Bài viết est temporairement indisponible.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Khó khăn khi không còn hệ thống Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện

Font size : A- A A+
 Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ trung ương đến địa phương. Năm 2016, trên cơ sở tổ chức Chi cục Thú y và Phòng kỹ thuật Nông nghiệp (lĩnh vực Chăn nuôi) thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT thành Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cơ cấu tổ chức của Chi cục gồm 05 Phòng chức năng và 09 Trạm trực thuộc: 08 Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện và 01 Trạm chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật.

  Năm 2019, thực hiện Đề án 981/ĐA-UBND của UBND tỉnh Quảng Bình, các trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị, thành phố được chuyển giao về UBND cấp huyện quản lý. Cơ cấu và tổ chức bộ máy của Chi cục có thay đổi lớn, đặc biệt hệ thống Trạm CNTY cấp huyện không còn, khi 08 Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện đã chuyển giao về UBND huyện quản lý và hợp nhất các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Trạm Khuyến nông thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp.

Việc sáp nhập các Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thị xã, thành phố từ bước đầu đã thấy được một số mặt tích cực như công tác phòng chống dịch bệnh được UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động chỉ đạo. Nâng cao vai trò trách nhiệm của UBND cấp huyện trong công tác chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ chăn nuôi, thú y, thú y thủy sản trên địa bàn; giảm từ 03 đầu mối xuống còn 01 đầu mối, về lâu dài sẽ giảm chi phí quản lý nhà nước; khi dịch xảy ra, kịp thời huy động được nhiều đơn vị, ban ngành và lực lượng trên địa bàn tham gia phòng, chống dịch.
Bên cạnh một số mặt tích cực, khi triển khai thực hiện còn tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn, bất cập, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Việc giám sát, phát hiện ca bệnh và báo cáo dịch bệnh bị chậm trễ, kéo dài thời gian xảy ra dịch; công tác báo cáo dịch bệnh tại tuyến cơ sở chưa thực hiện theo đúng quy định; khi cơ quan chuyên môn thú y cấp tỉnh và Trung ương nhận được thông tin thì dịch bệnh đã lây lan ra diện rộng, rất khó kiểm soát; trong lúc dịch bệnh xảy ra tại nhiều địa phương việc báo cáo bị gián đoạn, không cập nhật được số liệu hằng ngày; việc chia sẻ thông tin dịch bệnh giữa cơ quan cấp huyện trong tỉnh chưa kịp thời, thiếu đồng bộ và nhất quán...
Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra an toàn thực phẩm tại địa phương gặp khó khăn bởi vì Chi cục cấp tỉnh không ủy quyền kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, vì kiểm dịch viên theo quy định phải là công chức (Thông tư số 07/2015/TT-BNV), trong khi Trung tâm là đơn vị sự nghiệp. Bên cạnh đó, Chi cục chỉ có từ 04-05 kiểm dịch viên động vật, lực lượng mỏng, công việc nhiều, địa bàn vùng sâu, vùng xa như (Minh Hóa, Tuyên Hóa..) nên chưa bảo đảm tuyệt đối quy trình, quy định của Luật thú y và nhu cầu người dân, ảnh hưởng cho việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo chuỗi và theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra cũng gặp khó khăn do các Trung tâm không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong quản lý về lĩnh vực chăn nuôi thú y. Khi hệ thống thú y không còn xuyên suốt từ tỉnh đến huyện đến xã, công tác đào tạo, tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới, kiến thức, kỹ thuật chuyên môn gặp nhiều khó khăn. Việc cử người tham dự các khóa đào tạo cũng không được chú trọng nên các khóa tập huấn chủ yếu là cán bộ thú y cấp tỉnh, trung ương tham dự.
Cũng chính vì sự bất cập này, ngày 17/11/2020, Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết số 134/2020/QH14 về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; trong đó yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành tập trung thực hiện “sớm ban hành Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030”. Ngày 22/3/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 414/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030”; UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch số 1211/KH-UBND ngày 12/7/2021 về triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030”, trong đó, có kiện toàn hệ thống thú y các cấp theo đúng Luật Thú y và các văn bản chỉ đạo liên quan.
Hiện nay, Chi cục đang tham mưu Sở trình UBND tỉnh Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của Chi cục Chăn nuôi và Thú y trong đó tái lập Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện theo quy định tại Điều 6, Luật Thú y năm 2015. Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện thuộc Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y đặt tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương. Do không đủ biên chế công chức để bố trí, mặt khác để thực hiện chủ trương tinh giảm biên chế, giảm đầu mối; Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất tái thành lập 05 trạm Chăn nuôi và Thú y/08 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 25 công chức mới phù hợp quy định. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là không có công chức để bố trí nên đến nay vệc tái lập trạm CNTY cấp huyện vẫn chưa thực hiện được nên trong công tác phòng chống dịch bệnh và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn.
                                                                             Chi cục Chăn nuôi-Thú y

 

More