Bài viết is temporarily unavailable.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Bám chốt giữ rừng

Font size : A- A A+

Gần một năm nay, nhiều cán bộ, công chức Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh được tăng cường lên chốt để hỗ trợ cho các chủ rừng làm công tác bảo vệ rừng (BVR). Từ khi có sự hỗ trợ đó, “cuộc chiến” giữ rừng trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, các vụ phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phépđã giảm nhiều so với trước.

Huyện Quảng Ninh có trên 78.600ha rừng tự nhiên. Rừng trên địa bàn rộng lớn, trữ lượng gỗ nhiều, lực lượng BVR mỏng, năng lực, hành lang pháp chế của chủ rừng còn hạn chế... nên tình trạng phá rừng trước đây vẫn còn xảy ra. Để hạn chế tình trạng này, tháng 3/2023, Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh lập và triển khai phương án tăng cường lực lượng lên chốt hỗ trợ các chủ rừng, thực hiện quyết tâm BVR tận gốc, xóa bỏ các “điểm nóng” về phá rừng.

Lực lượng Kiểm lâm và BVR tại xã Trường Xuân trao đổi chuyên môn.

Lực lượng Kiểm lâm và BVR tại xã Trường Xuân trao đổi chuyên môn.

Với phương châm BVR tại gốc, lực lượng Kiểm lâm trên chốt đã bám sát địa bàn, nắm tình hình, khoanh vùng trọng điểm trên tuyến sông Long Đại, Khe Trơ, khu vực Là A, tuyến đường 11 thuộc xã Trường Sơn; khu vực Sung, Trạng Rộng xã Trường Xuân... Hạt cũng đã phối hợp các lực lượng chức năng, chủ rừng tổ chức 28 đợt kiểm tra, truy quét tại các khu vực trọng điểm, như: Lèn Oong, Khe Ngay, Nà Lâm, Pờ Loang, Rìn Rìn, Dốc Mây và nhiều vị trí thuộc lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) huyện Quảng Ninh, Chi nhánh Lâm trường Khe Giữa, Trường Sơn...

 

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh Nguyễn Xuân Quế cho biết: “Nhằm xóa bỏ các “điểm nóng” về phá rừng, hạt đã cử 14 cán bộ thuộc các trạm Kiểm lâm Trường Sơn, Trường Xuân, Long Đại lên 6 chốt làm nhiệm vụ, trong đó có 5 chốt trên rừng và 1 chốt trên sông. Tuy lực lượng lên chốt vất vả hơn, thời gian nghỉ ngơi, dành cho gia đình ít lại nhưng ai cũng quyết tâm bám chốt. Nhờ nỗ lực của anh em tăng cường và chủ rừng nên tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép năm 2023 giảm nhiều so với trước”.

 

Trạm Kiểm lâm Trường Xuân hiện có 3 công chức và 1 hợp đồng lao động. Do diện tích rừng tự nhiên rộng (hơn 9.500ha), trên địa bàn có một số thanh niên nghiện ma túy, thường gây rối và khai thác gỗ rừng trái phép. Để ngăn chặn tình trạng này, cả 4 công chức, hợp đồng của trạm thay nhau lên chốt Nà Lâm và Trạng Rộng cùng chủ rừng trực, tuần tra, kiểm soát lâm sản.

Công việc hàng ngày của lực lượng Kiểm lâm tại chốt là phối hợp với chủ rừng tuần tra, kiểm soát, xử lý các vụ vi phạm, tuyên truyền cho người dân chung tay BVR.

Công việc hàng ngày của lực lượng Kiểm lâm tại chốt là phối hợp với chủ rừng tuần tra, kiểm soát, xử lý các vụ vi phạm, tuyên truyền cho người dân chung tay BVR.

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Trường Xuân Nguyễn Thanh Hải tâm sự: “Từ khi chuyển lên trực chốt, chúng tôi đã thực hiện hơn 30 chuyến tuần tra qua đêm và hàng trăm chuyến tuần tra quanh rừng. Ngoài ra, trạm còn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con không phá, lấn chiếm rừng trái phép”.

 

Trong năm 2023, trạm và các lực lượng chức năng đã xử lý 13 vụ vi phạm pháp Luật Lâm nghiệp, thu giữ hơn 2m3 gỗ các loại, 2 máy cưa xăng, 1 khẩu súng tự chế. Trạm trưởng Trạm BVR số 5 (Hang Chuồn) thuộc Ban QLRPH Quảng Ninh cho hay: “Nhờ có lực lượng Kiểm lâm lên hỗ trợ nên công tác BVR của chúng tôi thêm hiệu quả. Hàng ngày, lực lượng Kiểm lâm giúp chúng tôi về mặt nghiệp vụ, cùng nhau tuần tra, kiểm soát rừng, xử lý nghiêm các vụ vi phạm. Tuy công việc vất vả nhưng được cái tình trạng phá rừng đã giảm nhiều so với trước”.

