Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đây là hướng phát triển trọng tâm của ngành nông nghiệp Quảng Bình nhằm phục hồi và phát triển nguồn tài nguyên đất, đảm bảo sự cân bằng hệ sinh thái, đa dạng sinh học, các sản phẩm đưa ra thị trưởng đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người.

 Năm 2022, được sự tư vấn và hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông -Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình, ông Trương Hoằng ở thôn Tiền, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng sen theo hướng hữu cơ, với diện tích 5,1 hecta. Mô hình được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư hỗ trợ với hình thức sau đầu tư 30% chi phí mua giống, vật tư phân bón; 100% kinh phí triển khai thực hiện.
Ông Trương Hoằng chia sẻ: Sau 4 tháng trồng, đến nay, mô hình sen của gia đình đã cho thu hoạch, dự kiến năng suất bình quân đạt 3 tấn/ha. Qua hạch toán kinh tế cho thấy, 1 ha trồng sen sau khi trừ chi phí sản xuất trực tiếp cho lãi hơn 21 triệu đồng/ha, cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa. Ngoài hiệu quả mang lại, điều quan trọng của mô hình trồng sen theo hướng hữu cơ là tận dụng được diện tích đất bỏ hoang, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm canh tác bền vững, lâu dài.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tình, Trưởng phòng chuyển giao KT, TT Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết: Có thể hiểu một cách đơn giản rằng canh tác hữu cơ là một hình thức sản xuất nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ hoàn toàn sản phẩm có chứa chất hóa học như: thuốc trừ sâu hóa học, phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ hóa học, chất kích thích trong chăn nuôi, chất điều tiết tăng trưởng cây trồng... Trong quá trình canh tác theo hình thức nông nghiệp hữu cơ, người nông dân phải đảm bảo quy trình canh tác, sản xuất nghiêm ngặt, kết hợp với các chế phẩm, tận dụng chất thải nông nghiệp để tái sử dụng.
Hiện nay, ngành nông nghiệp đang hướng đến xây dựng các vùng trồng theo hướng hữu cơ nhằm tạo sự liên kết cũng như đưa sản phẩm phát triển theo chuỗi giá trị. Đơn cử như mô hình trồng măng tây theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm của gia đình anh Nguyễn Văn Lâm, chị Phạm Thị Ngọc Qúy ở xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch.
Theo Chị Phạm Thị Ngọc Quý, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch: Trước đây, gia đình chị cũng đã trồng măng tây trên diện tích 1,5ha. Tuy nhiên, quy trình trồng vẫn theo phương pháp truyền thống, khả năng tiếp cận các cửa hàng nông sản sạch, thị trường lớn bị hạn chế. Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã hỗ trợ giống và phân bón, cũng như chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về quy trình trồng măng tây theo hướng hữu cơ trên diện tích 0,5 ha cho gia đình anh chị. Sau khi được hướng dẫn trồng và sản xuất theo hướng hữu cơ, gia đình anh chị sẽ dần chuyển toàn bộ diện tích trồng măng tây trước đây sang trồng măng tây theo hướng hữu cơ.
Hiện nay, để khuyến khích bà con nông dân áp dụng chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình đã có các chương trình hỗ trợ thông qua lồng ghép nguồn vốn chính sách nông nghiệp. Riêng trong năm 2022 này, Trung tâm Khuyến Nông - Khuyến Ngư đã triển khai thành công nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đáng kể đến là mô hình trồng lúa ST25 kết hợp nuôi cá rô đồng lai trên địa bàn huyện Quảng Ninh cho thu nhập gần 180 triệu đồng trên diện tích 2,5 hecta; Mô hình sản xuất lúa ST25 theo hướng hữu cơ tại Quảng Hòa, Thị xã Ba Đồn và HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn La, xã Lương Ninh cho năng suất 55 tạ/hecta…; các mô hình trồng sen, măng tây cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với các cây trồng trước đây.
Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay để chuyển từ ngành nông nghiệp phát triển từ số lượng sang phát triển về chất lượng, giá trị, hiệu quả kinh tế, từ đó nâng cao thu nhập của người dân. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT rất quan tâm, chỉ đạo ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất; hỗ trợ, xây dựng các mô hình trình diễn từ đó nhân rộng kỹ thuật này vào sản xuất. Thông qua công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn để nhiều doanh nghiệp, người dân hiểu được giá trị phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ từ đó ứng dụng vào sản xuất.
Thực tế, hiện nay, trên địa bàn Quảng Bình đã có một số mô hình phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, bước đầu thu lại hiệu quả, từ đó góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại TX Ba Đồn


Tố Linh

 

Các tin khác