Bài viết is temporarily unavailable.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Những lưu ý khi nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn

Font size : A- A A+

Trong những năm gần đây, tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Quảng Bình đã có nhiều bước phát triển cả về năng suất và sản lượng, nhiều mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới đã được áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn với nhiều ưu điểm vượt trội rõ rệt so với phương pháp nuôi truyền thống trước đây như hạn chế được dịch bệnh, tăng tỉ lệ sống, đạt năng suất, giảm ô nhiễm môi trường nước, tôm thương phẩm sạch bệnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn có hiệu quả, người nuôi cần lưu ý những vấn đề sau:

- Chỉ áp dụng mô hình nuôi 2 giai đoạn khi đảm bảo các điều kiện như: cơ sở nuôi nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương; hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu sản xuất như: hệ thống điện, nhà kho, công trình phụ trợ và các loại trang thiết bị, máy móc, dụng cụ chuyên dùng…; có hệ thống cấp đủ nước sạch và thoát nước riêng biệt, có ao chứa, ao lắng, ao xử lý nước cấp, ao ương, ao nuôi và hệ thống ao xử lý nước thải.

- Bố trí ao nuôi liền kề với ao ương để tiện cho việc san tôm, hạn chế tôm nuôi bị sốc. Trước mỗi vụ nuôi, cần cải tạo ao nuôi và ao ương theo hướng dẫn và tiêu chuẩn được khuyến cáo.

- Tôm giống nên chọn ở những cơ sở sản xuất có uy tín trên thị trường, có nguồn gốc tôm bố mẹ rõ ràng. Cơ sở tôm giống có quy trình ương nuôi bố mẹ và cho đẻ tôm giống được kiểm soát tốt về an toàn sinh học trong trại giống.

- Tôm sau khi ương khoảng 20-25 ngày, đạt trọng lượng khoảng 800  1000 con/kg là giai đoạn thích hợp để chuyển sang ao nuôi. Trước khi san cần lưu ý kiểm tra môi trường cả hai ao (ao ương và ao nuôi) đảm bảo sự tương đồng các thông số: độ mặn, pH, độ kiềm, ôxy hòa tan… Tiến hành san tôm khi thời tiết thuận lợi, vào sáng sớm hoặc chiều mát; lựa chọn thời điểm sang tôm lúc tôm đang khỏe mạnh, không đang trong chu kỳ lột xác, vỏ chắc khỏe. Trước khi san tôm 2-3 ngày và sau khi san cần tăng cường bổ sung các loại vitamin, betagluncan, khoáng, men tiêu hóa giúp tăng cường sức đề kháng và hạn chế sốc cho tôm.

- Cần kiểm tra các thông số chất lượng nước thường xuyên nhằm phát hiện những biến đổi kịp thời và khắc phục nhanh chóng. Các thông số như nhiệt độ, pH, hàm lượng ôxy hòa tan, độ trong, độ sâu mực nước, màu nước: theo dõi và đo 2 lần/ngày vào lúc 5-6 giờ sáng và 2-3 giờ chiều. Các thông số khác như NH3, H2S, độ kiềm, độ mặn cần đo định kỳ 2 lần/tháng, đồng thời kiểm tra đột xuất khi tôm có dấu hiệu bất thường hoặc khi giá trị pH trong ngày biến động mạnh.

- Sử dụng vi sinh định kỳ trong suốt quá trình nuôi, tránh việc lạm dụng thuốc, hóa chất, áp dụng các giải pháp an toàn sinh học, an toàn thực phẩm trong ao nuôi. Người nuôi cần lưu ý chọn các nhóm chủng vi sinh có lợi như Bacillus spp, Rhodobacter spp, Rhodopseudomonas spp, Paracoccus spp… từ các nhà sản xuất có uy tín và chất lượng. Sản phẩm được công bố theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Cho tôm ăn đủ về lượng và chất, tránh thiếu thức ăn sẽ dẫn đến tôm ăn nhau, làm tôm chậm lớn khi nuôi, dẫn đến tỷ lệ hao hụt và hệ số chuyển hóa thức ăn cao, giảm lợi nhuận. Chỉ sử dụng thức ăn có chất lượng cao, không sử dụng thức ăn hết hạn sử dụng hoặc bị mốc để cho tôm ăn. Trong khẩu phần ăn của tôm cần thường xuyên hay định kỳ bổ sung thêm Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa… để tăng cường sức đề kháng cho tôm.

- Thực hiện hợp lý, hiệu quả công tác khử khuẩn, phòng bệnh trong suốt vụ. Khi tôm có những biểu hiện bệnh, người nuôi cần lấy mẫu tôm bệnh đem đến các phòng xét nghiệm bệnh tôm bằng PCR để xác định đúng nguyên nhân gây bệnh, và có những biện pháp phòng ngừa phù hợp. Đặc biệt, đối với bệnh virus, người nuôi phải báo ngay cho Trạm thú y, Trạm Thủy sản địa phương, Phòng Nông nghiệp và PTNT hoặc UBND xã để được hướng dẫn cách ly và hỗ trợ hóa chất tiêu hủy kịp thời theo đúng quy định.

                                                                                      Văn Thị Thùy Trang

                                                                             TT Khuyến nông – Khuyến ngư

More