Bài viết je momentálně nedostupný.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Kỳ vọng thủy sản xuất khẩu

Font size : A- A A+

Những năm gần đây, lĩnh vực chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh có sự phát triển nhanh khi nhiều doanh nghiệp (DN) đã có sản phẩm thủy sản chế biến sâu chất lượng cao. Đặc biệt với việc có 3 DN chế biến sâu được cấp mã số xuất khẩu thủy sản sang các thị trường khó tính: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang mở ra nhiều kỳ vọng.

Tiềm năng và lợi thế

 

Quảng Bình được biết đến là địa phương có tiềm năng về kinh tế biển với bờ biển dài hơn 116km. Toàn tỉnh hiện có 1.168 tàu cá từ 15m trở lên khai thác thủy sản xa bờ được trang bị đầy đủ ngư cụ, thiết bị, thông tin liên lạc phù hợp với ngư trường. Nhờ đó, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng hàng năm tăng 5-10%, riêng năm 2023, sản lượng thuỷ sản ước đạt 97.097 tấn. Đây là nguồn nguyên liệu phong phú, phục vụ trực tiếp cho các DN, cơ sở chế biến thủy hải trên địa bàn tỉnh.

 

Với những lợi thế đó, nhiều DN, cơ sở sản xuất (CSSX), hợp tác xã (HTX) đã mạnh dạn đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị, sử dụng công nghệ chế biến hiện đại vào hoạt động, nâng cao giá trị, tính cạnh tranh cũng như xây dựng thương hiệu, tạo lập vị thế cho sản phẩm trên thị trường.

 

Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Thanh Quang, ở xã Thanh Trạch (Bố Trạch) vốn là một cơ sở thu mua hải sản nhỏ lẻ nhưng với sự nỗ lực trong sản xuất, đến nay, công ty đã có chuỗi cung ứng thủy hải sản sạch, an toàn, đạt tiêu chuẩn sản phẩm an toàn thực phẩm quốc tế (HACCP). Hiện, công ty có 13 sản phẩm đạt OCOP 3 sao gồm các loại cá thu, ngừ, mú, bơn, hố… và mực ống, mực lá.  

Công ty Năm Sao gia công cá cơm cho khác hàng trong nước và quốc tế.
Công ty Năm Sao gia công cá cơm cho khách hàng trong nước và quốc tế.

Ông Bùi Thức Quang, Giám đốc công ty cho biết: Trước đây, buôn bán theo kiểu truyền thống, khách hàng dường như chưa biết đến hải sản Thanh Quang. Nhưng sau khi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3, sản phẩm đã được nhiều người biết đến và tạo được niềm tin cho người tiêu dùng nội địa, một số sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu ủy thác sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Công ty cũng đã đầu tư 1 nhà máy cấp đông (20 tấn/ngày), hệ thống kho bảo quản lạnh sản phẩm (400 tấn sản phẩm); doanh thu trung bình mỗi năm hơn 10 tỷ đồng.

 

Quảng Bình hiện có gần 400 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm thủy sản, sản phẩm thủy sản đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Nhiều DN, CSSX, HTX đã mạnh dạn đổi mới, xây dựng được thương hiệu, tạo lòng tin cho người tiêu dùng với nhiều sản phẩm thủy sản đạt 4 sao OCOP, như: Tôm nõn khô, mực một nắng, cá bờm trắng, nước mắm truyền thống Ngọc Biển, cá chình tiến vua, cá chình thăng hoa và nhiều sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Mai Văn Minh cho biết, với Quảng Bình, ngành thủy sản nói chung và lĩnh vực chế biến thủy sản nói riêng rất nhiều tiềm năng, điều kiện phát triển thuận lợi, các sản phẩm giá trị cao có nhiều cơ hội tiêu thụ tại các thị trường tiềm năng. Vì vậy thời gian qua, các DN xuất khẩu thủy sản đã từng bước mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ sản xuất tự động đối với một số công đoạn, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp đã có sản phẩm xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính, như: Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước EU...

 

Những "điểm sáng" xuất khẩu

 

Bên cạnh các DN, HTX, CSSX chế biến thủy sản truyền thống, những năm gần đây, Quảng Bình đã hình thành và phát triển nhiều nhà máy chế biến thủy sản có từ 200 công nhân trở lên, áp dụng công nghệ và dây chuyền chế biến hiện đại, đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.

