Bài viết is temporarily unavailable.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Quản lý và bảo vệ rừng dựa vào dân

Font size : A- A A+
 Nói đơn giản, đây là cách quản lý, bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng. Là hình thức bảo vệ rừng trong đó cộng đồng dân cư được nhà nước giao quyền sử dụng dài hạn nguồn tài nguyên rừng để quản lý, bảo vệ, chăm sóc và sử dụng lâu dài, bền vững, vừa làm giàu tài nguyên rừng bằng các biện pháp lâm sinh, góp phần tăng độ che phủ của rừng, vừa tạo ra nguồn thu nhập, bảo đảm các lợi ích xã hội và sự phát triển của cộng đồng dân cư.

 Cách đây gần 10 năm, UBND huyện Minh Hóa đã ký quyết định giao trên 700ha rừng tại tiểu khu 239, NTK cho cộng đồng dân cư bản Phú Minh, xã Thượng Hóa (Minh Hóa) quản lý bảo vệ. Từ đó, rừng được bà con bảo vệ rất nghiêm ngặt và ngày càng phát triển xanh tốt. Trước đó, trên 700ha rừng tại bản Phú Minh, xã Thượng Hóa thuộc tiểu khu 239, NTK là khu rừng có trữ lượng gỗ gần 102.000 m3. Trong rừng có nhiều loại gỗ và lâm sản quý. Diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp, gần đường Hồ Chí Minh (nằm trên đèo Đá Đẽo) trong khi lực lượng Kiểm lâm mỏng nên còn xảy ra tình trạng phá rừng trái pháp luật, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân.
Để góp phần bảo vệ và phát triển rừng, Dự án vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng đã có chính sách hỗ trợ cho huyện Minh Hóa giao rừng cho cộng đồng người dân các xã vùng đệm, trong đó có bản Phú Minh, xã Thượng Hóa quản lý, bảo vệ. Thực hiện công tác giao rừng cộng đồng, các đơn vị liên quan đã tiến hành lập hồ sơ giao đất, giao rừng; xác định rõ ranh giới, diện tích, điều tra, đánh giá đúng hiện trạng của rừng...Từ khi trở thành chủ của khu rừng giàu này, bà con bản Phú Minh và các thôn bản giữ rừng cộng đồng rất phấn khởi. Bảo vệ một ha rừng, bà con được hỗ trợ 200.000 đồng/năm và dự án kéo dài 6 năm. Năm 2019, Dự án vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng kết thúc, Nghị định số 75/2015/NĐ-CP và Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho bà con giữ rừng từ 350.000 đến 400.000 đồng/ha/năm.
Để bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm cùng với chính quyền địa phương đã hướng dẫn các cộng đồng lập kế hoạch bảo vệ rừng cũng như công tác chi tiêu nội bộ trong Ban quản lý (BQL) rừng cộng đồng bản Phú Minh. Riêng BQL thành lập 3 tổ bảo vệ rừng, mỗi tổ có 12 hộ dân được trang bị bộ đàm và một số trang thiết bị hỗ trợ thay nhau đi kiểm tra rừng. Mỗi tháng, BQL đi kiểm tra rừng từ 2 đến 3 lần. Khi có vụ việc đột xuất hoặc có nguồn tin báo lâm tặc phá rừng, BQL đề xuất thêm lực lượng Kiểm lâm, Bộ đội biên phòng, Công an và chính quyền địa phương cùng phối hợp để đấu tranh, trấn áp, đẩy đuổi.
Theo chân lực lượng kiểm lâm cùng BQL rừng cộng đồng bản Phú Minh vào thăm rừng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi hàng trăm ha rừng nguyên sinh ở đây phát triển xanh tốt. Đi vào rừng khoảng 20m, hiện ra trước mắt là những cây táu, cây dổi chen nhau mọc lên cao vút. Có những cây có đường kính gần 2m, cả ba người nắm tay nhau vẫn ôm không xuể. Đi vào sâu hơn, chúng tôi thấy càng nhiều những cây gỗ lớn, có những cây cao khoảng 40-50m ken dày, nối liền nhau suốt cả cuộc hành trình dài.
Ông Thái Xuân Hồng, Bí thư Chi bộ, Trưởng BQL rừng cộng đồng bản Phú Minh cho biết: “Tuy rừng gần như thế nhưng dân mình không ai dám tự tiện khai thác. Khi thấy có người lạ vào rừng, bà con sẽ nhắc nhở. Nếu có người chống lại thì bà con sẽ kịp thời báo cáo với BQL và các lực lượng chức năng ngay”.
Ông Trần An Chung, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Thượng Hóa khẳng định: “Việc rừng được giao cho cộng đồng bảo vệ, quản lý đã giảm áp lực về công tác bảo vệ rừng cho lực lượng Kiểm lâm, các vụ vi phạm lâm luật cũng giảm đáng kể, khả năng phòng hộ của rừng, nhận thức bảo vệ rừng của bà con ngày càng được nâng cao. Trong 5 năm qua, trên địa bàn không xảy ra vụ cháy rừng nào, chỉ xuất hiện một vài điểm phát lửa nhưng nhanh chóng được dập tắt. Để góp phần bảo vệ, phát triển rừng cộng đồng tốt hơn, chúng tôi sẽ tham mưu cho BQL rừng cộng đồng bản Phú Minh mua 3 camera sử dụng pin năng lượng mặt trời bí mật lắp đặt trong rừng để theo dõi. Đồng thời, cần nghiên cứu đưa một số cây dược liệu, cây bản địa trồng thêm dưới tán rừng để nâng cao hiệu quả kinh tế, mở rộng độ che phủ của rừng”.


Hoài Văn

More