Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Đảm bảo công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Trong những năm qua, với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều chính sách ưu đãi, kêu gọi, xúc tiến các dự án đầu tư trên nhiều lĩnh vực như hạ tầng, thương mại, dịch vụ, du lịch,… Trong đó, nhiều dự án đầu tư trên diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, do vậy, việc thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm duy trì sự ổn định diện tích rừng, đảm bảo phát triển bền vững và ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

  Với diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp trên 615.530 ha, chiếm 76,9 % diện tích đất tự nhiên, Quảng Bình là một trong số những tỉnh có tỉ lệ che phủ rừng cao, đứng thứ 2 toàn quốc. Đây vừa là lợi thế, tiềm năng vừa là điều kiện để cho Quảng Bình phát triển bền vững. Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì diện tích đất đã quy hoạch cho lâm nghiệp cũng là không gian để xác lập quỹ đất xây dựng các dự án trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, song song với việc quản lý chặt chẽ và thực hiện tuân thủ các quy định của pháp luật về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thì việc triển khai đảm bảo khối lượng, chất lượng trồng rừng thay thế là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng.
Riêng năm 2021, toàn tỉnh đã có 24 dự án đầu tư thực hiện việc nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng với số tiền trên 20 tỷ đồng. Để thực hiện công tác trồng rừng thay thế đảm bảo trồng đủ diện tích được chuyển đổi, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị, rà soát quỹ đất để đăng ký kế hoạch trồng rừng thay thế năm 2021. Trên cơ sở, kết quả rà soát, đăng ký của các địa phương, đơn vị, UBND tỉnh đã giao kế hoạch trồng rừng thay thế trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng với diện tích 408 ha và hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn với diện tích 278,6 ha. Kinh phí thực hiện gần 34 tỷ đồng (bao gồm kinh phí trồng rừng thay thế năm 2020 chuyển sang thực hiện năm 2021).
Triển khai thực hiện kế hoạch nói trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các địa phương, cơ quan, đơn vị và nhân dân hiểu đúng, ủng hộ chủ trương trồng rừng thay thế. Đặc biệt, chú trọng đảm bảo hài hòa giữa trồng rừng thay thế và thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp theo hướng bền vững và nâng cao giá trị thông qua việc hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện đảm bảo các quy định và phù hợp thực tế từ khâu khảo sát, thiết kế, lập hồ sơ thiết kế và dự toán; chuẩn bị các điều kiện về hiện trường, vật tư (cây giống) để trồng rừng thay thế. Trong đó, đối với trồng rừng phòng hộ, đặc dụng phải được trồng bằng các loài cây bản địa, có giá trị kinh tế cao, đảm bảo chức năng phòng hộ, phù hợp với điều kiện lập địa của từng vùng như Lim xanh, Giổi ăn hạt, Huê mộc, Lát hoa…; đối với trồng rừng gỗ lớn phải được sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao như keo lai nuôi cấy mô.
Đến nay, các địa phương, đơn vị được giao kế hoạch trồng rừng thay thế đã được UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ thiết kế và dự toán; chuẩn bị được trên 355.000 cây giống bản địa các loại như Lim xanh, Giổi ăn hạt, Huê, Lát hoa... và trên 500.000 cây giống Keo lai nuôi cấy mô phục vụ trồng rừng; đã cơ bản hoàn thành việc xử lý thực bì, đào hố... trong thời gian tới, khi thời tiết thuận lợi sẽ triển khai trồng rừng đảm bảo đạt 100% kế hoạch giao.
Song song với việc triển khai kế hoạch trồng rừng thay thế đảm bảo hoàn thành kế hoạch, các địa phương, đơn vị đang tập trung rà soát quỹ đất lâm nghiệp hiện có để đăng ký kế hoạch trồng rừng thay thế năm 2022 nhằm mục tiêu tận dụng quỹ đất lâm nghiệp để phát triển rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Đạt mục tiêu duy trì ổn định độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 68% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Lim xanh trồng tại Khu DTTN Đông Châu – Khe Nước Trong


Phan Thanh Lộc
Chi cục Kiểm lâm

Các tin khác