Bài viết untuk sementara tidak tersedia.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Giải pháp hạn chế thiệt hại thiên tai trên địa bàn tỉnh

Font size : A- A A+
 Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thiên tai năm 2021 trên cả nước nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng vẫn tiếp tục diễn biến cực đoan, phức tạp, khó lường, hạn hán thiếu nước, mưa lớn gây lũ lụt, bão áp thấp nhiệt đới. Từ đầu năm đến nay đã có 8 cơn bão hoạt động trên biển đông, 12 đợt gió mùa Đông Bắc và KKL tăng cường; có 05 đợt nắng nóng với nhiệt độ 38, 39 độ, có nơi trên 40oC; có 03 đợt giông lốc, xảy ra 01 đợt lụt trên báo động III.

 Theo thống kê của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã gây thiệt hại lớn về tài sản của nhà nước và nhân dân: gần 100 nhà bị hư hỏng, trên 3.000ha hoa màu bị hư hại do lốc; 465 nhà bị ngập lụt, 1.900 nhà bị chia cắt..., nhiều công trình giao thông, thủy lợi hư hỏng, ước tính thiệt hại gần 100 tỷ đồng.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, cần tập trung thực hiện tốt những biện pháp sau:
Thứ nhất, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi người, mọi nhà, mọi địa phương nhận thức sâu sắc tác hại của thiên tai, nhận diện một cách đầy đủ các loại hình thiên tai và những diễn biến của nó để chủ động phòng, chống một cách có hiệu quả, với phương châm “Phòng, tránh là chính, tự cứu mình là chính”.
Thứ hai, xây dựng và phê duyệt Kế hoạch PCTT các cấp giai đoạn 2021-2025, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai; lồng ghép các nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, trong các chương trình, hoạt động của các cấp tại địa phương.
Thứ ba, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, vật tư tại chỗ) một cách chủ động, thực chất và có hiệu quả.
Thứ tư, coi trọng đúng mức và làm tốt công tác dự báo, dự tính, chỉ huy điều hành của các cấp, các ngành.
Thứ năm, quy hoạch và xây dựng và nâng cấp các hồ chứa để vừa cấp nước cho các nhu cầu KT-XH, vừa điều tiết nước lũ về mùa mưa; củng cố các tuyến đê sông, biển, hồ thủy lợi... xây dựng các trạm bơm tưới tiêu...
Thứ sáu, rà soát, củng cố, thành lập lực lượng xung kích PCTT cấp xã để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Thứ bảy, khi có thiên tai xảy ra, cần huy động tổng hợp các lực lượng, nhất là lực lượng chuyên nghiệp, lực lượng vũ trang, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, thanh niên tình nguyện và nhân dân trên địa bàn thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; phải chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện và các yếu tố đảm bảo. Sau thiên tai, cần đánh giá chính xác thiệt hại, huy động nội lực với tinh thần “lá lành đùm lá rách” và coi trọng sự cứu trợ, giúp đỡ từ bên ngoài. Tổ chức tốt việc tiếp nhận, quản lý, phân phối nguồn cứu trợ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, dân chủ.
Thứ tám, quan tâm đầu tư cho các đơn vị cơ sở xã, phường nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ cao về phương tiện cứu hộ, cứu nạn, dự trữ các nhu cầu thiết yếu lương thực, thực phẩm, thuốc men... để phục vụ ứng cứu và khắc phục kịp thời hậu quả của thiên tai.
Thứ chín, tiếp tục qua tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình phòng, chống thiên tai như kiên cố hóa hồ đập, đê, kè... đồng thời tăng cường công tác dự báo, dự tính; cung cấp thông tin dự báo đầy đủ và tin cậy hơn.
Các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và toàn thể người dân tỉnh Quảng Bình giải quyết tốt 9 biện pháp trên thì sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và của, chủ động hơn trong công tác chỉ huy ứng phó cũng như phòng tránh giảm nhẹ thiên tai của người dân.


Lê Thanh Phong
Chi cục Thuỷ lợi

More