 

''Quảng Bình đang rất cần nhà đầu tư lớn để dẫn dắt, hình thành nên chuỗi cung ứng, sản xuất thủy sản quy mô lớn để tương xứng với tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển, đặc biệt là đầu tư bảo quản, chế biến sâu", Giám đốc Sở NN-PTNT Mai Văn Minh cho biết thêm.

Công ty CP thủy sản Năm Sao (Công ty Năm Sao), xã Thanh Trạch (Bố Trạch) được biết đến là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong xuất khẩu thủy sản. Tiếp nhận cơ sở sản xuất từ Công ty CP Tổng công ty Sông Gianh năm 2010 với hoạt động chủ yếu là sơ chế, cấp đông nguyên liệu thủy sản. Nhưng đến nay, qua nhiều năm bền bỉ sản xuất và mở rộng thị trường, công ty đã đầu tư được dây chuyền chế biến hiện đại, chuyên sản xuất mực ống, mực nang làm sạch ăn liền và xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ngoài ra, công ty còn nhận gia công các mặt hàng (chủ yếu là cá cơm, cá hố…) cho khách hàng trong và ngoài nước; tạo công ăn việc làm và bảo đảm thu nhập thường xuyên cho khoảng 350 lao động với mức thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/tháng. Doanh thu bình quân mỗi năm đạt khoảng 180 tỷ đồng, trong đó riêng doanh thu xuất khẩu đạt 6-7 triệu USD.

 

Nối tiếp Công ty Năm Sao, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Dalu Surimi đã "bơi" ra được thị trường lớn. Với ngành nghề ban đầu chủ yếu là thu mua, sơ chế thủy sản rồi bán lại cho các nhà máy trong và ngoài tỉnh, năm 2017, công ty mở nhà máy chế biến chả cá surimi đầu tiên của tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động. Hiện sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của công ty là các mặt hàng chả, như: Chả cá đổng, cá bánh đường, cá mối, cá chuồn… với thị trường tiêu thụ ở các nước Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á..., mang lại doanh thu 600 tỷ đồng mỗi năm.

Công ty TNHH xuất nhập khẩu Dalu Surimi đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại để chế biến thủy sản xuất khẩu.
Công ty TNHH xuất nhập khẩu Dalu Surimi đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại để chế biến thủy sản xuất khẩu.

Theo thống kê từ Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 30 DN tham gia thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản, trong đó có 3 DN chế biến sâu được cấp mã số xuất khẩu thủy sản vào các thị trường EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, là: Công ty Năm Sao, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Dalu Surimi và Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Bình Surimi. Chưa kể các DN xuất khẩu hải tươi sống, ướp đá theo đường tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc hoặc xuất khẩu ủy thác cho các nhà máy khác trong và ngoài tỉnh.

 

Theo ông Mai Văn Minh, ngành chế biến thủy sản của tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do sản phẩm thủy sản xuất khẩu phần lớn đang ở dạng thô. Sản phẩm chế biến sâu còn ít, chưa đa dạng nên chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của các thị trường lớn và giá trị gia tăng chưa cao. Để hỗ trợ các DN xuất khẩu, thời gian qua, Sở NN-PTNT đã phối hợp với các ban, ngành xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cung cấp thông tin thị trường, phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất; nỗ lực chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhằm gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu, tạo thuận lợi cho các DN xuất khẩu…

 

Bên cạnh các cơ chế, chính sách, DN cần nâng cao công suất, hiệu quả của các nhà máy chế biến hiện có, đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng quốc tế trong sản xuất, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các DN cần đổi mới quy trình, công nghệ bảo quản, đặc biệt là thủy sản có giá trị cao; đa dạng các sản phẩm thủy sản chế biến, chế biến sâu đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; liên kết chặt chẽ giữa khâu đánh bắt, dịch vụ hậu cần với chế biến để tạo ra chuỗi sản xuất khép kín, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế HACCP..., để thủy sản Quảng Bình vững tin trên hành trình vươn ra biển lớn.

Nguồn: Website Báo Quảng Bình

More