Bài viết is temporarily unavailable.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Giải pháp giảm thiểu tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tỉnh Quảng Bình

Font size : A- A A+
 Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường uy hiếp đến tính mạng, tài sản của người dân ven sông ven biển. Đặc biệt qua đợt lũ lịch sử tháng 10/2020 tình hình sạt lở càng trở nên nghiêm trọng hơn.

 Quảng Bình là tỉnh có địa hình dài và hẹp, nơi rộng nhất là 94,2km, nơi hẹp nhất là 40,3km, là nơi chịu nhiều loại hình thiên tai với tần suất và cường độ lớn nhất trong cả nước. Các hệ thống sông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có đặc điểm ngắn và dốc, khi mưa xuống nước tập trung nhanh, chảy xiết gây nên hiện tượng xói lở mạnh bờ sông, nhất là những đoạn sông cong, những bờ cấu tạo bởi đất màu, các lớp đất cát, pha cát, đất bùn hữa cơ. Tình hình xói lở xảy ra ở hầu hết hệ thống các sông trên địa bàn tỉnh, trong đó chủ yếu tập trung trên 02 hệ thống sông chính là sông Nhật Lệ và sông Gianh. Tốc độ xói lở trung bình từ 1-3m/năm, đặc biệt có nơi từ 5-10m/năm ở các xã Quảng Hải, Quảng Minh thị xã Ba Đồn; các xã Tiến Hóa, Đồng Hóa, Lê Hóa, Cảnh Hóa huyện Tuyên Hóa thuộc lưu vực sông Gianh; các xã Phúc Trạch, Sơn Trạch huyện Bố Trạch thuộc lưu vực nhánh sông Son, sông Gianh.
Bờ biển Quảng Bình có chiều dài gần 116,04km trải dài từ Quảng Trạch cho đến Lệ thủy, vùng cát ven biển có độ cao từ 2-50m so mực nước biển, độ dốc có những nơi đạt 600. Dọc bờ biển nhiều nơi là khu định cư tập trung của nhân dân đánh bắt và chế biến thuỷ sản, các khu nghỉ dưỡng, hàng năm chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều đợt gió mùa Đông Bắc kết hợp triều cường, nhiều đợt áp thấp nhiệt đới, bão lụt gây xói lở bờ biển, lấn sâu vào đất liền uy hiếp nhiều nhà cửa các khu dân cư, các công trình công cộng. Đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2020 nhiều điểm đã bị sạt lở nghiêm trọng như: Kè biển Cảnh Dương, Quảng Phúc, Hải Trạch, Nhật Lệ, Ngư Thủy.
Sau đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2020, theo thống kê có 67 khu vực sạt lở với tổng chiều dài sạt lở 108,3km, với tình hình sạt lở diễn ra hầu hết trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã.
Hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển một phần do tác động của thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, triều cường, sóng biển, kết cấu và sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, ven biển. Trong những năm gần đây, sạt lở bờ sông, bờ biển gia tăng một phần do hậu quả từ các hoạt động nhân sinh như lấn chiếm, vi phạm, xây dựng công trình không tuân thủ quy hoạch; khai thác cát, sỏi quá mức trên sông làm suy giảm lượng bùn cát về hạ lưu, cộng với tình hình biến đổi khí hậu làm gia tăng cường độ thiên tai gây sụt lún, xói lở, bồi lấp.
Để giảm thiểu sạt lở bờ sông, bờ biển cần có một số giải pháp chính như: xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và thu hút nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn; tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức, người dân về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát và tổ chức quan trắc, giám sát, nghiên cứu và cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển; kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, khu vực ven biển, ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép, nhất là tại khu vực đã được cảnh báo có nguy cơ sạt lở; quản lý chặt chẽ vùng đất ven sông, ven biển không để xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển làm tăng nguy cơ sạt lở, bị rủi ro do sạt lở; đồng thời bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với ổn định sinh kế cho người dân.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phương án chỉnh trị, phòng, chống sạt lở đối với các tuyến sông, vùng bờ biển trên địa bàn làm cơ sở cập nhật vào quy hoạch tỉnh; đồng thời xây dựng công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, trong đó tập trung xử lý khẩn cấp khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm cũng như xây dựng công trình chỉnh trị sông nhằm giữ ổn định tỷ lệ phân lưu, ổn định dòng chảy, hình thái sông, bờ sông, bờ biển tại các khu vực trọng điểm, vùng cửa sông, ven biển có diễn biến bồi, xói phức tạp.

Sạt lở bờ sông Gianh tại thôn Công Hòa, xã Quảng Trung (Quảng Trạch)


Đinh Khánh Hậu
Chi cục Thủy lợi

 

More