Το Bài viết είναι προσωρινά μη διαθέσιμο.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Kỳ vọng từ sản phẩm OCOP mới

Font size : A- A A+
 Thời gian qua, nhiều sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao đã xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Năm 2021, với mục tiêu nâng cao giá trị nông sản, các địa phương đang tích cực xây dựng sản phẩm OCOP mới với nhiều kỳ vọng.

 Năm 2021, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bắc Tiến (HTX Bắc Tiến) ở xã Hiền Ninh (Quảng Ninh) đưa dầu mè đen tham gia dự thi sản phẩm OCOP sau một thời gian tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường.

 Chị Trương Thị Lược, Giám đốc HTX Bắc Tiến cho biết: “Năm nay, chúng tôi quyết định đưa dầu mè đen HTX Bắc Tiến tham gia OCOP bởi đây là sản phẩm có chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho người dùng song còn ít người biết đến. Nếu sản phẩm được công nhận, chúng tôi sẽ có thêm cơ hội quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng”.
 HTX Bắc Tiến sản xuất dầu mè đen theo tiêu chí sản phẩm nông nghiệp sạch. Để có dầu mè chất lượng, hạt mè sau khi thu hoạch được phân loại, loại bỏ hoàn toàn tạp chất, hạt lép... sau đó đưa vào quy trình ép áp lực cao.
Dầu mè thu được từ máy ép sẽ chuyển qua máy lọc ly tâm nhằm tách hoàn toàn những thành phẩm không hòa tan, kết thúc công đoạn sẽ thu được dầu mè đen nguyên chất có màu vàng đặc trưng.
Sản phẩm dầu mè đen HXT Bắc Tiến hiện được nhiều người dân ưa chuộng; ngoài các cửa hàng nông sản trong tỉnh, dầu mè đen của HTX đã có mặt tại TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên-Huế, Thủ đô Hà Nội... Dầu mè đen có giá bán từ 260.000-300.000 đồng/lít. Trung bình mỗi tuần, HTX phân phối cho các cửa hàng từ 25-30 lít dầu mè.
 Để chủ động nguồn nguyên liệu, HTX đã mở rộng liên kết với người dân trong và ngoài xã nhằm chuyển đổi cây trồng cạn, đất lúa kém hiệu quả để trồng cây mè đen, tiến tới hình thành vùng nguyên liệu mè.
 “Sản phẩm dầu mè đen của HTX đã có uy tín, nên việc được chọn làm sản phẩm OCOP sẽ là tiền đề để xây dựng thương hiệu sản phẩm dầu mè địa phương. HTX kỳ vọng sản phầm dầu mè đen sẽ có nhiều cơ hội kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân”, chị Lược chia sẻ.
 Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành, địa phương và nỗ lực của các chủ thể tham gia chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đang dần vươn ra thị trường, kết nối được với các cơ sở buôn bán, các siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Năm 2021, huyện Lệ Thủy có 13 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Tiêu biểu như: Bánh xoài Vân Di, viên nghệ mật ong Hiền Thuấn, cá lóc tẩm gia vị Ngư Nam, tinh dầu tràm Giáo Vượng, chả giò Ngọc Hiệp, rượu sim An Mã…
Ông Trần Duy Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (PTNT) huyện Lệ Thủy cho hay, phòng thường xuyên cử cán bộ phối hợp với các địa phương hướng dẫn chủ thể lập hồ sơ, bổ sung, củng cố các tiêu chí thiếu, chưa đạt để hoàn thiện các sản phẩm tham gia dự thi OCOP. Mục tiêu phấn đấu của huyện Lệ Thủy trong năm 2021 sẽ có 8-12 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cùng các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình OCOP; tăng cường mở các lớp tập huấn xây dựng các sản phẩm OCOP; tạo điều kiện cho các hộ sản xuất tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh…
Năm 2021, toàn tỉnh có 99 sản phẩm đăng ký dự thi sản phẩm OCOP, gồm: 27 sản phẩm mới và 72 sản phẩm đã có; 90 tổ chức kinh tế tham gia vào chương trình, gồm: 14 doanh nghiệp, 42 hợp tác xã, tổ hợp tác, 34 hộ kinh doanh cá thể.
Sau quá trình rà soát, thẩm định, có 52 sản phẩm đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Cụ thể: Lệ Thủy 13 sản phẩm, Quảng Ninh 5 sản phẩm, TP. Đồng Hới 3 sản phẩm, Bố Trạch 15 sản phẩm, Quảng Trạch 3 sản phẩm, TX. Ba Đồn 9 sản phẩm, Tuyên Hóa 2 sản phẩm, Minh Hóa 2 sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT, các sản phẩm được chọn là những sản phẩm chủ lực của các địa phương, có tính truyền thống và có khả năng phát triển thành hàng hóa. Chương trình OCOP không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm mà còn giúp địa phương giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần tích cực trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, Chi cục PTNT sẽ tổ chức tập huấn cho chủ thể kinh tế về phát triển sản phẩm, xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh, kỹ năng bán hàng thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai chu trình OCOP, hướng dẫn các địa phương trong việc hỗ trợ chủ thể kinh tế nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm, hoàn chỉnh hồ sơ đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Dự kiến công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh sẽ được tổ chức vào quý IV-2021.
 
Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Bình tổ chức đánh giá, phân hạng thêm 65-70 sản phẩm, trong đó phấn đấu từ 1-3 sản phẩm đạt 5 sao, 3-5 sản phẩm đạt 4 sao, 45-50 sản phẩm đạt 3 sao; phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là HTX và 20% là các doanh nghiệp; toàn tỉnh có 1 điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh và mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP cấp huyện…
 

Phòng Thông tin – Tuyên truyền


More