Bài viết est temporairement indisponible.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Tín hiệu vui trong chuyển đổi cây trồng trên đất cao su

Font size : A- A A+

 Sau hai cơn bão lớn năm 2013, 2017, người dân vùng gò đồi huyện Bố Trạch đã chuyển đổi một phần diện tích cao su bị thiệt hại nặng sang trồng các loại cây truyền thống như hồ tiêu. Cũng có hộ xem chuyển đổi như một phép thử nên đưa giống mới vào trồng và không tránh được những rủi ro. Thế nhưng, trong khó khăn, cây hồ tiêu đang từng bước xác định được vị trí là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế vườn của nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung. Có thể nói, đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất vùng đồi huyện Bố Trạch.

 Sau bão năm 2013, một số hộ dân tiếp tục khôi phục lại diện tích cao su bị gãy đổ, như chị Nguyễn Thị Khuyên ở xã Phú Định, chủ vườn cao su trên 500 cây, bị bão làm đổ gần một nửa, do không có điều kiện kiến thiết lại nên hiện vẫn giữ nguyên, hàng ngày cầm dao ra vườn cạo để bán mủ đông, dù chỉ thu được hơn 100.000 đồng/ngày; ông Trần Văn Hiền ở thị trấn Nông Trường Việt Trung, số cao su còn lại chưa đến 200 cây, phần lớn nghiêng 30-60 độ, sau bão ông thuê máy múc dựng lại số cây bị nghiêng để hàng ngày cạo tận thu. Hiện nhiều hộ dân của các xã phú Định, Tây Trạch, Hòa Trạch, thị trấn Việt Trung cũng làm theo cách này, chủ yếu để tạm ổn định đời sống trước khi chưa có vốn và chưa tìm ra được phương án chuyển đổi phù hợp.
Tuy nhiên, một số hộ không ngần ngại đầu tư cây trồng mới. Chị Nguyễn Thị Nguyên ở xóm Rẫy, xã Tây Trạch cho biết: Ngoài diện tích cao su bị hư hại chuyển sang trồng hồ tiêu và cây trồng khác, năm 2017 gia đình chị cùng một hộ bà con đã ra ngoài bắc tìm giống chuối móc mua về trồng gần 2 ha theo hướng sản xuất hàng hóa. Cây phát triển tốt, dự kiến cho thu nhập khá vào dịp tết năm 2017, không ngờ cơn bão cuối tháng 9 tràn qua đã san bằng, phép thử này đã gây thiệt hại mỗi hộ hàng trăm triệu đồng. Hiện diện tích chuối nói trên một số chuyển sang trồng sắn, một số được đầu tư trồng xen giống mít chất lượng, với hy vọng ít chịu ảnh hưởng thiên tai và thu nhập bền vững hơn.
Nói vậy, vẫn có những hộ thành công ngay trong bước đầu chuyển đổi, đơn cử như hộ ông Bế Văn Mai tiểu khu Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung trồng 6-7 ha cam ngọt, nhờ đất đai phù hợp và thâm canh đúng quy trình nên hiệu quả kinh tế mang lại đáng kể. Tìm hiểu thêm, ở các đội của thị trấn Nông trường Việt Trung hầu như nhà nào cũng trồng cây hồ tiêu và đang là nguồn thu quan trọng trong kinh tế hộ. Trong đó có nhiều hộ trồng từ 1-4 ha, như hộ ông Nguyễn Văn Diệm đội Hữu Nghị, hộ ông Nguyễn Văn Hội, Trần Như Hùng đội Sao Vàng, hộ bà Hòa, hộ bà Sâm đội Độc Lập - thị trấn Nông trường Việt Trung…
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Diệm, một chủ trang trại có kinh nghiệm ở đội Hữu Nghị vừa là Chủ tịch Hội Làm vườn thị trấn về công tác chuyển đổi cây trồng tại địa phương, chúng tôi được biết: Mới đây thị trấn đã tổ chức Hội thảo chuyên đề về cây hồ tiêu, tại hội thảo các đại biểu đã xác nhận hồ tiêu là cây trồng truyền thống có từ thế kỷ XIX; do được trồng từ lâu nên người dân trong vùng tiếp thu được kinh nghiệm quý báu trong nhân giống, trồng, chăm sóc và thu hoạch; chất lượng hạt hồ tiêu cũng được đánh giá cao, cay, ngon và thơm hơn so với tiêu trồng vùng khác; thu nhập cao hơn nhiều lần nhưng lại ít ảnh hưởng thiên tai hơn so với cây cao su. Về diện tích, nếu năm 2014 diện tích cây hồ tiêu toàn thị trấn Nông trường Việt Trung là 180 ha thì đến nay đạt 300 ha (tăng 120 ha); thu nhập từ cây hồ tiêu đã góp phần cải thiện đời sống của người dân; từ những căn cứ trên hội thảo đã xác định hồ tiêu là cây trồng mũi nhọn trong kinh tế vườn của địa phương. ở một góc độ khác, ngoài cao su là cây trồng chính, Công ty Việt Trung từng được Nhà nước giao phát triển cây hồ tiêu và là một trong hai chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu của đơn vị . Với hơn nửa thế kỷ phát triển cây trồng này đã ảnh hưởng rất lớn đến tư duy canh tác của công nhân công ty và người dân sống trên địa bàn.
Có thể nói, từ kết quả thực tiễn cùng với đánh giá của Hội thảo chuyên đề của thị trấn Nông trường Việt trung là cơ sở khoa học để xác định hồ tiêu là cây trồng mũi nhọn trong chuyển đổi cây trồng. Đây là tín hiệu vui và có ý nghĩa quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế hộ, góp phần phát triển hiệu quả và bền vững kinh tế vườn đồi tại tỉnh ta nói chung và huyện Bố Trạch nói riêng.


Đặng Văn Huế
Bắc Lý – Đồng Hới

More