Το Bài viết είναι προσωρινά μη διαθέσιμο.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Chiến lược phát triển chăn nuôi tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045

Font size : A- A A+
 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3852/QĐ-UBND ngày 26/11/2021 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Một số nội dung chính của Chiến lược như sau:

 Quan điểm phát triển chăn nuôi của Chiến lược là: (1) Phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tăng cường xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; (2) Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ và chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn; (3) Ưu tiên phát triển các giống vật nuôi chủ lực gắn với lợi thế của từng địa phương; tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò, lợn ngoại, gia cầm và vật nuôi đặc sản có giá trị cao. Tập trung cải tạo giống theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng; (4) Tăng cường nghiên cứu khoa học, thích nghi và ứng dụng có chọn lọc các thành tựu khoa học và công nghệ trong nước và thế giới, chú trọng ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm nâng cao sức cạnh tranh ngành chăn nuôi; (5) Đẩy mạnh việc xã hội hóa các hoạt động trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển.

Mục tiêu chung của Chiến lược được đề ra: Phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại, phương thức công nghiệp; áp dụng các quy trình công nghệ hiện đại, chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đối xử nhân đạo với vật nuôi; nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi; đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; phấn đấu đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi tỉnh ta thuộc nhóm các tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển. Đồng thời, một số mục tiêu cụ thể của Chiến lược đã được xác định: Mức tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2021-2025: 4 - 5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 từ 3 - 4%/năm. Tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2025: >54%, năm 2030: > 56%; xây dựng 01 nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn HACCP, giải quyết đầu ra tại chỗ cho sản phẩm chăn nuôi tại địa phương...
Định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2030 của tỉnh đã được đưa ra với các nội dung cụ thể sau đây:
- Về chăn nuôi lợn: Phát triển đàn lợn ở quy mô hợp lý, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tiếp tục phát triển chăn nuôi lợn theo hướng trang trại, công nghiệp với các giống lợn ngoại có năng suất, chất lượng cao ở những nơi có điều kiện về đất đai; đồng thời từng bước phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, truyền thống với các giống lợn bản địa, lợn lai giữa giống lợn ngoại với giống bản địa. Đến năm 2030, tổng đàn lợn đạt 370.000 con, trong đó đàn lợn nái 40.000 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng: 48.000 tấn
- Về chăn nuôi trâu, bò: Đẩy mạnh phát triển đàn bò cả về số lượng và chất lượng theo hướng Zebu hóa và bò lai hướng thịt chất lượng cao; phát triển chăn nuôi bò thịt thâm canh ở những vùng có lợi thế. Chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ, kết hợp sử dụng các loại phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi bò. Phấn đấu đến năm 2030, tổng đàn bò đạt 120.000 con, trong đó tỉ lệ bò lai chiếm 70 - 75%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng: 11.000 tấn. Duy trì và ổn định đàn trâu với số lượng 32.000 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng: 1.500 tấn.
- Về chăn nuôi gia cầm: Phát triển chăn nuôi gia cầm cả về số lượng và chất lượng, tăng tỉ trọng đàn gia cầm trong cơ cấu đàn vật nuôi. Phát triển chăn nuôi gà thả vườn ở các vùng gò đồi, vùng cát ven biển theo mô hình kết hợp trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất. Xây dựng và phát triển các cơ sở sản xuất giống gia cầm để chủ động nguồn giống trong tỉnh. Đến năm 2030, tổng đàn gia cầm đạt 5.500.000 con, trong đó, đàn gà 3.500.000 con, đàn thủy cầm 1.500.000 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng: 24.500 tấn, sản lượng trứng: 150 triệu quả.
- Về chăn nuôi các vật nuôi khác: Bên cạnh phát triển các đối tượng vật nuôi chủ lực, duy trì và phát triển các đối tượng nuôi đặc sản, có giá trị cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng như: ong, chim yến, lợn rừng, đà điểu, hươu lấy nhung, nhím, dê, thỏ,… theo lợi thế của từng địa phương; kết nối thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định để kích thích sản xuất nhằm đa dạng hóa cơ cấu giống vật nuôi, nâng cao giá trị ngành chăn nuôi.
- Về thức ăn chăn nuôi: Khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, nhất là công nghệ sinh học nhằm đáp ứng đủ các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất dùng trong chăn nuôi và tận thu, nâng cao giá trị dinh dưỡng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp như: bã men bia, bã sắn, tiết và phụ phẩm lò mổ, vỏ đầu tôm,...
- Về kiểm soát dịch bệnh: Nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh, nhất là việc khống chế các dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi và những dịch bệnh có nguy cơ lây sang người, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao trong nước và xuất khẩu.
- Về giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi: Nâng cao năng lực vận chuyển, giết mổ tập trung các loại vật nuôi theo hướng hiện đại, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi; phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến và chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi làm tăng sức mua trong tỉnh, trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
- Về kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm: Kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm sản phẩm chăn nuôi, nhất là vấn đề kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư chất cấm, lạm dụng kháng sinh và hóa chất trong chăn nuôi, thú y, giết mổ, chế biến thực phẩm.
- Về kiểm soát môi trường: Nâng cao năng lực kiểm soát môi trường trong chăn nuôi, giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi đáp ứng các quy định của pháp luật về môi trường. Tất cả các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi phải có giải pháp kiểm soát môi trường phù hợp, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải cho nhu cầu trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi côn trùng, sản xuất năng lượng tái tạo...
Tầm nhìn đến năm 2045, chăn nuôi tỉnh ta trở thành ngành sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; khống chế và kiểm soát tốt các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; các bệnh lây nhiễm từ động vật sang người; các sản phẩm chăn nuôi được sản xuất từ các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường; trên 90% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hoá được giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 60% sản phẩm chăn nuôi được qua sơ chế, chế biến, trong đó khoảng 25% sản phẩm được chế biến sâu.
Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đã đề ra các giải pháp cụ thể, quan trọng về: Hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển chăn nuôi (Chính sách về đất đai, chính sách tài chính và tín dụng, chính sách thương mại, khuyến nông và thông tin tuyên truyền), nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và môi trường chăn nuôi; khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi; nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi; nâng cao năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành chăn nuôi; đổi mới tổ chức sản xuất; tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi, thú y.
Bên cạnh đó, các Dự án ưu tiên được sẽ xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2030 là: Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi, Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi, Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi, Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi.
Chiến lược phát triển chăn nuôi tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 là cơ sở, căn cứ quan trọng để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tỉnh ta trong giai đoạn mới./.
 
                                                                                 Đặng Thị Huế
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình

More