Bài viết est temporairement indisponible.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Bố Trạch: Khai thác tốt tiềm năng rừng trồng

Font size : A- A A+

 Với diện tích vùng gò đồi rộng lớn, Bố Trạch là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế từ rừng trồng. Trong những năm gần đây, từ các chính sách khuyến lâm, giao đất, giao rừng... hiệu quả kinh tế từ rừng trồng trên địa bàn huyện Bố Trạch đã được khẳng định, đời sống của người dân từng bước được nâng cao.

 Theo số liệu từ phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch, toàn huyện hiện có 171.485 ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng sản xuất 60.301 ha. Nhận thấy vai trò quan trọng của rừng trong đời sống của người dân và hiệu quả kinh tế từ việc trồng rừng đem lại, những năm gần đây, huyện Bố Trạch đã không ngừng phát triển diện tích rừng trồng; chú trọng giao đất, giao rừng về cho địa phương để giao về cho hộ gia đình quản lý, sử dụng. Huyện đã hoàn thành việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng ở xã Xuân Trạch (phần diện tích 501 ha cắt từ Chi nhánh lâm trường Bố Trạch) và đã giao được 597,3 ha cho người dân tại 5 bản của xã Thượng Trạch.

 Diện tích keo trồng mới trên địa bàn huyện Bố Trạch.
Diện tích keo trồng mới trên địa bàn huyện Bố Trạch.

Cùng với đó, công tác giao rừng cộng đồng được đẩy nhanh tiến độ... Nhờ đó đến nay, diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện đạt trên 21.706 ha với các loại cây trồng chủ lực như thông nhựa 5.476 ha, keo 14.755 ha, số còn lại là các loại cây khác...

Trong số 30 xã, thị trấn trên địa bàn, nói đến tiềm năng rừng trồng của huyện Bố Trạch phải kể đến 2 xã Lâm Trạch và Liên Trạch, bởi đây là 2 xã nằm khá tách biệt, không thuộc hệ thống các xã vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; người dân nơi đây chủ yếu canh tác nông nghiệp và sống nhờ vào rừng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Sỹ Phúc, Chủ tịch UBND xã Lâm Trạch cho biết: Lâm Trạch là xã miền núi đặc biệt khó khăn với trên 85% số hộ gia đình sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với đặc thù địa hình vùng đồi núi, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Hạn hán vào mùa khô khiến người dân địa phương không thể tiến hành gieo cấy vụ hè-thu, trồng trọt chỉ bảo đảm được an ninh lương thực cho bà con trong vòng 8 tháng đầu năm.

Hiện nay, lợi thế duy nhất của địa phương là có diện tích đất lâm nghiệp lớn với trên 2.200 ha rừng trồng; trong đó có 600 ha thông nhựa, phần còn lại là keo và bạch đàn. Với mức thu nhập từ 25 triệu – 30 triệu/ha keo và 19 triệu đồng/tấn nhựa thông, trồng rừng đã và đang góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Cũng vì lẽ đó, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lâm nghiệp đóng vai trò rất quan trọng và cũng là yếu tố quyết định để xã Lâm Trạch từng bước giảm nghèo bền vững.

Sau Lâm Trạch, xã Liên Trạch là địa phương đứng thứ 2 toàn huyện với 1.949 ha rừng trồng. Toàn xã có 5 thôn, trong đó có 3 thôn gồm Phú Hữu, Tân Hội và Phú Kinh phát triển mạnh diện tích rừng trồng với loại cây chủ yếu là thông nhựa. Hiện diện tích thông nhựa trên địa bàn đang vào vụ khai thác, với giá bán 1,9 triệu đồng/tạ nhựa thông, mỗi tuần người dân có thể thu lãi từ 1,5 đến 2 triệu đồng từ loại cây này.

Từ rừng trồng, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Tiêu biểu như hộ gia đình anh Nguyễn Văn Tiến (thôn 2) và anh Đinh Văn Hà (thôn 6) xã Lâm Trạch; anh Hoàng Trọng Bằng, thôn Phú Kinh, xã Liên Trạch...

Cùng với các địa phương, các doanh nghiệp lâm nghiệp cũng tích cực đầu tư trồng rừng. Lâm trường Bố Trạch hiện đang sở hữu 618,54 ha rừng trồng. Trong những năm gần đây, nhận thấy những ưu thế vượt trội của cây keo như thời gian sinh trưởng nhanh, có tác dụng cải tạo đất, hiệu quả kinh tế cao lại thích hợp với mọi địa hình, kể cả địa hình có độ dốc lớn, đất xấu..., lâm trường đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu rừng trồng, tập trung chủ yếu vào cây keo.

Trung bình 1 ha keo khai thác sẽ thu về trên dưới 30 triệu đồng, chưa kể lượng dăm gỗ tận dụng từ việc khai thác keo có thể xuất ra thị trường với giá gần 1 triệu đồng/tấn. Hiện nay, thị trường có nhu cầu thu mua keo khá lớn, giá cả lại ổn định nên trồng keo được coi là hướng đi đem lại nhiều hiệu quả kinh tế.

Chế biến sản phẩm từ gỗ rừng trồng.
Chế biến sản phẩm từ gỗ rừng trồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Cẩm Long, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch cho biết: Từ đầu năm đến nay, khai thác gỗ rừng trồng trên địa bàn huyện đạt 248,9 ha với sản lượng gỗ, củi đạt 8.194 ster; ước tính giá trị thu được trên 6,3 tỷ đồng. Không chỉ có giá trị kinh tế, rừng trồng còn góp phần cải thiện đáng kể môi trường sinh thái. Với mục tiêu phát triển rừng bền vững, phấn đấu đưa độ che phủ rừng đạt tỷ lệ 82% (năm 2016), huyện Bố Trạch đề ra chỉ tiêu mỗi năm trồng mới 400 ha rừng tập trung.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, diện tích trồng mới tập trung trên địa bàn huyện Bố Trạch đạt 300,25 ha; trồng cây phân tán các loại đạt 30.000 cây. Để khai thác tiềm năng đất đai, lao động, phát huy cao hơn nữa giá trị của rừng, thời gian tới, huyện Bố Trạch chủ trương kiểm soát tốt chất lượng cây giống lâm nghiệp; định hướng các doanh nghiệp, hộ gia đình cải tiến kỹ thuật, đầu tư trồng rừng gỗ lớn, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế. Đồng thời tiếp tục thu hút đầu tư các dự án chế biến gỗ gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, bảo đảm phát triển bền vững...

Hiện huyện Bố Trạch đang tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai hỗ trợ giống keo lai nuôi cấy mô cho các địa phương theo chính sách của tỉnh, dự kiến năm nay toàn huyện sẽ hỗ trợ trồng mới được hơn 16.000 cây keo lai nuôi cấy mô.

Với những thuận lợi về điều kiện tự nhiên và thế mạnh về diện tích đất rừng, trồng rừng đã và đang là hướng đi bền vững, nhiều tiềm năng cho huyện Bố Trạch.

Nguồn: Website Báo Quảng Bình

More