 

Để đến chốt BVR Đá Trơn thuộc khu vực Lồ Ô, chúng tôi phải đi bộ mất 1 giờ đồng hồ, trèo đèo lội suối. Chốt chỉ là một cái lán nhỏ được dựng bằng gỗ đơn sơ, lợp lá và bạt nhưng lại là nơi làm việc, nghỉ ngơi thường xuyên của 5 người (2 Kiểm lâm, 3 chủ rừng). Anh Nguyễn Thanh Long, kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Trường Sơn chia sẻ: “Với phương châm BVR tại gốc, hàng ngày chúng tôi phải gùi lương thực, thực phẩm nước uống lên chốt trực, tuần tra rừng. Mùa hè thì nóng bức, thiếu nước sinh hoạt, ăn uống. Mùa mưa thì uống nước mưa, nước đục. Mùa đông thì rét buốt thấu xương nên anh em phải thổi lửa cả đêm để sưởi ấm. Dù vất vả nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau cố gắng vượt qua, quyết tâm giữ rừng thật tốt”.

Cuộc sống trên chốt BVR của các lực lượng vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Cuộc sống trên chốt BVR của các lực lượng vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Hiện chốt Đá Trơn đang quản lý, bảo vệ gần 15.000ha rừng tự nhiên. Năm 2022, tại khu vực Lồ Ô, lực lượng chức năng đã bắt giữ 17 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, thu giữ hơn 15m3 gỗ các loại. Để ngăn chặn tình trạng phá rừng, Trạm Kiểm lâm Trường Sơn đã cử 2 kiểm lâm viên lên trực chốt. Trong các dịp lễ, Tết hoặc mưa bão, lực lượng của chốt phải tăng dày lịch tuần tra, kiểm soát. Nhờ đó, từ tháng 3/2023 đến nay, trên địa bàn chốt quản lý không xảy ra vụ phá rừng nào, các đối tượng thường phá rừng trước đó giờ đã chuyển đổi ngành nghề hoặc đi làm ăn xa.

 

Ngoài chốt Đá Trơn, trên địa bàn xã Trường Sơn còn có chốt BVR Khe Đen trên Quốc lộ 9C, chốt La A ở bản Trung Sơn có sự tham gia của lực lượng Kiểm lâm. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Trường Sơn Hoàng Xuân Tình cho hay: “Những nơi Kiểm lâm tham gia chốt là “điểm nóng” phá rừng trước đây. Từ khi được chúng tôi hỗ trợ, tình trạng khai thác gỗ rừng, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn đã giảm 80% so với năm trước, ý thức BVR của người dân được nâng lên. Nhiều bà con trong xã giờ không sống phụ thuộc vào rừng nữa mà đã chủ động chuyển đổi ngành nghề”.

 

Năm 2022, Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh và các cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng đã phát hiện, lập hồ sơ 86 vụ vi phạm, xử lý tịch thu 11,513m3 gỗ các loại và trên 27m3 gỗ khác chưa xử lý cùng nhiều phương tiện, tang vật vi phạm. Năm 2023, khi có lực lượng Kiểm lâm tăng cường lên chốt, toàn huyện chỉ lập biên bản xử lý 46 vụ vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp, tịch thu trên 6m3 gỗ các loại...

Trạm Kiểm lâm Trường Sơn đang quản lý gần 70.000ha rừng tự nhiên thuộc nhiều chủ rừng khác nhau, như: Lâm trường Khe Giữa, Lâm trường Trường Sơn, Ban QLRPH Quảng Ninh, rừng của 8 cộng đồng thôn bản và UBND xã quản lý. Với sự hỗ trợ đắc lực, hiệu quả của lực lượng Kiểm lâm, năm 2023, trên địa bàn xã Trường Sơn chỉ phát hiện, xử lý 19 vụ vi phạm pháp Luật Lâm nghiệp, thu giữ hơn 4m3 gỗ các loại, 3 máy cưa xăng, xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên 140 triệu đồng, giảm 26 vụ và gần 30 mét khối gỗ so với năm 2022...

Theo ông Nguyễn Xuân Quế, thời gian tới, Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, chủ rừng tăng cường công tác BVR tại gốc; phối hợp thực hiện có hiệu quả phương án kiểm tra, truy quét, chốt chặn trước, trong và sau Tết Nguyên đán; duy trì chốt liên ngành trên các tuyến đường bộ, đường sông và các khu vực trọng điểm. Nếu phát hiện ra các vụ vi phạm pháp Luật Lâm nghiệp, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Nguồn: Website Báo Quảng Bình

More