Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Huyện Tuyên Hóa hiện có hơn 97,2 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp (chiếm 86,1% diện tích tự nhiên) phân bố ở hầu khắp địa bàn của 19 xã, thị trấn. Với diện tích rừng lớn, phân bố trên địa bàn rộng, địa hình chủ yếu đồi núi cao, ngay từ đầu năm, các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện đã tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ rừng (BVR) và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Những ngày diễn ra nắng nóng kéo dài, anh Đinh Thanh Lãm ở thôn 3 Bắc Sơn, xã Thanh Hóa thường xuyên vào rừng để kiểm tra, theo dõi tình trạng rừng của gia đình mình và những người xung quanh. Từ tháng 3 trở đi, anh cũng đã dừng hoàn toàn việc xử lý thực bì, mà chỉ phát cành, nhánh rồi gom lại 1 điểm chứ không đốt như lúc trước. Bởi hơn ai hết, anh biết được hậu quả do cháy rừng gây ra.

 

Năm 2023, ở gần khu vực rừng của anh cũng xảy ra 2 vụ cháy rừng. Một vụ do người dân xử lý thực bì và 1 vụ do người đi rừng đốt ong lấy mật, bất cẩn gây ra. Khu vực rừng bị cháy lại ở gần diện tích rừng keo, tràm của gia đình anh. May sao, cả 2 vụ cháy đã được dập tắt kịp thời. 

Lực lượng bảo vệ rừng tăng cường cắm biển, bảng cấm lửa ở những khu vực trọng điểm.
Lực lượng bảo vệ rừng tăng cường cắm biển, bảng cấm lửa ở những khu vực trọng điểm.

Anh Lãm cho biết: “Gia đình tôi có 5ha đất rừng trồng keo tràm, trong đó, có 2,5ha chỉ còn 1 năm nữa là khai thác để bán. Mặc dù diện tích rừng này nằm ở xa khu dân cư (khoảng 3km), song lại nằm giáp ranh với rừng tự nhiên, nên nếu xảy ra cháy thì rất khó để phát hiện và dập tắt kịp thời. Vì vậy, cứ phải cẩn thận, từ sớm, từ xa. Cẩn thận cho mình, nhưng cũng là cẩn thận cho người khác”.

 

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa Thái Bình Ngọc cho biết: “Xã hiện có hơn 12.600ha đất rừng; trong đó, rừng tự nhiên hơn 9.300ha, rừng sản xuất gần 3.300ha. Vì vậy, thời gian qua, cùng với công tác BVR, UBND xã luôn chú trọng công tác PCCCR, nhất là vào mùa nắng nóng. Với phương châm phòng là chính, ngay từ đầu năm, xã đã xây dựng phương án BVR, PCCCR, kiện toàn ban chỉ đạo và các đội xung kích của các thôn. Đến nay, 11/11 thôn, bản trên địa bàn xã đều có tổ xung kích PCCCR thường trực 24/24 giờ. Các tổ xung kích này là lực lượng nòng cốt, sẵn sàng làm nhiệm vụ chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra. Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về PCCCR, ý thức sử dụng lửa trong rừng, ven rừng và gần rừng cho người dân, xã Thanh Hóa đã xây dựng biển báo về nội quy, quy định cấm lửa, dựng hệ thống chòi canh, đồng thời, xác định vùng trọng điểm về nguy cơ cháy rừng để có phương án kiểm tra, tuần tra sát với thực tế. Xác định nguyên nhân cháy rừng chủ yếu do việc đốt xử lý thực bì và người dân đốt ong lấy mật, vì vậy, UBND xã đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân hạn chế vào rừng lấy mật và tạm dừng các hoạt động khai thác rừng trong mùa cao điểm nắng nóng”.

 

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa Nguyễn Văn Huệ cho biết, ngay từ đầu năm, đơn vị đã chỉ đạo các trạm, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp cấp bách trong PCCCR; rà soát, hoàn thiện các phương án PCCCR phù hợp tình hình thực tế địa phương; thường xuyên cập nhật thông tin, tổ chức tuyên truyền, cảnh báo cháy rừng; đồng thời tích cực tuần tra, canh lửa 24/24 giờ, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, dụng cụ sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

Về công tác PCCCR cho hơn 29.000ha rừng tự nhiên, trong đó có hơn 28.400ha rừng phòng hộ, hơn 575ha rừng sản xuất, còn lại là đất chưa có rừng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tuyên Hóa Nguyễn Xuân Tuynh cho biết, hầu hết diện tích rừng phòng hộ đều có địa hình hiểm trở, phức tạp, bị chia cắt bởi núi cao, nhiều khe suối sâu, địa bàn ở cách xa khu vực dân cư, việc PCCCR cũng đặt ra cho đơn vị những thách thức không nhỏ.

Ngoài yếu tố thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài rất dễ gây ra cháy rừng, thì các hoạt động của người dân, như: Vào rừng khai thác lâm sản; săn bắt động vật hoang dã; đốt ong lấy mật; phát, đốt vườn, rừng làm nương rẫy... cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất lớn. Vì vậy, ngay từ đầu năm, Ban Quản lý đã xây dựng phương án BVR và PCCCR với phương châm “bảo vệ rừng tại gốc”, nhất là diện tích rừng tự nhiên hiện có; đồng thời, tăng cường công tác PCCCR, với phương châm “4 tại chỗ”.

 

Trong những tháng mùa khô, đơn vị yêu cầu các trạm bảo vệ rừng duy trì trực 24/24 giờ trong ngày để phát hiện các điểm phát lửa, huy động lực lượng chữa cháy kịp thời; tăng cường tuần tra, kiểm tra các vùng rừng trọng điểm thường xảy ra cháy rừng, kịp thời phát hiện, dập tắt các điểm phát lửa, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.

Nguồn: Website Báo Quảng Bình

Các tin khác