Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Chuyển đổi số trong phòng, chống thiên tai: Chủ động, chuyên nghiệp, hiệu quả

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Phòng trực ban của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN kiêm PTDS) tỉnh được trang bị màn hình lớn cùng các phần mềm, ứng dụng hiện đại để theo dõi diễn biến thời tiết. Hành trình chuyển đổi số (CĐS) đã và đang tác động mạnh mẽ, tích cực đối với công tác PCTT, bước đầu mang lại sự chủ động, chuyên nghiệp và hiệu quả.

 Kết hợp hiệu quả các phần mềm, ứng dụng

Được đặt tại Chi cục Thủy lợi, vào thời điểm mưa bão, Phòng trực ban của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS tỉnh có cán bộ, nhân viên trực 24/24 giờ cập nhật, tổng hợp tình hình, báo cáo cấp trên để xây dựng phương án ứng phó, bảo đảm dự báo sát với diễn biến, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của thiên tai. Ngày thường, số liệu sẽ được cập nhật hai lần một ngày, thời điểm mưa bão, thông tin được cập nhật từ 6 lần trở lên tùy diễn biến tình hình.
 
Cán bộ trực ban “đọc gió, xem mưa”
 
Anh Lê Anh Tuấn, một trong những cán bộ tham gia trực tại trung tâm chỉ cho cho chúng tôi xem những phần mềm, ứng dụng mà đơn vị đang sử dụng để cảnh báo, PCTT. Đó là hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam; hệ thống đo mưa chuyên dùng (V-Rain); ứng dụng cung cấp dịch vụ theo dõi dự báo thời tiết toàn cầu Windy; hệ thống cơ sở dữ liệu ngành thủy lợi (bản đồ, hồ chứa, mực nước, quy trình vận hành…). Cùng với các phần mềm, ứng dụng, toàn tỉnh hiện có 72 trạm đo mưa, gió, nước, khí áp, cung cấp đầy đủ các thông số để phục vụ cho việc dự báo hiệu quả.
Những phần mềm, ứng dụng hiện đại và có bản quyền nêu trên sẽ cung cấp các số liệu “thô”. Cán bộ theo dõi sẽ cập nhật, kết hợp các dữ liệu, phân tích để cho ra kết quả dự báo sát với thực tế tình hình địa phương và diễn biến thời tiết, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả thiên tai. 
 
Việc kết hợp hiệu quả các phần mềm, ứng dụng đã góp phần nâng cao hiệu quả dự báo, PCTT
 
Bên cạnh những số liệu về thời tiết, Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam còn góp phần kiểm soát tàu cá hiệu quả. Gần 1.200 tàu cá gắn thiết bị giám sát hành trình, khai thác vùng biển xa được quản lý chặt chẽ với đầy đủ các thông tin hiển thị chỉ bằng một cú click chuột. Trong những thời điểm mưa lũ, cán bộ trực ban sẽ phối hợp với các lực lượng liên quan, như: Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản để cập nhật thông tin, hướng dẫn tàu cá đi vào các vùng biển an toàn để tránh bão. Sự “thông minh” của hệ thống đã góp phần rất quan trọng bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản ngư dân, nhất là trong những thời điểm thiên tai.
Tạo nền tảng thúc đẩy CĐS
Cùng với việc sử dụng và phát huy hiệu quả các ứng dụng và phần mềm nêu trên, thời gian qua, Chi cục Thủy lợi đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu để làm nền tảng thúc đẩy công cuộc CĐS trong PCTT.
Bản đồ cảnh báo ngập lụt lưu vực sông Nhật Lệ và Kiến Giang là một trong những cơ sở dữ liệu quan trọng mà đơn vị đã hoàn thành từ năm 2021, góp phần xây dựng và triển khai các “kịch bản” ứng phó với mưa lũ hiệu quả. 
Theo đó, các số liệu và tình trạng ngập lũ tháng 10/2020 được sử dụng để xây dựng bản đồ cảnh báo. Ở thời điểm hiện tại, lượng mưa, mực nước các hồ chứa sẽ được so sánh với dữ liệu tháng 10/2020, từ đó xây dựng kế hoạch sơ tán, di dời các hộ dân với tỷ lệ chính xác cao. Hiện đơn vị đang tiến hành xây dựng bản đồ cảnh báo ngập lụt khu vực sông Gianh và sông Dinh.
“Về cơ bản, bản đồ sẽ duy trì sự ổn định lâu dài nếu địa hình không có gì thay đổi. Trong trường hợp có những công trình lớn được xây dựng, tác động tích cực hay tiêu cực đến tình trạng ngập lũ, bản đồ cần phải được cập nhật các số liệu và hiện trạng mới để bảo đảm tính chính xác, phục vụ công tác dự báo, nhất là các kế hoạch sơ tán, di dời người dân”, ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết.
Ngoài ra, thời gian qua chi cục cũng đã xây dựng bản đồ hồ chứa, tạo “bức tranh” hoàn chỉnh về hệ thống hồ chứa trong tỉnh với các thông số đẩy đủ.
Trong bối cảnh kinh phí còn nhiều hạn chế, đơn vị đã tận dụng lợi thế các phần mềm dùng chung, ứng dụng miễn phí để tích hợp hệ thống đê kè trong tỉnh nhằm có cái nhìn tổng quan. Kết hợp với những thông tin, diễn biến tại thực địa, việc sơ tán, di dời người dân và đầu tư hệ thống đê kè sẽ bảo đảm chính xác, hiệu quả, góp phần quan trọng PCTT cả trước mắt và lâu dài. “Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo, PCTT, thời gian tới cần phải lắp đặt hệ thống giám sát hồ chứa, cảnh báo ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất ở cơ sở. Cùng với việc tận dụng tối đa các phần mềm, ứng dụng miễn phí, việc đầu tư kinh phí lắp đặt thiết bị là rất quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình CĐS trong PCTT ngày càng hiệu quả”, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Trần Xuân Tiến chia sẻ.
 
                                                                                                Nguồn: Báo Quảng Bình

Các tin khác