Bài viết ideiglenesen nem elérhető.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Bình

Font size : A- A A+

 Với điều kiện tự nhiên đa dạng phong phú, đa dạng, giao thông thuận lợi, đặc biệt có nhiều điểm du lịch như di sản Phong Nha-Kẻ Bàng, hệ thống các hang động kỳ vĩ, các đền, chùa, bãi biển đẹp…, Quảng Bình đang là điểm dừng chân nghỉ dưỡng của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Với số lượng khách du lịch đến ngày càng nhiều, nhu cầu mua và sử dụng các mặt hàng nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc sản của địa phương ngày càng tăng cao. Trong khi đó, tỉnh ta có nhiều ngành nghề truyền thống lâu đời mang nét văn hóa riêng, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sắc, đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa kết hợp với phát triển các loại hình du lịch. Theo đó, Quảng Bình có nhiều điều kiện phù hợp để triển khai Chương trình quốc gia “mỗi xã một sản phẩm”.

 Ngày 02/3/2017 tại Hội nghị “Phát triển mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp” tổ chức ở tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm trong phạm vi toàn quốc nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đồng thời thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Năm 2018, Sở Nông nghiệp và PTNT được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tham mưu xây dựng Đề án "Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2018-2020".
OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân như doanh nghiệp, hộ sản xuất và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.
Chương trình OCOP được triển khai với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thực hiện có hiệu quả tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh theo hướng cộng đồng để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn; bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát triển xã hội khu vực nông thôn bền vững.
Chương trình OCOP lấy địa bàn nông thôn, cụ thể là cấp xã làm đơn vị tổ chức thực hiện và khuyến khích thực hiện ở khu vực đô thị (phường, thị trấn). Đối tượng thực hiện chương trình bao gồm sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương theo 6 nhóm sản phẩm chính gồm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm-trang trí-nội thất, dịch vụ nông thôn, bán hàng; chủ thể thực hiện là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.
Chu trình OCOP được thực hiện tuần tự theo 6 bước: Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh; đánh giá và xếp hạng sản phẩm; xúc tiến tương mại.
Đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hoàn thành điều tra thu thập thông tin tại 159 xã, phường, thị trấn; tổ chức xong Hội nghị tham vấn cấp huyện; viết đề án, vào tháng 7/2018 sẽ trình UBND tỉnh theo đúng tiến độ.
Với tinh thần cả quốc gia khởi nghiệp theo phát động của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cần có sự khởi nghiệp của cả đội ngũ nông dân đông đảo hiện nay, cần có sự tổ chức khoa học với sự chỉ đạo, hỗ trợ, dẫn dắt của Nhà nước để nông thôn thực sự làm chủ, phát huy sự chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế từ những lợi thế của mỗi địa phương trong cả nước. Việc triển khai chương trình OCOP Quảng Bình sẽ góp phần xây dựng nông thôn mới; quảng bá, phục hồi và phát triển một số sản phẩm truyền thống; khơi dậy niềm tự hào của người dân mỗi vùng quê, giúp họ tự tin, sáng tạo, yêu quê hương; nâng tầm hình ảnh của Quảng Bình trong phát triển kinh tế xã hội và thực hiện giảm nghèo bền vững; ngoài ra còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm thủ công trong bối cảnh toàn cầu hóa và việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

* OCOP: One Commune One Product


Bích Thảo
Chi cục Phát triển nông thôn

 

More