Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Hội thảo khoa học Chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Quảng Bình

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Ngày 17/11/2022, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trường Đại học Nông lâm Huế tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Quảng Bình”. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành cấp tỉnh; các trường đại học cao đẳng trong và ngoài tỉnh, các địa phương cùng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt có sự tham gia của các Doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm trong thực hiện Chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp nông thôn: Tập đoàn bưu chính viễn thông VNPT, Tập đoàn Vietel, Tập đoàn đầu tư công nghệ Nam Long, Công ty CP Công nghệ công nghiệp Vconnex…

Xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn tại Quảng Bình sẽ gặp rất nhiều khó khăn mà trong đó nổi bật là: Hạ tầng phục vụ sản xuất, hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa nông nghiệp cũng như yêu cầu ứng dụng các công nghệ mới; Chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, sử dụng, vận hành thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) còn thiếu. Năng lực ứng dụng công nghệ số của doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân còn hạn chế; Khối lượng cơ sở dữ liệu yêu cầu số hóa ngành nông nghiệp rất lớn trong khi nguồn lực đầu tư còn ít; Người sản xuất và cả doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu thông tin để ứng dụng số hóa, trong khi quy mô đất đai nhỏ lẻ, manh mún; thiếu liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác.

Thời gian qua Quảng Bình đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện Chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng như: Nghị  quyết số 07-NQ/TU ngày 31/3/2022 của  Ban  Chấp hành  Đảng bộ tỉnh về  chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình  đến năm  2025; Kế hoạch số 698/KH-UBND ngày 28/4/2022 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc thực hiện chuyển đổi số giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch số 2065/KH-SNN, ngày 19/8/2022 về việc thực hiện chuyển đổi số giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

                              

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận về nội dung chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp với 8 bài tham luận trình bày trên tổng số 22 bài tham luận đăng ký và nhiều ý kiến phát biểu, trao đổi trực tiếp của các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp công nghệ. Các nhà khoa học, các chuyên gia đã đề xuất các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp-nông thôn. Đó là, cần tận dụng tối đa cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học, phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về CĐS phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược thực hiện CĐS nông nghiệp, nông thôn theo giai đoạn trung hạn, dài hạn và phải gắn với từng sản phẩm cụ thể đối với từng vùng sinh thái đặc thù. Bên cạnh đó, cần đổi mới cơ chế quản lý khoa học, công nghệ. Khuyến khích tối đa, các doanh nghiệp, nhất là sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường khoa học và công nghệ, công nghệ số trong nông nghiệp, nông thôn. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.

              

            Hình ảnh trưng bày công nghệ số trong nông nghiệp nông thôn tại Hội thảo

 

Hội thảo cũng đã giới thiệu một số giải pháp, mô hình ứng dụng, đổi mới sáng tạo về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp như: ứng dụng công nghệ địa không gian và trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số nông nghiệp, ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, một số giải pháp kỹ thuật trên nền IoT, AI, GIS thực hiện giám sát báo, dự báo thiên tai và phục vụ nông nghiệp công nghệ cao cho tỉnh Quảng Bình…

Kết luận Hội thảo, Ông Trần Đình Hiệp, Phó GĐ Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục khẳng định tính tất yếu, khách quan của Chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn. Đây là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Hiểu đúng, hiểu đủ mới làm đúng, làm đủ. Không thể tách rời Chuyển đổi số với các lĩnh vực khoa học công nghệ khác. Cần biết phối hợp tạo sự đồng bộ, thống nhất để tránh lãng phí, chồng chéo trong quá trình chuyển đổi số. Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự chung tay của các tổ chức, các doanh nghiệp và người dân trong hoạt động chuyển đổi số đối với lĩnh vực nông nghiệp nhất định sẽ đạt được nhiều kết quả tốt trong thời gian tới.

                                                              Thanh Nga – Phòng KHCNMT&HTQT

Các tin khác