Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ, phát triển rừng, góp phần thực hiện hiệu quả Dự án REDD+

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Chiều ngày 12/10/2017, Ban Chỉ đạo thực hiện sáng kiến REDD+ tỉnh đã tổ chức họp để đánh giá kết quả thực hiện Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện sáng kiến giảm thải thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon của rừng ở Việt Nam (Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam) giai đoạn 2014-2016, triển khai kế hoạch giai đoạn 2017-2020. Đồng chí Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện sáng kiến REDD+ tỉnh chủ trì buổi họp.

 

Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 1 được triển khai thí điểm tại 03 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Đắk Nông trong 04 năm từ 2013-2016 với tổng kinh phí 4,432 triệu USD, trong đó Ngân hàng Thế giới tài trợ 3,8 triệu USD. Tại Quảng Bình, Dự án đã tổ chức 19 khóa tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và sáng kiến REDD+ cho cán bộ các cấp, chủ rừng và cộng đồng vùng thí điểm thực hiện REDD+; thực hiện 08 cuộc tuyên truyền quản lý bảo vệ rừng và REDD+ địa phương; 06 cuộc tuyên truyền trong trường học và 10 đợt phát thanh tuyên truyền lưu động ở địa bàn dân cư; tổ chức 01 khóa tập huấn dài ngày để đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ kỹ năng thực hiện công tác tham vấn các bên liên quan ở cơ sở phục vụ cho việc chuẩn bị thực hiện REDD+...

Với mục tiêu hỗ trợ nâng cao năng lực tổ chức, kỹ thuật cho các cơ quan có liên quan nhằm chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam, giai đoạn 2 của Dự án do Quỹ Đối tác các - bon Lâm nghiệp tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới với tổng số vốn 5,702 triệu USD, trong đó nguồn vốn ODA không hoàn lại 05 triệu USD và vốn đối ứng 702 triệu USD. Dự án sẽ được triển khai từ ngày 18/11/2016 - 31/12/2019 tại thành phố Hà Nội và các tỉnh thuộc Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Dự án có 04 hợp phần, gồm nghiên cứu, phân tích và xây dựng năng lực thực hiện REDD+ hiệu quả ở cấp Trung ương, cấp tỉnh; hỗ trợ kỹ thuật, chính sách về đổi mới công ty lâm nghiệp Nhà nước, các ban quản lý rừng để cung cấp dịch vụ REDD+, sự tham gia của khu vực tư nhân và tăng cường lâm luật, quản trị rừng thương mại lâm sản; đánh giá chiến lược tác động môi trường và xã hội của các chương trình hành động REDD+ cấp Quốc gia, cấp vùng, tham vấn và sự tham gia của các bên liên quan; quản lý Dự án, giám sát và đánh giá.

Trong năm 2017, tại Quảng Bình, Dự án sẽ tập trung triển khai tập huấn, hỗ trợ trang thiết bị theo dõi diễn biến rừng theo công nghệ mới; tổ chức tuyên truyền về biến đổi khí hậu, phổ biến các quy định của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng thực hiện REDD+ tại các địa phương có nhiều rừng, đất lâm nghiệp; phối hợp với chuyên gia trong nước, quốc tế thực hiện các hoạt động về đánh giá mức độ đảm bảo an toàn xã hội khi thực hiện REDD+, đánh giá môi trường chiến lược và xã hội tại Quảng Bình. Bên cạnh đó, Dự án cũng tổ chức hội thảo tham vấn, tập huấn về kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn năng suất cao, khôi phục, tu bổ rừng tự nhiên; bảo đảm an toàn xã hội và người dân tộc có sự tham gia ở Trung ương, cấp tỉnh và cơ chế chia sẻ lợi ích trong khuôn khổ Chương trình giảm phát thải.

Phát biểu tại buổi họp, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện sáng kiến REDD+ tỉnh đánh giá cao ý kiến thảo luận của đại diện lãnh đạo các sở, ngành và địa phương liên quan, góp phần tạo nên một bức tranh toàn diện trong thực hiện REDD+ trên địa bàn tỉnh, đồng thời khẳng định Dự án đã giúp người dân có môi trường sống tốt hơn, tăng nguồn thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, đồng chí yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện giai đoạn 2 của Dự án REDD+; điều chỉnh kế hoạch tại địa phương cho phù hợp với toàn quốc; tổ chức tập huấn đúng quy định để triển khai Dự án mang lại hiệu quả cao; tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về Dự án và ý thức bảo vệ, phát triển rừng của Nhân dân. Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương nghiên cứu để đưa ra chính sách hỗ trợ các đối tượng, đơn vị đang thực hiện trồng rừng, nhất là rừng kinh tế; đồng thời tăng cường quản lý, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng...

Nguồn: Cổng TTĐT Quảng Bình

Các tin khác