Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Chất cấm trong chăn nuôi và sự nguy hiểm đối với sức khỏe con người

Xem với cỡ chữ : A- A A+

          Chất cấm trong chăn nuôi là toàn bộ các kháng sinh, chất hóa học dùng trong chăn nuôi gián tiếp gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và được luật pháp nghiêm cấm sử dụng, buôn bán, sản xuất.

          Loại chất cấm trong chăn nuôi được sử dụng nhiều nhất hiện nay vẫn là các chất hormone kích thích tăng trọng hay còn gọi là “chất tạo nạc” và chất tạo màu Auramine (Vàng-O) dùng để tạo màu cho thức ăn chăn nuôi, hoặc pha thành dung dịch ngâm gia cầm nhằm tạo màu vàng cho da, chân (hoặc cho lòng đỏ trứng) gà.

          “Chất tạo nạc” là một hợp chất hóa học tổng hợp phenethanolamine thuộc họ chất chủ vận β- agonist được xếp vào loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới.

          Họ β-agonist gồm 2 nhóm:

          Nhóm β1-agonist gồm các chất có tác dụng kích thích tim, được dùng để điều trị sốc tim, suy tim cấp tính như Dobutamine, Isoproterenol, Xamoterol, Epinephrine….

          Nhóm β2-agonist gồm các chất làm giãn cơ, được dùng để điều trị hen suyễn, bệnh phổi mãn tính như Salbutamol (Albuterol), Clenbuterol, Ractopamine, Epinephrine (thúc chín tố), Fenoterol, Formoterol, Isoproterenol (β1 và β2), Metaproterenol, Salmeterol, Terbutaline, Isoetarine, Pirbuterol, Procaterol, Ritodrine, Epinephrine.

          Quy định về chất cấm trong chăn nuôi

          Do các tác hại của hormone trong thực phẩm nên Ủy ban châu Âu đã cấm sử dụng các hóc môn sinh trưởng kể từ ngày 24/5/2000 và cấm tuyệt đối việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi như là chất kích thích sinh trưởng từ ngày 01/01/2006.

          Tại Việt Nam, Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/01/2020 thay thế Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam; Thông tư số 42/2015/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục bổ sung hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại việt Nam; Thông tư số 01/2017/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại việt Nam; Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT ngày 11 tháng 02 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại việt Nam;

          Theo đó quy định Danh mục hóa chất, sản phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi. Gồm có 25 loại chất cấm không được sử dụng trong chăn nuôi: Cụ thể tên các hóa chất, sản phẩm sinh học, vi sinh vật -  Carbuterol, Cimaterol, Clenbuterol, Chloramphenicol, Diethylstilbestrol (DES), Dimetridazole, Fenoterol, Furazolidon và các dẫn xuất nhóm Nitrofuran, Isoxuprin, Methyl-testosterone, Metronidazole, 19 Nor-testosterone, Salbutamol, Terbutaline, Stilbenes, Melamine (Với hàm lượng Melamine trong thức ăn chăn nuôi lớn hơn 2,5 mg/kg), Bacitracin Zn, Carbadox, Olaquindox, Vat Yellow 1 (tên gọi khác: flavanthrone, flavanthrene, sandothrene), Vat Yellow 2 (tên gọi khác: Indanthrene), Vat Yellow 3 (tên gọi khác: Mikethrene), Vat Yellow 4 (tên gọi khác: Dibenzochrysenedione, Dibenzpyrenequinone), Auramine (tên gọi khác: yellow pyoctanine; glauramine) và các dẫn xuất của Auramine, Cysteamine.

          Sự nguy hiểm của chất cấm còn tồn dư đối với sức khỏe con người

          - Các chất β2-agonist nếu sử dụng trái phép trên động vật, các chất này tích lũy trong cơ thể động vật và tồn dư lại trong sản phẩm được con người sử dụng. Việc sử dụng thường xuyên các sản phẩm thực phẩm có tồn dư các chất tăng trưởng sẽ gây tác hại lớn cho người sử dụng. Các triệu chứng ngộ độc có hai loại: ngộ độc cấp tính và ngộ độc mãn tính.

          Ngộ độc cấp tính xảy ra khi người sử dụng sản phẩm có chứa hàm lượng cao các β2-agonist, với triệu chứng rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ, tăng huyết áp, nguy cơ sảy thai…

          Ngộ độc mãn tính xảy ra khi người sử dụng tiêu thụ sản phẩm chứa các hóa chất tăng trưởng trong thời gian dài, có thể dẫn đến rối loạn hệ thống hóc môn của cơ thể, gây nhiễm độc gan, gây đột biến và có thể gây ung thư.

          - Auramine O (vàng Ô): Ngộ độc cấp thường xảy ra với người tiếp xúc trực tiếp với chất Vàng-O (trên da gây dị ứng, ngứa…; trên đường hô hấp gây kích ứng dữ dội đường hô hấp sẽ gây sặc, lên cơn viêm phế quản, viêm phổi…; trên hệ tiêu hóa gây đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, trụy tim mạch…).

          Ngộ độc mãn tính: theo kết quả nghiên cứu trên động vật của Parodi (1982) cho thấy Vàng-O (Auramine) gây ung thư cho chuột cống và chuột nhắt. Nhiều thí nghiệm cho thấy Vàng-O làm tổn thương axít nhân DNA của nhiều dòng tế bào, đặc biệt là tế bào gan, thận và tủy xương.

          Để quản lý tốt việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang triển khai thực hiện kiểm tra việc buôn bán chất cấm, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; xác định nhóm β2-agonist, test (kiểm tra) nhanh nước tiểu của động vật nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp sử dụng trái phép chất cấm Salbutamol...

                                                                                                An Phương

                                                                                               Chi cục CN-TY

Các tin khác