Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Với mục tiêu nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã tập trung ưu tiên và triển khai có hiệu quả nhiều đề tài, dự án, mô hình khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ đó đã đóng góp nhiều luận cứ khoa học phục vụ hoạch định các chủ trương, chính sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn…

 Việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong bối cảnh tỉnh Quảng Bình đang chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Giai đoạn 2008-2017, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện nghiên cứu, chuyển giao 122 đề tài, dự án và 61 mô hình sản xuất có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng kinh phí từ ngân sách địa phương là 55 tỷ đồng, đối ứng của người dân gần 8,2 tỷ đồng; chiếm 70% số mô hình, nhiệm vụ sự nghiệp khoa học và công nghệ thực hiện.

Về cơ bản, các đề tài, dự án đã tập trung vào việc khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, ứng dụng các kỹ thuật, quy trình mới trong sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. Đặc biệt, một số đề tài, dự án đã chú trọng đối với vấn đề xử lý nguyên liệu sản xuất đầu vào hoặc chất thải nông nghiệp bằng chế phẩm sinh học, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới cũng được sản xuất thử nghiệm thành công, như giống cam Valencia 2 không hạt, con lai giữa các giống bò đực hướng thịt Brahman trắng, Droughmaster với bò cái Zebu, các giống lúa mới năng suất, chất lượng cao như QR1, HT1, P6, TBR45; một số biện pháp kỹ thuật mới được đưa vào canh tác, sản xuất như hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI, hệ thống quản lý dịch hại ICM, trồng lạc che phủ nilon, ứng dụng chuyển giao công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học xử lý nguyên liệu nuôi trồng nấm; ứng dụng công nghệ nano trong nuôi tôm thẻ chân trắng… bước đầu đưa lại hiệu quả cao cả về kinh tế lẫn thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đề tài trồng thử nghiệm cây dược liệu dưới tán cao su tại xã Hòa Trạch

Cùng với đó, công tác nhân rộng, triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ và tập huấn chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp được đẩy mạnh, các mô hình triển khai ứng dụng đều thành công cả về tính toán khoa học lẫn hiệu quả kinh tế. Thống kê của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Quảng Bình cho thấy, từ năm 2008 đến nay đã có trên 200 mô hình chuyển giao kỹ thuật được triển khai, trên 200 lớp tập huấn được tổ chức với hơn 10.000 lượt người tham gia. Trong đó, có nhiều mô hình trình diễn được đánh giá cao như mô hình thâm canh lúa chất lượng cao QR1, TBR45, lúa năng suất cao Hoa Ưu; mô hình trồng ngô ngọt Thái Lan, ngô nếp lai Tố Nữ; mô hình sử dụng phân vi sinh Quế Lâm trong sản xuất lạc; mô hình trồng lúa hữu cơ; mô hình sản xuất dưa hấu an toàn theo hướng VietGAP; các mô hình sản xuất nhân tạo giống cá lóc, cá đối mục, cá lăng chấm, nuôi cá chim vây vàng, cá bống bớp thương phẩm; mô hình sử dụng hầm bảo quản bằng vật liệu composite; hỗ trợ máy gặt đập liên hợp...
Theo ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Quảng Bình, việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế ngành nông nghiệp nói riêng và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nâng cao hiệu quả sản xuất của ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp đã từng bước chuyển dần từ số lượng sang chất lượng, giá trị cao; cơ cấu nông lâm ngư nghiệp chiếm 23,9% GDP toàn tỉnh; giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp giai đoạn 2008-2017 tăng bình quân 4,5%/năm.
Bên cạnh đó, xác định vai trò then chốt của khoa học kỹ thuật và công nghệ đối với phát triển nông nghiệp nông thôn, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp; tăng cường tuyên truyền và tập trung các nguồn lực đẩy mạnh việc nghiên cứu, khảo nghiệm, thử nghiệm các giống cây trồng, mô hình sản xuất mới; đồng thời đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ KHCN kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là sản xuất thử nghiệm và đưa vào nhân rộng một số giống mới có năng suất, chất lượng cao.
                                                                                                Ngọc Lan

 

Các tin khác