Bài viết ei ole ajutiselt võimalik ühendust saada.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả

Font size : A- A A+
 Từ vài năm trở lại đây, chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất lúa kém hiệu quả được tỉnh Quảng Bình triển khai một cách tích cực, hiệu quả. Đặc biệt, một số địa phương trong tỉnh còn linh hoạt lựa chọn và chuyển đổi sang các mô hình cây trồng mới phù hợp với từng vùng sinh thái, không chỉ góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân mà còn tạo nền tảng vững chắc cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững…

 Vụ Hè-thu 2021, được sự nhất trí của Sở Nông nghiệp-PTNT, Chi cục Trồng trọt-BVTV và Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư đã thực hiện mô hình trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên cánh đồng ruộng sâu trước đây chỉ sản xuất một vụ lúa, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh, anh Phan Văn Phong ở xã Phong Thủy (Lệ Thủy) đã mạnh dạn cải tạo và chuyển đổi sang trồng sen lấy hạt. Quá trình chăm sóc, anh Phong thấy cây sen khá phù hợp với điều kiện đồng ruộng, năng suất đạt khá, hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa trước đây.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tình, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư chia sẻ: Năm 2021, Trung tâm thực hiện mô hình chuyển đổi trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả với quy mô diện tích 6ha tại 2 hộ anh Phan Văn Tư và Phan Văn Thành ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy. Mô hình đã đạt được những kết quả bước đầu, được chủ thực hiện mô hình và bà con địa phương đánh giá cao, mở ra hướng chuyển đổi hiệu quả đối với diện tích đất ruộng sâu vốn chỉ canh tác một vụ.
Để nhằm đa dạng đối tượng chuyển đổi, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư cũng đã thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh quy mô 0.5ha tại hộ anh Lê Hùng ở xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh). Đây là đối tượng nuôi mới nhưng khá phù hợp với điều kiện của địa phương, tôm nuôi phát triển tốt, ít bệnh. Hiện tại, anh Hùng đã thực hiện thu tỉa với trọng lượng khoảng 25-30 con/kg, giá bán khoảng 200.000 đồng/kg, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi được gần 7.760ha diện tích đất lúa kém hiệu quả, trong đó diện tích trồng cây hàng năm gần 1.430ha, diện tích trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 6.330ha. Đặc biệt, các địa phương đã tích cực vận động và hỗ trợ người dân chuyển đổi sang các các đối tượng mới có giá trị cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.
Theo ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV, mô hình nhân rộng chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng sen đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, tỉ lệ sống sau trồng cao, cây sen sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị nhiễm sâu bệnh, thời gian thu hoạch lên đến 90 ngày, hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần trồng lúa. Đây là hướng đi mới cho chương trình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả của tỉnh.
Để thực hiện chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả theo kế hoạch sản xuất, Sở Nông nghiệp-PTNT đã phối hợp với các địa phương tích cực vận động người sản xuất chuyển đổi trên diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các đối tượng khác; đồng thời tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, mô hình, dự án để hỗ trợ đối với diện tích đất lúa kém hiệu quả cần chuyển đổi, do đó đã khuyến khích nông dân chuyển đổi sang các đối tượng phù hợp, có hiệu quả theo hướng ổn định lâu dài. Các đối tượng này không chỉ đáp ứng được yêu cầu về tính thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa, nhờ đó tạo nền tảng vững chắc cho tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện và bền vững.
Theo định hướng đến năm 2030, tỉnh ta tiếp tục phấn đấu thực hiện chuyển đổi trên đất lúa khoảng 1.417ha; trong đó, chuyển đổi sang diện tích cây trồng hàng năm 590ha, cây trồng lâu năm 52ha, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên 188ha. Việc chuyển đổi cần phải lựa chọn cây trồng, cơ cấu giống, thời vụ và kỹ thuật chăm sóc, thâm canh phù hợp để việc chuyển đổi đảm bảo hiệu quả kinh tế cao, ổn định và bền vững. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp-PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; lựa chọn đối tượng cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường, tiềm năng lợi thế về nguồn nhân lực, các điều kiện tự nhiên; đồng thời tập trung hướng dẫn kỹ thuật một số cây trồng chuyển đổi, phổ biến những mô hình hiệu quả để người sản xuất áp dụng...

Chuyển đổi trồng sen trên đất ruộng kém hiệu quả tại huyện Lệ Thủy


Văn Hiếu – Ngọc Lan

 

More