã được đưa vào sản xuất.
Tuy nhiên, việc sử dụng giống tốt có nguồn gốc hợp pháp chỉ mới bắt đầu chuyển biến đang còn ở mức thấp, công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn còn nhiều khó khăn, nhìn chung chỉ quản lý được giống sử dụng cho các chương trình, dự án trồng rừng bằng nguồn vốn ngân sách hoặc được hỗ trợ từ ngân sách, giống sử dụng cho trồng rừng bằng vốn tự có vẫn chưa được kiểm soát.
Nhận thức tầm quan trọng của việc sử dụng giống tốt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng, là giải pháp quan trọng trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiện toàn ban hành Phương án số 2087/SNN-KL ngày 16/11/2016 Quản lý sản xuất, kinh doanh và lưu thông giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Trong đó:
- Mục tiêu cụ thể đặt ra là "Quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp có chất lượng trên địa bàn tỉnh; loại bỏ, tiêu hủy và hạn chế đến mức thấp nhất việc sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp có nguồn gốc không hợp pháp, kém chất lượng".
- Một số nội dung cơ bản:
+ Quản lý sản xuất cây con ở vườn ươm: Trước khi gieo ươm, chủ vườn ươm phải thông báo bằng văn bản cho Hạt Kiểm lâm sở tại về lý lịch nguồn giống để được kiểm tra và lập biên bản xác nhận nguồn gốc làm cơ sở để Chi cục Kiểm lâm cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống của lô cây con khi xuất vườn. Quá trình sản xuất giống, chủ vườn ươm phải lập sổ nhật ký ghi chép, theo dõi quá trình sản xuất, gieo ươm cho từng lô giống và lưu giữ các tài liệu liên quan để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống của lô cây con. Để thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống của lô cây con, chủ vườn ươm phải đảo bầu phân loại, thống kê cây đạt tiêu chuẩn và lập hồ sơ gồm: Thông báo kết quả sản xuất cây con ở vườn ươm; nhật ký theo dõi quá trình gieo ươm; biên bản kiểm tra xác nhận nguồn gốc giống của Hạt Kiểm lâm sở tại.
+ Quản lý lưu thông, tiêu thụ giống cây trồng lâm nghiệp: Khi xuất bán hoặc lưu thông cây giống, chủ vườn ươm có trách nhiệm lập phiếu xuất kho và hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính, đồng thời photo kèm các giấy xác nhận, lý lịch nguồn giống để kiểm tra, kiểm soát theo đúng quy định pháp luật. Khi mua giống ở các cơ sở sản xuất giống cũng phải yêu cầu chủ vườn ươm cung cấp đầy đủ các tài liệu nêu trên để kiểm tra, chứng minh là nguồn giống hợp pháp. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các loại giống cây trồng lâm nghiệp kém chất lượng, giống ngoài Danh mục được phép sản xuất kinh doanh, giống không rõ nguồn gốc xuất xứ và giống chưa được công nhận.
+ Quản lý sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp cho trồng rừng: Giống cây trồng lâm nghiệp thuộc danh mục giống cây trồng lâm nghiệp chính được sử dụng cho các chương trình, dự án trồng rừng bằng các nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn do nước ngoài viện trợ hoặc vốn vay ưu đãi của Nhà nước phải là giống có nguồn gốc hợp pháp, có giấy chứng nhận nguồn giốc giống của lô cây con. Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phải sử dụng giống có kiểm soát, có lý lịch hợp pháp để trồng rừng bằng nguồn vốn tự có, vốn đóng góp từ các tổ chức phi chính phủ khác.
+ Công tác thanh tra, kiểm soát theo định kỳ hoặc đột xuất việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp chính của các cơ sở trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:
(1) Đối với kiểm tra cây con sản xuất ở vườn ươm: Kiểm tra nguồn gốc vật liệu giống đưa vào gieo ươm (sổ nhật ký vườn ươm, giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống và biên bản xác nhận của Chi cục Kiểm lâm về xác nhận lô giống trước khi gieo ươm). Đối với nguồn vật liệu giống vô tính thì phải có vườn cung cấp hom đã được cấp chứng chỉ công nhận theo quy định hoặc nếu mua từ các cơ sở khác thì phải có đầy đủ tài liệu chứng minh nguồn gốc. Nếu chủ vườn ươm không chứng minh được nguồn gốc vật liệu giống được sử dụng để gieo ươm thì yêu cầu tiêu hủy và xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
(2) Đối với cơ sở kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp chính và lưu thông, tiêu thụ: Kiểm tra giấy phép kinh doanh lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp, giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống hoặc giấy chứng nhận nguồn gốc giống của lô cây con (đối với lô cây con), phiếu xuất kho, hóa đơn bán hàng. Nếu chủ lô giống (hoặc chủ lô cây con) không chứng minh được nguồn gốc thì tịch thu, tiêu hủy và xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Cây trồng lâm nghiệp là loài cây có chu kỳ kinh doanh dài, ít nhất từ 5 đến 6 năm và có thể kéo dài đến vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm, chưa kể đến nguy cơ do bão, lụt, hạn hán và các yếu tố cực đoạn khác của thời tiết. Nếu không chú trọng đầu tư ngay từ khâu chọn giống, cây giống đưa vào trồng rừng kém chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng thì năng suất và hiệu quả kinh tế từ kinh doanh rừng thấp, lãng phí tiền đầu tư và tiềm năng đất đai trong thời gian dài; người đầu tư kinh doanh rừng sẽ bị thiệt hại lớn về kinh tế. Vì vậy, có thể nói tầm quan trọng việc sử dụng giống tốt cho trồng rừng là mối quan tâm hàng đầu trong kinh doanh rừng; đòi hỏi công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp phải thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ từ các cơ quan chức năng cấp tỉnh đến địa phương, cơ sở nhằm góp phần đáp ứng mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020 trong lĩnh vực lâm nghiệp.


Phạm Xuân Thành
(Chi cục Kiểm lâm)

Các tin khác