Bài viết er midlertidig utilgjengelig.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Tăng cường phòng chống rét trong nuôi trồng thuỷ sản

Font size : A- A A+
 Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, trong những tháng cuối năm 2021 thời tiết sẽ diễn biến phức tạp theo hướng bất lợi cho nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, các tỉnh khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể bị ảnh hưởng của các đợt mưa lớn và không khí lạnh kéo dài. Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, đảm bảo an toàn cho sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra cho nuôi trồng thủy sản. Trên cơ sở các hướng dẫn của ngành chuyên môn, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Bình xin lưu ý đến các hộ, cơ sở nuôi trồng thủy sản trong tỉnh một số biện pháp phòng chống rét cho thủy sản nuôi như sau:

 - Đối với các đối tượng thuỷ sản nuôi đạt kích cỡ thu hoạch gần đến kỳ thu hoạch nhưng không có điều kiện thực hiện các biện pháp phòng chống rét, nhất là các đối tượng chịu rét kém như cá rô phi, cá diêu hồng, cá lóc, cá chẽm, tôm thẻ chân trắng… cần thu hoạch sớm và triệt để, không để thủy sản chết do rét.
- Đối với diện tích thuỷ sản đang nuôi (thuỷ sản chưa đạt kích cỡ làm thương phẩm, đàn cá bố mẹ, cá giống) cần áp dụng:
+ Duy trì mực nước ao đảm bảo độ sâu 1,5-2 m để ổn định nhiệt độ nước.
+ Với ao nuôi cá: Thả bèo tây trên mặt ao từ 1/3-2/3 diện tích mặt nước ao nuôi để làm giảm mặt tiếp xúc với không khí, từ đó hạn chế được sự chênh lệch nhiệt độ (chú ý: bèo được gom vào một góc ao tránh thả tràn lan che kín hết mặt ao, làm giảm độ thoáng của ao). Hoặc dùng các sọt đan bằng tre nứa, bên trong sọt có các búi rơm tạo giá thể để cá trú ẩn rét, đặt sọt ở góc phía Bắc ao nuôi.
+ Với ao nuôi tôm: có thể bơm nước từ đáy ao lắng qua để có thể cung ứng thêm nước sạch có nhiệt độ ổn định. Trong một số trường hợp, có thể gây màu nước để giúp hấp thu tối đa năng lượng mặt trời.
+ Đối với cơ sở nuôi có điều kiện: Làm khung và che phủ bề mặt ao nuôi bằng nilon sáng màu để chắn gió, cách nhiệt, tăng khả năng giữ nhiệt cho nước và khi có ánh sáng sẽ tăng khả năng hấp thu năng lượng mặt trời bổ sung nhiệt cho ao nuôi.
+ Đối với thủy sản nuôi lồng có thể sử dụng nilon sáng màu để phủ kín mặt lồng nuôi hoặc di chuyển lồng nuôi đến nơi ít gió thả sâu lồng nuôi 1,8-2,0m so với mặt nước.
+ Cho thuỷ sản nuôi ăn đầy đủ, sử dụng các loại thức ăn có chất lượng cao, khẩu phần ăn phù hợp, bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng. Khi nhiệt độ nước ao nuôi ≤ 150C thì ngừng cho ăn.Vào thời điểm nắng ấm trong ngày có thể cho ăn bằng thức ăn tinh, thức ăn chế biến, thức ăn công nghiệp theo khẩu phần ăn.
+ Định kỳ dùng CaO, liều lượng 2-3 kg/100 m2 (1lần/tháng) bón xuống ao nuôi để phòng ngừa bệnh nấm, ký sinh trùng cho cá. Có thể tăng nhanh sục khí để cung ứng toàn diện oxy cho các tầng nước, hạn chế tình trạng stress cho tôm, cá.
+ Hằng ngày theo dõi các yếu tố môi trường, điều chỉnh chất lượng nước đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật. Quan sát các hiện tượng bất thường, xác định nguyên nhân để xử lý kịp thời.
+ Trong thời gian giá rét tuyệt đối không kéo lưới kiểm tra thủy sản nuôi, không thu hoạch theo cách đánh tỉa thả bù để tránh bị xây xát cho thủy sản nuôi nhằm hạn chế các bệnh đốm đỏ, lở loét do nấm, trùng quả dưa và ký sinh trùng.


Đoàn Loan
Trung tâm Giống Thuỷ sản

More