Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Tập huấn kĩ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Từ nguồn kinh phí Dự án Khuyến nông Trung ương, Trung tâm Khuyến nông –Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa tổ chức tập huấn đào tạo ngoài mô hình về kỹ thuật trồng thâm canh rừng gỗ lớn cho 40 học viên huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án ‘‘Xây dựng và phát triển mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn từ cây keo lai mô và keo tai tượng tại một số tỉnh miền Trung’’ do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị chủ trì dự án.

 Theo đó, trong các ngày từ 26-28/6/2020, 40 học viên là cán bộ khuyến nông viên cơ sở và nông dân chủ chốt có diện tích rừng sản xuất lớn tại các xã thuộc 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa (các địa phương có diện tích trồng rừng sản xuất lớn trên địa bàn) đã được giới thiệu về các điều kiện cần và đủ để trồng rừng gỗ lớn cũng như chuyển giao đồng bộ các biện pháp kỹ thuật lâm sinh trong trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng các giống keo mới. Các học viên cũng được hướng dẫn kỹ thuật về chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ có chu kỳ ngắn từ 4 -6 năm sang rừng trồng gỗ lớn với chu kỳ dài trên 12 năm. Đối với việc chuyển hóa này, cần lưu ý đến việc xác định điều kiện lập địa, thời vụ trồng, chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng, tỉa thưa, quản lý rừng, phòng chống sâu bệnh hại rừng và bảo vệ phòng chống cháy rừng…

Các học viên tham quan thực tế mô hình rừng gỗ lớn trồng mới tại huyện Minh Hóa

Các học viên cũng đã được đi tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tế từ các mô hình trồng rừng gỗ lớn của một số hộ dân tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Đó là các mô hình trồng giống mới keo lai mô trên 2 năm tuổi và keo tai tượng Úc (xuất xứ: Pongakii) có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện tại, những dòng keo lai mới được đánh giá là có thể chống chịu tốt với điều kiện gió bão do có bộ rễ cọc ăn sâu; năng suất vượt trội hơn so với các dòng keo lai và keo tai tượng hiện đang được trồng tại địa phương.
Thông qua đợt tập huấn, tham quan các học viên đã nhận thức được tầm quan trọng của việc trồng rừng thâm canh gỗ lớn, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Việc nâng chu kỳ sản xuất rừng trồng đạt từ 12 năm trở lên sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng rừng gỗ nhỏ làm nguyên liệu dăm giấy. Việc trồng rừng gỗ lớn cũng góp phần nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, làm giảm xói mòn, rửa trôi đất, phòng chống lũ lụt, hạn hán…
Theo kế hoạch Dự án, mô hình trồng rừng gỗ lớn triển khai tại tỉnh Quảng Bình được thực hiện từ năm 2019-2021, với 60 hộ tham gia, diện tích rừng trồng thực hiện 90ha (60ha keo lai mô và 30ha keo tai tượng). Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình, đến nay địa phương đã thực hiện được 60ha rừng trồng gỗ lớn; đồng thời tiếp tục theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển của từng giống để nhân rộng mô hình trồng rừng gỗ lớn trong thời gian tới.
                                                                                      Ngọc Lan

 

Các tin khác